Bước qua “lời nguyền 10 năm”?
Đã có những bản “cáo phó chính trị” đối với Thủ tướng Angela Merkel được đưa ra sau khi bà thất bại trong việc đàm phán thành lập Chính phủ liên minh hồi tháng 10. Vậy điều gì sẽ xảy ra?
Trong một cuộc thăm dò gần đây của YouGov, gần một nửa số người được hỏi cho rằng bà Merkel nên từ chức trước khi kết thúc nhiệm kỳ của mình.
Thủ tướng Merkel đã bước vào "hoàng hôn" của sự nghiệp chính trị?
Thất bại gây sốc của bà Merkel hồi tháng 10 khiến nhiều người một lần nữa tin vào “lời nguyền 10 năm” của các nhà lãnh đạo thành công trong nền dân chủ phương Tây.
Nếu Margaret Thatcher, Tony Blair, Felipe González và Charles de Gaulle – tất cả đều tạm biệt chính trường sau một thập kỷ nắm quyền, không ít người cho rằng nữ lãnh đạo 63 tuổi nước Đức cũng lâm vào cảnh chẳng khác gì thế, thậm chí còn tồi tệ hơn.
Trong cuộc bầu cử trước đó, người dân Đức tiếp tục đặt niềm tin và đi theo phong cách lãnh đạo thận trọng của bà Merkel, mặc dù vẫn bất bình với quyết định đón một triệu người tị nạn vào năm 2015.
Họ không vội vàng thay thế thứ hiện có bằng chủ nghĩa dân tộc đang trở thành trào lưu trên thế giới.
Tuy nhiên, gánh nặng của Đức khi cõng trên vai cả Liên minh châu Âu (EU), bao gồm cả các vấn đề chung của khối đang khiến chính quốc gia này mệt mỏi. Kéo theo đó là những xung động chính trị tạo thành cái cớ để các phe phái đối lập trỗi dậy.
Nhưng vẫn còn quá sớm để nói rằng sự nghiệp của nhà lãnh đạo phục vụ lâu nhất ở châu Âu sắp kết thúc.
Vị thế của bà Merkel có khả năng phục hồi trở lại vào năm 2018 với một Chính phủ mới cam kết sẽ hội nhập sâu với châu Âu và tăng cường hợp tác với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron.
Sau tất cả, sự lôi cuốn, trẻ trung của vị Tổng thống Pháp giống như chiếc phao cứu trợ tốt nhất lúc này của Thủ tướng Đức, tờ Politico nhận định.
“Macron có thể có tầm nhìn chiến lược đa dạng, nhưng Angela Merkel mới là thợ sửa chữa tốt nhất trên thế giới”, một chuyên gia người Đức gợi ý, việc hợp tác với nhà lãnh đạo Pháp ôn hòa sẽ cung cấp cho “bà đầm thép” một bệ phóng vững chắc trong việc lấy lại quyền lực.
Trở lại mặt trận châu Âu
Trong nhiều năm qua, người Đức đã than thở về sự suy giảm và thụ động của Pháp, để lại cho họ đơn độc với vai nhà lãnh đạo của EU.
Bây giờ, với một chính quyền mới tươi trẻ của Macron, họ hy vọng Pháp có thể sớm trở lại sau các cải cách xã hội lớn.
Thủ tướng Merkel từng vui mừng tuyên bố rằng, cuối cùng thì bà cũng có một đối tác Pháp có thể cùng làm việc để lấy lại vị thế của đồng euro, tăng cường quốc phòng châu Âu và cải cách chính sách di dân và tị nạn của EU.
Ngay cả trong lúc đang vướng bận với các khó khăn hiện tại trong nước, nhà lãnh đạo này đang tận dụng mọi cơ hội để thể hiện một mặt trận thống nhất với Macron.
Hồi giữa tháng 12, Thủ tướng Đức tuyên bố, bà muốn thiết lập một đề xuất chung với Pháp về cải cách khu vực châu Âu trong tháng tới.
Đáp lại bằng sự nhiệt tình, Macron cho biết, ông hy vọng sẽ đạt được tiến bộ với Đức trong gói cải cách đồng tiền chung châu Âu, cũng như vấn đề cuộc khủng hoảng Ukraine.
Những người từng nói chuyện với bà Merkel tiết lộ rằng, bà đã miễn cưỡng ra tranh cử nhiệm kỳ thứ tư chỉ vì lý do ông Donald Trump thắng cử Tổng thống Mỹ, điều gây ra những lo ngại chia rẽ trong thế giới phương Tây.
Những lo lắng của bà Merkel đã tỏ ra có cơ sở. Trước việc Mỹ không còn cam kết cho tự do thương mại, chủ nghĩa đa phương, hợp tác kinh tế; cùng với cơn sốc Anh rời khỏi châu Âu… chỉ có duy nhất nhà lãnh đạo Đức cho thấy là người có đủ kinh nghiệm, sự bình tĩnh, để chèo lái con thuyền EU đang lạc lõng giữa biển khơi.
Ở Liên minh châu Âu, trong lúc chính quyền Macron cần nhiều thời gian để dàn xếp các công việc trong nước trước khi tính đến những thách thức tầm cỡ châu lục, chỉ có Thủ tướng Merkel mới có thể kêu gọi những giải pháp cần thiết và tạo nên một sự cân bằng Nam, Bắc; Đông, Tây; cánh tả, cánh hữu.
Người ta đang chờ đợi một sự trở lại của Angela Merkel trước bão táp chính trị. Dù thua trên sân nhà, nhà lãnh đạo 63 tuổi vẫn còn cơ hội ở châu Âu, nơi đã và luôn là sân khấu giúp bà trở thành một trong những nhà lãnh đạo quyền lực nhất toàn cầu.
“Bà ấy vẫn là nữ hoàng của châu Âu”, một nhà ngoại giao EU cho biết. “Nếu bạn muốn giải quyết điều gì, hãy đi cùng Merkel”.
“Nếu bạn đang ở trong tù và chỉ được phép gọi một cú điện thoại, tôi nghĩ dù là bất kỳ ai trong số 27 nhà lãnh đạo (châu Âu) vẫn sẽ gọi cho Angela Merkel”, nhân vật này quả quyết.
Nguồn: Quốc Vinh
Người đưa tin