Tổng thống Pháp và Thủ tướng Đức đã nhất trí “hợp tác trên tinh thần chung” nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng người nhập cư hiện nay.
Ba ngày trước thềm Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu với Thổ Nhĩ Kỳ bàn về cuộc khủng hoảng người tị nạn, hôm qua (4/3), lãnh đạo Pháp và Đức đã có cuộc gặp tại Paris để thảo luận về vấn đề này.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp cũng có cuộc gặp tại Athens để chuẩn bị những kế hoạch riêng đưa ra tại hội nghị sắp tới.
Tổng thống Pháp Francois Hollande và Thủ tướng Đức Angela Merkel đã nhất trí “hợp tác trên tinh thần chung” nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng người nhập cư hiện nay.
Tổng thống Pháp cho biết, nước này tôn trọng cam kết đã đưa ra với Liên minh châu Âu về việc tiếp nhận 3.000 người nhập cư, đồng thời công bố kế hoạch triển khai tàu đến biển Aegean tham gia lực lượng của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) kiểm soát dòng người nhập cư.
Tổng thống Hollande cũng kêu gọi củng cố đường biên giới giữa các nước trong khu vực tự do đi lại không cần hộ chiếu, còn gọi là khối Schengen.
“Mục đích của chúng tôi là đưa Schengen trở lại trật tự. Điều này chỉ có được thông qua sự hợp tác, đoàn kết và tăng cường nguồn lực chung. Các nước Schengen sẽ cùng nhau tăng cường phòng thủ biên giới và kế hoạch đó phải triển khai từ mùa hè này.”
Ông Hollande cũng cho rằng, những người tị nạn Syria trốn chạy khỏi chiến tranh loạn lạc ở quốc gia Trung Đông này nên được phân bổ giữa những nước láng giềng trong khu vực như Thổ Nhĩ Kỳ, Jordan và Liban.
Theo số liệu mới nhất, Thổ Nhĩ Kỳ hiện đã tiếp nhận ít nhất 2,5 triệu người nhập cư. Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu cho biết, lượng người nhập cư đã giảm nhờ vào chính sách thị thực mới sửa đổi nhưng nước này vẫn sẽ đề xuất thêm những biện pháp khác để giảm số người xin nhập cư vào nước này.
Phát biểu hôm qua sau cuộc gặp với người đồng cấp Hy Lạp, nước cũng đang khốn đốn vì làn sóng người tị nạn và nhập cư, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Cavusoglu kêu gọi một giải pháp mở rộng của Liên minh châu Âu:
“Chúng tôi đã xem xét lại chính sách thị thực của mình để giảm số lượng người nhập cư từ các nước khác nhau. Chúng tôi bắt đầu yêu cầu thị thực từ công dân của một số nước.
Chúng tôi cũng bắt đầu xem lại yêu cầu cho đơn cấp thị thực điện tử (e-visa) và chúng tôi thấy đã có sự sụt giảm đáng kể về số lượng. Nhưng giải pháp không thể chỉ xuất phát từ Hy Lạp hay Thổ Nhĩ Kỳ. Chúng ta nên thảo luận làm thế nào có thể tìm một giải pháp lâu dài.”
Ông Cavusoglu cũng cho biết, Thổ Nhĩ Kỳ tuân thủ kế hoạch hành động về di cư mà nước này đã thống nhất với các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu hồi tháng 11 năm ngoái và kỳ vọng việc triển khai lực lượng NATO sẽ giảm đáng kể dòng người nhập cư đến châu Âu.
Thổ Nhĩ Kỳ là mũi nhọn của Liên minh châu Âu trong những nỗ lực giải quyết cuộc khủng hoảng chưa từng thấy của khối này. Liên minh châu Âu muốn Thổ Nhĩ Kỳ giới hạn số người nhập cư giảm xuống dưới 1.000 so với từ 2.000 đến 3.000 hiện nay. Trước thềm hội nghị về nhập cư ngày 7 tháng 3 tới, cơ quan hành pháp của Liên minh châu Âu đã công bố nguồn quỹ lên đến 3 tỷ euro để giúp Thổ Nhĩ Kỳ hỗ trợ cho khoảng 2,5 triệu người nhập cư Syria đang ở nước này./.
Diệu Hương/VOV