Có lẽ cơ chế việc làm chính là bài học lớn nhất mà các nước trên thế giới nên học hỏi từ Đức, đất nước có lực lượng lao động dồi dào và nền kinh tế phục hồi nhanh sau thời kỳ suy thoái.
Trong khi Mỹ dành trợ cấp thất nghiệp cho công nhân thì chính phủ Đức thành lập các chương trình tạm thời để đối phó với suy thoái bằng cách bù đắp lợi nhuận cho các công ty nhằm khuyến khích họ giữ chân người lao động.
Bắt đầu thời kỳ suy thoái, tỷ lệ thất nghiệp tại Mỹ thấp hơn so với Đức. Nhưng tháng 11 năm 2010, tỷ lệ thất nghiệp của Đức đã giảm xuống còn 7,5%, còn tại Mỹ con số này đã vọt lên 9,8%.
Markus Schalber, một công nhân làm việc tại nhà máy John Deere ở Mannheim, người được hưởng lợi từ chương trình của chính phủ Đức cho biết, “Các chương trình làm việc ngắn hạn giúp tôi giảm bớt gánh nặng suy thoái”.
Thật vậy, tại nơi làm việc của Schalber, năng suất vẫn tăng mạnh ngay cả khi thời kỳ đỉnh cao suy thoái doanh thu của nhà máy đã giảm đi 30%. Lý do chính là nhà máy John Deere đã thực hiện chương trình giảm giờ làm cho 1.600 công nhân thay vì sa thải công nhân để giữ lợi nhuận cao như ở Mỹ. Do đó, nhà máy đã tiết kiệm được hơn 200 việc làm.
Ngoài ra, nhờ sức mạnh từ xuất khẩu, cổ phiếu của Đức đã tăng 18% trong năm nay, vượt qua các nước châu Âu và Mỹ. Mặt khác, bước đột phá trong xuất khẩu hàng hoá và máy móc là lý do chính khiến nền kinh tế Đức tăng mạnh trở lại.
EBM Pabst, nhà sản xuất quạt điện lớn nhất thế giới là một ví dụ. Phần lớn các sản phẩm của nhà sản xuất này đều được xuất khẩu sang Mỹ, Trung Quốc và Ấn Độ. Cuộc khủng hoảng đồng euro và nợ chủ quyền tại các nước khu vực châu Âu đã giúp nhà sản xuất EBM Pabst thu lại lợi nhuận đáng kể.
Ông Stefan Schneider, chuyên gia kinh tế quốc tế tại Ngân hàng Deutsche Bank cho biết, "Cuộc khủng hoảng đồng euro ít nhất cũng giúp tình hình xuất khẩu của Đức và khu vực châu Âu cải thiện rõ rệt”.
Thanh Hòa
Theo InfoTV, CNBC