Bộ trưởng Bộ Nội vụ Hy Lạp ngày 24/5 đã thẳng thừng tuyên bố nước này không thể trả nợ cho Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).
“Số nợ mà Hy Lạp phải thanh toán làm 4 đợt cho IMF trong tháng 6 tổng cộng là 1,6 tỷ USD. Số tiền này sẽ không được trả và sẽ không có để trả”, Reuters dẫn lời Bộ trưởng Bộ Nội vụ Hy Lạp Nikos Voutsis tuyên bố trên truyền hình và được VnEconomy dẫn lại.
Nguy cơ Hy Lạp rời khu vực Eurozone đang cận kề |
Athens đang đối mặt với sức ép phải chấp nhận thêm các biện pháp cắt giảm chi tiêu và cải cách thì các chủ nợ mới giải ngân tiền cứu trợ. Chính phủ của Thủ tướng Alexis Tsipras phản đối các biện pháp này, cho rằng làm vậy sẽ khiến tình hình càng trở nên tồi tệ hơn vì cản trở tiến trình phục hồi tăng trưởng khỏi suy thoái của kinh tế Hy Lạp.
Bộ trưởng Voutsis tuyên bố Chính phủ Hy Lạp quyết tâm chống lại chiến lược “bóp nghẹt” Athens của các chủ nợ. “Cần phải chống lại chính sách siêu thắt chặt và tỷ lệ thất nghiệp cao ở Hy Lạp. Chúng tôi sẽ không trốn chạy khỏi cuộc chiến này”, ông Voutsis nói.
Việc không hoàn nợ cho IMF có thể khiến Hy Lạp bị đẩy khỏi khối sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) và điều đó sẽ là một "thảm hoạ", như thừa nhận của Bộ trưởng Tài chính Pháp Michel Sapin hôm 23/5. Ông Sapin cho rằng sự ra đi của Hy Lạp sẽ khiến khu vực đồng euro đối mặt với thách thức về tín nhiệm.
Ông Sapin khẳng định rằng: “Chúng tôi cần Hy Lạp ở lại khu vực đồng tiền chung châu Âu” và nhấn mạnh sự cần thiết phải tìm được một giải pháp đáng tin cậy và lâu dài cho vấn đề Hy Lạp.
Theo kết quả thăm dò dư luận do Viện Vấn đề Công cộng của Hy Lạp thực hiện, công bố ngày 24/5, phần lớn người dân của quốc gia nam Âu này ủng hộ chính phủ của đảng Syriza trong tiến trình đàm phán với các chủ nợ và mong muốn Hy Lạp sẽ đạt được thỏa thuận để ở lại Eurozone.
Theo đó, 54% số người được hỏi đồng ý với cách thức mà chính phủ cực hữu Syriza tiến hành đàm phán, 59% tán thành việc Athens đã không nhượng bộ bất chấp căng thẳng với các chủ nợ quốc tế.
Trong khi đó, 89% phản đối việc tiếp tục cắt giảm lương hưu, 81% phản đối việc sa thải tập thể.
Theo cuộc thăm dò trên, 71% số người được hỏi vẫn bảo vệ đồng tiền chung châu Âu và 68% cho rằng đồng nội tệ drachme chỉ làm trầm trọng thêm tình hình của đất nước.
-
An Nhiên (Tổng hợp)