Tiến hành can thiệp quân sự, phương Tây đã để lại mớ hỗn độn cho các nước ở các khu vực đồng thời kéo dài thêm những bất đồng sâu sắc.
Chính quyền Libya ở Tripoli ban bố tình trạng khẩn cấp
Ngày 25/3, chính quyền kiểm soát thủ đô Tripoli của Libya đã ban bố "tình trạng khẩn cấp tối đa" sau khi chính phủ đoàn kết do Liên hợp quốc bảo trợ tuyên bố các thành viên của chính phủ này sẽ tới Tripoli để bắt đầu làm việc.
Trong khi đó, chính phủ đoàn kết dân tộc Libya, được thành lập theo một thỏa thuận ký kết dưới sự bảo trợ của Liên hợp quốc tại Maroc hồi tháng 12/2015, đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ ở trong nước.
Trước đó, hôm 18/3, chính phủ ở Tobruk, do Quốc hội được quốc tế công nhận bầu ra, khẳng định không đồng ý cho chính phủ đoàn kết bắt đầu làm việc trong nước.
“Chính phủ ở Tobruk sẽ chống lại các biện pháp của một số bên quốc tế muốn áp đặt chính phủ đoàn kết dân tộc. Những bước đi này sẽ làm phức tạp thêm cuộc khủng hoảng chính trị tại Libya và gây chia rẽ sâu sắc hơn.
Tình hình tại Libya vẫn đang hết sức phức tạp
Toàn bộ thể chế của Libya trong và ngoài nước không được phối hợp với chính phủ đoàn kết trước khi thể chế này vượt qua cuộc bỏ phiếu tín nhiệm tại Quốc hội”, Tuyên bố của chính phủ Tobruk nêu rõ.
Thực tế từ giữa năm 2014, Libya đã tồn tại hai chính phủ và hai quốc hội đối địch.
Chính phủ được quốc tế công nhận đã buộc phải rời tới Tobruk sau khi lực lượng Hồi giáo Bình minh Libya (Fajir Libya) chiếm thủ đô Tripoli và lập chính phủ mới dưới sự ủng hộ của cơ quan lập pháp cũ.
Liên hợp quốc hối thúc các chính trị gia đối địch ở Libya chấp nhận chính phủ đoàn kết dân tộc, vừa được thành lập theo một thỏa thuận chia sẻ quyền lực ký tại Maroc cuối năm 2015.
Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) kêu gọi chính phủ đoàn kết dân tộc mới chuyển về thủ đô Tripoli và nắm quyền, đồng thời cảnh báo sẽ áp đặt trừng phạt đối với những ai phá hoại tiến trình chính trị này.
Tuy nhiên đến thời điểm hiện tại quốc gia Bắc Phi này vẫn đang hết sức rối ren và những căng thẳng leo thang chưa có dấu hiệu dừng lại.
Phương Tây để lại mớ hỗn độn sau khi rút quân?
Thực tế không chỉ có Lybia tại nhiều quốc gia khác như Afganistan, Ai Cập tình trạng hỗn độn, khủng hoảng vẫn tiếp tục tái diễn sau khi phương Tây có những can thiệp vào đây.
Trước đó là các cuộc cách mạng mầu ở Đông Âu, chiến tranh ở Nam Tư, Iraq, Afghanistan đến mùa xuân Arab hay như bạo loạn tại Ukraine.
Giới phân tích cho rằng, tác giả đích thực của các cuộc biểu tình, chính biến, bạo lực và chiến tranh đều bắt nguồn từ phương Tây từ tham vọng tiếp tục lãnh đạo thế giới của Mỹ với sự hậu thuẫn của NATO.
Đầu tiên phải nói đến Cách mạng màu (cam, nhung, hạt dẻ; hoa hồng, hoa cúc, hoa tulip, mùa xuân Arab…) ở một số quốc gia thuộc Liên Xô, Đông Âu vào thập kỷ cuối cùng của thế kỷ 20 và cả ở Trung Đông - Bắc Phi trong những năm đầu của thế kỷ 21.
Một trường hợp khác là Afganistan. Trong cuộc chiến chống Taliban của quân đội chính phủ, Mỹ cũng như NATO đã điều đến đây một lực lượng lớn để hỗ trợ cũng như tấn công lực lượng khủng bố này.
Theo số liệu thống kê, tổng quân số NATO có mặt tại Afghanistan lúc đỉnh điểm năm 2009 là vào khoảng 142.000, sau đó đã thu hẹp dần cho đến năm 2014 còn 17.000 quân.
Ngày 28/12/2014, lực lượng NATO do Mỹ dẫn đầu đã chính thức làm lễ "hạ cờ" chấm dứt 13 năm cuộc chiến chống khủng bố tại Afghanistan.
Việc bảo đảm an ninh, chống khủng bố đã chính thức được bàn giao lại hoàn toàn cho quân đội và cảnh sát Afghanistan.
Tuy duy trì một thời gian dài tại đây nhưng những kết quả mà Mỹ cũng như NATO đạt được lại không nhiều. Ở thời điểm rút quân, phiến quân Taliban vẫn đang thử thách ý chí của chính phủ đoàn kết dân tộc mới hình thành của đất nước.
Giới phân tích cho rằng, hơn 15 năm qua, người Mỹ đã biến Afghanistan thành một phòng thí nghiệm thực sự, nơi thử nghiệm hầu như tất cả các loại vũ khí.
Không loại trừ là người Mỹ đã sử dụng cả vũ khí hóa học và có thể sẽ còn chuẩn bị thử nghiệm các loại vũ khí hạt nhân cỡ nhỏ.
Chiến tranh vẫn diễn ra, dân thường Afghanistan tiếp tục đau khổ, số nạn nhân đang gia tăng. Như vậy, Mỹ đến Afghanistan không phải để chống khủng bố, và ngược lại, làm cho khủng bố phát triển, biến đổi khủng bố cho mục đích riêng của họ.
Tương tự với trường hợp của Ukraine. Vì lợi ích của mình phương Tây đã bất chấp các nguyên tắc quốc tế và vội vã công nhận một chính thể tạm quyền mà thành phần của nó bao gồm cả nhóm cực đoan khiến Nga không thể công nhận một chính phủ ở Kiev. Vì thế, khủng hoảng ở Ukraine hiện nay vẫn tiếp tục kéo dài đẩy nước này rơi vào tình trạng khủng hoảng trầm trọng, suy yếu về kinh tế, khủng hoảng về chính trị, nội bộ mâu thuẫn sâu sắc.
Thực tế ngay cả bản thân các nước Mỹ, Anh cũng đã từng lên tiếng thừa nhận sai lầm khi tiến hành các biện pháp can thiệp tại quốc gia này.
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry khi trả lời phỏng vấn trên chương trình Thời sự thứ Bảy ngày 16/12, nói:
"Tôi nghĩ câu trả lời đầu tiên cho câu hỏi này phải từ Tổng thống Barack Obama, và ông đã trả lời rằng ông coi đó là một sai lầm khi can thiệp vào Libya chỉ để cứu cuộc sống của hàng chục nghìn người dân phải bỏ mạng dưới sự tàn sát của chế độ Gaddafi".
"Sau khi hạ bệ ông Gaddafi lại không thực hiện đầy đủ nỗ lực để xúc tiến thành lập một chính phủ hợp pháp tại quốc gia Trung Đông này - đó là sai lầm”, Ngoại trưởng Mỹ cho biết thêm.
Hay như bản thân cựu Thủ tướng Anh Tony Blair trong cuộc phỏng vấn với CNN hồi tháng 10 năm ngoái đã lên tiếng xin lỗi vì những “lỗi lầm” đã gây ra trong cuộc xâm lược vào Iraq do Mỹ đứng đầu năm 2003, nhưng ông không hối hận đã tham gia lật đổ Tổng thống Saddam Hussein.
“Tôi muốn nói rằng tôi xin lỗi khi những thông tin tình báo mà chúng tôi nhận được đã sai, bởi mặc dù Saddam sử dụng vũ khí hóa học để chống lại người dân và những kẻ thù của ông ta, những gì mà chúng tôi tìm được lại không phải như chúng tôi nghĩ”, ông nói.
Hoàng Phi (Tổng hợp)