Phong trào cực hữu Pegida tại Đức đang bị nghi là đã thực hiện một cuộc đánh bom vào một thánh đường Hồi giáo và trung tâm hội nghị tại Đức.
Những vụ nổ xảy ra chỉ vài giờ sau cuộc diễu hành của những người ủng hộ phong trào Pegida diễn ra.
Một vụ nổ đã phá bung những cánh cửa của thánh đường Hồi giáo Fatih Camii ở thành phố Dresden, vào lúc 22 giờ ngày 26.9 (giờ địa phương).
Gia đình vị lãnh đạo Hồi giáo sống trong thánh đường trên không ai bị thương, nhưng họ hoảng sợ vì tận mắt thấy 6 chai bom xăng được ném vào cửa sổ.
Ibrahim Ismail Turan, cậu con trai 10 tuổi của nhà lãnh đạo Hồi giáo ở Dresden nói với tờ Sächsische Zeitung:
"Họ tấn công chúng tôi vì họ ghét chúng tôi, bởi vì chúng tôi là người Hồi giáo".
Khoảng 25 phút sau, một vụ nổ khác xảy ra tại bên ngoài Trung tâm hội nghị quốc tế của thành phố, nằm gần tòa nhà của Hội đồng thành phố bên sông Elbe.
Vụ nổ làm vỡ tan kính trên tầng thượng tòa nhà, nhưng không ai bị thương. Cảnh sát điều tra đã tìm thấy vết tích của một thiết bị nổ tại hiện trường.
Nhà chức trách Đức đã sơ tán khách trong một quán bar gần Trung tâm hội nghị, đồng thời yêu cầu các du khách tránh xa các cửa sổ.
Cảnh sát Đức ngay lập tức phái nhân viên bảo vệ 2 thánh đường khác ở Dresden và một trung tâm Hồi giáo trong thành phố. Cảnh sát vẫn đang điều tra nguyên nhân của những vụ tấn công.
Cảnh sát trưởng Dresden, ông Horst Kretzschmar cho rằng những cuộc tấn công này là hành động được liên kết với nhau.
"Dù chúng tôi chưa thấy bằng chứng cáo buộc ai làm ra chuyện này, nhưng chúng tôi đang điều tra theo hướng kẻ thực hiện vụ tấn công do tinh thần bài ngoại. Đồng thời, chúng tôi cũng thấy có thể điều này liên quan đến lễ kỷ niệm Thống nhất nước Đức vào đầu tuần tới", ông Kretzschmar nói.
Lễ kỷ niệm ngày Thống nhất nước Đức được tổ chức vào 3.10 hằng năm.
Mỗi năm một tỉnh, thành phố của nước này sẽ tổ chức lễ kỷ niệm, năm nay đến lượt thành phố Dresden.
Thành phố này là "cái nôi" của phong trào Pegida (viết tắt của cụm từ "Người châu Âu yêu nước chống lại Hồi giáo ở phương Tây").
Phong trào Pegida thường tổ chức tuần hành biểu dương lực lượng vào cuối tuần, với hàng ngàn người ủng hộ tham gia.
Một cuộc tuần hành của phong trào Pegida
Nhiều chính trị gia Đức mô tả phong trào này như "phát xít Đức thu nhỏ", khi phong trào Pegida thường xuyên đụng phải những cuộc phản biểu tình. các thành viên của Pegida cũng bị cáo buộc phân biệt chủng tộc, theo chủ nghĩa phát xít, bài ngoại và kích động bạo lực.
Trong những hình ảnh của cuộc tuần hành hôm 26.9, chỉ 4 giờ trước khi các vụ nổ xảy ra, cho thấy đám đông ủng hộ Pegida mang theo những khẩu hiệu đầy kích động như "Những kẻ hiếp dâm không được chào đón" và "Nước Đức đang bị phá hủy".
Pegida hoặc những người ủng hộ phong trào này ngay lập tức bị nghi là đã thực hiện những vụ đánh bom, dù cảnh sát cho biết hiện không có bằng chứng nào như vậy.
Người sáng lập Pegida, Lutz Bachmann, ngay lập tức gọi những vụ đánh bom là "báo động giả" nhằm cho phép chính quyền chặn cuộc biểu tình của phong trào này chống bà Angela Merkel dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 3.10.
"Bạo lực không phải là giải pháp đúng cho mọi điều trên thế giới. Nhưng không ai biết người khác sẽ sử dụng bạo lực lúc nào", ông Bachmann viết trên Facebook cá nhân của mình.
Năm ngoái 1 triệu người tị nạn đã tới Đức, cùng với sự kiện tấn công tình dục hàng loạt trong đêm giao thừa tại Cologne đã khiến người Đức bực bội với chính sách nhập cư của bà Merkel.
Sự phát triển của phong trảo cực hữu đồng nghĩa với việc phát triển của những vụ bạo lực chính trị tại Đức, giữa những người cực hữu và những người phản đối phong trào này. Theo thống kê của chính phủ Đức, năm 2015 là một năm kỷ lục của tình trạng bạo lực chính trị, với 39.000 vụ việc được thụ lý và đa số là do các phần tử cực hữu gây nên.
"Sự gia tăng các hành động tội phạm mang động cơ chính trị là một phát triển đầy nguy hiểm cho xã hội. Chúng ta đang chứng kiến sự sẵn sàng sử dụng bạo lực của cả hai phe cánh tả và cánh hữu cực đoan", Bộ trưởng Nội vụ Đức, ông Thomas de Maiziere cho biết hồi đầu năm nay.
Sự thất vọng của người dân Đức với chính sách nhập cư của chính phủ nước này cũng được thể hiện qua các vòng bầu cử địa phương, khi đảng cực hữu
Sự thay thế cho nước Đức (AfD) liên tục có những chiến thắng, bất chấp việc AfD thực sự là một đảng phái chính trị non trẻ khi chỉ mới được thành lập từ năm 2013.
Tuy nhiên, với phương châm chống lại chính sách nhập cư của bà Merkel, đảng AfD đã liên tục chiến thắng tại các cuộc bầu cử địa phương từ đầu năm đến nay.
Theo Thiên Hà
Một Thế giới/ The Independent