Nhờ tham dự buổi diễn của nghệ sĩ Bruno Mars ở cả Hamburg và Amsterdam, tôi có dịp nhận ra rằng người Đức có cuộc sống hiện đại, nhưng khác hẳn những nơi khác.
Trong bối cảnh mạng xã hội phát triển như vũ bão, công dân của một trong những quốc gia dẫn đầu thế giới về công nghệ – nước Đức, không hề bị chi phối bởi lĩnh vực này.
Tập trung sống-không-ảo
Người Đức tận hưởng “sống thật” nhiều hơn “sống ảo”. Khi gặp gỡ bạn bè, người Đức tập trung vào những gì đang diễn ra, và câu chuyện với người đối diện.
Rất hiếm thấy ai dùng điện thoại đọc tin nhắn, lướt Facebook hay thậm chí chỉ để xem giờ khi đang ngồi với người khác. Bạn cũng gần như không bao giờ bắt gặp hình ảnh các nhóm bạn chụp ảnh check-in dù là ở các quán cà phê cổ kính, hay trên những con đường sầm uất ở Berlin.
Sự so sánh rõ ràng nhất mà tôi cảm nhận được là khi chứng kiến cách người Đức và người Hà Lan sử dụng điện thoại tại hai show ca nhạc diễn ra tại Amsterdam và Hamburg hồi tháng Năm vừa rồi.
Trong khi rất nhiều khán giả ở Amsterdam giơ cao điện thoại ghi hình suốt 90 phút biểu diễn, thì tại buổi biểu diễn của nghệ sĩ Bruno Mars ở Hamburg, số lượng màn hình phát sáng thưa thớt hẳn.
Đứng từ vị trí khán đài nhìn xuống, chỉ có lác đác ánh sáng của những chiếc điện thoại thông minh le lói bên cạnh đa số những thân hình trẻ trung đang nhảy nhót hết mình.
Tôi hiểu rằng những người đến xem biểu diễn tại Hamburg đều cố gắng tận hưởng không khí sôi động của đêm hôm ấy.
Các bạn tôi đùa rằng nếu lỡ thích một người Đức thì cũng đừng buồn khi quá trình “tìm hiểu”, thu thập thông tin qua mạng xã hội về đối phương không dài quá 5 phút và kết thúc trong vô vọng.
Tất cả những gì hiện lên trên dòng thời gian (timeline) của họ chỉ là hình ảnh đại diện lẻ loi từ năm nào đó rất xa và một loạt lời chúc sinh nhật không có lời đáp, thậm chí tên của họ cũng chỉ đúng một nửa.
Đứng ngoài cuộc chơi
Người Đức rất coi trọng quyền riêng tư và bảo mật thông tin cá nhân. Giống như việc không chụp ảnh trẻ con bừa bãi, đăng tải ảnh con cái tùy tiện, sử dụng thẻ tín dụng khi mua sắm trên mạng, người Đức vô cùng thận trọng khi sử dụng mạng xã hội. Nếu người Thái Lan hay Trung Quốc thường tự đặt cho mình một cái tên dễ gọi trên Facebook, phần lớn người Đức chỉ đơn giản dùng một nửa tên thật để tránh bị đánh cắp thông tin.
Khoảng hơn một năm trước, chính sách sử dụng tên thật của Facebook khiến bao tài khoản phải từ bỏ nickname yêu thích của mình, nhưng riêng tại Đức, Mark Zuckerberg đã phải nới lỏng quy định này.
Tại đây, ông trùm mạng xã hội cũng đang bị Văn phòng Liên bang điều tra những vi phạm trong việc sử dụng thông tin người dùng.
Sự thận trọng của người Đức được lý giải bởi qua nhiều chế độ cai trị trong lịch sử, các chính quyền đều triển khai hoạt động tình báo một cách triệt để. Rất nhiều thế hệ người Đức vẫn luôn cho rằng lộ thông tin cá nhân là hết sức nguy hiểm, không chỉ cho mình mà cả người thân.
Mọi người vẫn rỉ tai nhau rằng câu đầu tiên cần học trong tiếng Đức là “Xin lỗi tôi đến muộn” để nhắc về tính kỷ luật và đúng giờ của người Đức.
Điều này còn ám chỉ đến tính hiệu quả trong mọi việc làm bởi gần như họ không đốt thời gian cho mạng xã hội. Nếu như bạn thức giấc lúc 6 giờ, tắt chuông báo thức, nằm lướt Facebook và các mạng xã hội khác trong khoảng 30-45 phút, nhiều người Đức đã kịp sửa soạn, thay đồ, đưa con đi học, đi siêu thị mua đồ ăn cả tuần… Họ chỉ sử dụng mạng xã hội khi phải giải quyết vấn đề liên quan chứ không lướt mạng vô thức.
Các kênh thông tin truyền thống vẫn có chỗ đứng vững chắc tại đây, thậm chí còn đóng vai trò thiết yếu trong đời sống hàng ngày. Bên cạnh báo giấy, truyền hình, thư tín vẫn được ưa chuộng.
Từ tấm thiệp mừng sinh nhật, hóa đơn đến các giấy tờ cá nhân quan trọng khác đều được gửi qua đường bưu điện thay vì thư điện tử.
Khách hàng khó tính
Là người làm truyền thông, thắc mắc lớn nhất của tôi là: liệu các chiến dịch truyền thông hay tiếp thị tại Đức có coi mạng xã hội là kênh hữu hiệu hay không? Trước những nhóm khách hàng đặc biệt này, cần dùng chiến lược gì để đạt kết quả cao nhất?
Theo một báo cáo của eMarketer, có đến 56,5% người Đức không ủng hộ sự hiện diện của các nhãn hàng trên các trang mạng xã hội dưới bất cứ hình thức nào.
Họ không thích thú về việc thông tin cá nhân hay tương tác của mình trên mạng xã hội bị các công ty mổ xẻ và sử dụng vào mục đích quảng cáo.
Nếu ở Việt Nam, các cuộc thi trực tuyến (online contests) được cho là chiến thuật hữu hiệu để nâng cao nhận diện thương hiệu, tăng cường tương tác với các nhóm khách hàng, tại Đức, chiến thuật này gần như nắm chắc thất bại bởi thật khó có thể khiến người Đức thực hiện các hành vi tương tác như Like, Share, và Tag bạn bè để nhận quà từ một doanh nghiệp nào đó trên mạng xã hội.
Có thể nói, Đức là một trong những quốc gia phát triển hàng đầu thế giới về công nghệ, nhưng cuộc sống của người Đức không hề bị thế giới ảo chi phối.
Đây có lẽ cũng là điều khiến tôi cảm thấy thật sự dễ chịu khi nói chuyện cùng các bạn Đức, bởi khi đã ngồi lại với nhau, tôi biết chắc chắn mọi sự tập trung của họ sẽ dành cho mình, và không phải lo lắng rằng cuộc nói chuyện sẽ bị gián đoạn bởi chuông tin nhắn hay vì đối phương bận like một bức hình ngẫu nhiên trên mạng.
Nguồn: Hà Anh – Vân Hà
Báo Quốc tế