Phương Tây không thể duy trì trừng phạt Nga lâu dài?Một năm trước, những người áp đặt trừng phạt có vẻ kiên quyết, thì nay nó chẳng khác nào que kem dưới ánh nắng mặt trời đang tan chảy.

 Đó là nhận xét của Phó Thủ tướng Nga Igor Shuvalov ngày 19/6 trong một phiên họp tại Diễn đàn kinh tế quốc tế St. Petersburg (SPIEF 2015).

Theo ông Shuvalov, các biện pháp trừng phạt khoa trương "không đạt được bất cứ điều gì từ chúng tôi".

Phương Tây không thể duy trì trừng phạt Nga lâu dài?_0
Người dân Nga mua sắm tại siêu thị ở Moscow

Cũng trong khuôn khổ của SPIEF 2015, Tổng thống Nga Vladimir Putin khẳng định, nguyên nhân chính dẫn đến cuộc khủng hoảng tại Ukraine không phải là Nga, mà là do phương Tây hậu thuẫn cuộc đảo chính vi hiến ở quốc gia Đông Âu này.

Ông Putin cho rằng sau khi thế giới hai cực không còn tồn tại, Liên Xô biến mất khỏi bản đồ chính trị, một số nước phương Tây, cụ thể là Mỹ, thay vì xây dựng mối quan hệ láng giềng, đối tác tốt, bắt đầu tìm kiếm những khoảng không gian địa chính trị mới để gây dựng ảnh hưởng.

Tổng thống Putin cũng khẳng định cần thực thi đầy đủ các thỏa thuận Minsk và nếu không bằng lòng với thỏa thuận này, Nga đã không đặt bút ký. Ông khẳng định Nga sẽ thực thi đầy đủ các thỏa thuận Minsk song không thể làm điều này một cách đơn phương.

Theo ông Putin, để nhanh chóng thực hiện các thỏa thuận này, Ukraine cần thực thi luật về quy chế đặc biệt cho khu vực Donbass.

Vào thời điểm này, dù "cắn răng" trừng phạt Nga nhưng trong nội bộ EU tiếp tục bộc lộ những mâu thuẫn về các quyết định này. Mới đây nhất, Bộ trưởng Bộ Công nghiệp Italy Federica Guidi đã thừa nhận Rome cảm thấy lo sợ vì trừng phạt Moscow.

Trong suốt nhiều thập kỷ, Nga và Italy có mối quan hệ thương mại nồng ấm, một phần nhờ tình bằng hữu giữa cựu Thủ tướng Silvio Berlusconi với Tổng thống Vladimir Putin.

Giới nhà giàu Nga là khách “sộp” của các show diễn thời trang ở Milan và nhiều đặc sản Italy như pho mát và giăm bông Parma. Xuất khẩu những mặt hàng như vậy sang Nga ngày càng giữ một vai trò quan trọng đối với nền kinh tế Italy.

Nhưng tất cả đã bị đảo lộn trong năm 2014 khi cuộc khủng hoảng ở Ukraine đẩy mối quan hệ giữa châu Âu và Nga xuống mức thấp nhất trong nhiều năm.

Cùng với Mỹ, EU tung đòn trừng phạt lên Nga. Ngay lập tức, điện Kremlin trả đũa bằng cách cấm nhập khẩu một loạt thực phẩm từ các nước EU, từ thịt cho tới các sản phẩm sữa.

Italy, quốc gia có nền kinh tế lấy xuất khẩu làm động lực phát triển chính, đã chịu ảnh hưởng mạnh. Cho dù các lệnh trừng phạt có sớm được nới, thì nền kinh tế lớn thứ tư châu Âu này vẫn có nguy cơ mất vĩnh viễn khách hàng Nga vào tay các đối thủ như Thụy Sỹ, quốc gia không phải là thành viên EU và không phải tuân thủ các chính sách của khối này.

Là nước sản xuất công nghiệp lớn thứ hai ở châu Âu sau Đức, Italy chịu tác động nhiều hơn từ việc trừng phạt Nga so với một số nước EU khác. Chưa kể, nền kinh tế Italy vừa ra khỏi một cuộc suy thoái kéo dài 3 năm rưỡi, dài nhất trong lịch sử.

Các doanh nghiệp Đức đi tiên phong trong việc phản đối lệnh trừng phạt đối với Nga bởi họ đang phải gánh những tổn thất nặng nề trong thị trường xuất khẩu sau lệnh trừng phạt.

Ngay cả Thủ tướng Anh David Cameron cũng thừa nhận rằng việc "trừng phạt ảnh hưởng” mạnh mẽ tới cả nền kinh tế EU và Nga. Viện nghiên cứu kinh tế Áo ước tính, EU sẽ thiệt hại tới 100 tỷ Euro (114 tỷ USD) nếu các lệnh trừng phạt còn kéo dài.

Theo giới phân tích, Mỹ đã thành công trong việc thuyết phục EU tiếp tục kéo dài trừng phạt Nga đến tháng 6/2016, nhưng rõ ràng lệnh trừng phạt là con dao hai lưỡi ảnh hưởng cả lên Nga và phương Tây nói chung, trong khi Mỹ lại không phải là nước chịu ảnh hưởng trực tiếp bởi lệnh trừng phạt.

Minh Thái (Tổng hợp)




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC