Thổ Nhì Kỳ đòi thêm 3 tỷ euro, đòi miễn thị thực, đòi đẩy nhanh gia nhập EU để đổi lại sẽ có biện pháp ngăn người di cư vào châu Âu.
Bất ngờ đòi tiền
Tại Hội nghị thượng đỉnh khẩn cấp Liên minh châu Âu (EU)-Thổ Nhĩ Kỳ diễn ra tại Brussels ngày 7/3, các nhà lãnh đạo EU đã tuyên bố không nhất trí với những đề xuất mới của Thổ Nhĩ Kỳ để đổi lấy các biện pháp giải quyết cuộc khủng hoảng di cư hiện nay.
Tuyên bố được đưa ra sau khi Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Davutoglu đòi hỏi EU đáp ứng một loạt đề xuất mới nếu muốn EU có pháp giúp kiềm chế làn sóng di cư vào châu Âu.
Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Davutoglu tươi cười tại Hội nghị thượng đỉnh bất thường với EU ngày 7/3 tại Brussels
Đáng chú ý trong đề xuất mới là việc Ankara yêu cầu EU tăng gấp đôi khoản hỗ trợ tài chính lên 6 tỷ euro (6,6 tỷ USD) đến năm 2018 để tiếp nhận người tị nạn, đẩy nhanh việc miễn thị thực cho công dân Thổ Nhĩ Kỳ và tiến trình đàm phán gia nhập EU của nước này.
Tuy nhiên, ngay sau khi Thổ Nhĩ Kỳ nêu ra đề xuất mới, Chủ tịch Nghị viện châu Âu (EP) Martin Schulz tuyên bố việc gia nhập EU không được đưa ra làm điều kiện để Ankara thực thi những trách nhiệm của mình trong vấn đề di cư.
Ông Martin Schulz nhấn mạnh châu Âu sẽ phân biệt rõ ràng các cuộc đàm phán về gia nhập EU của Thổ Nhĩ Kỳ với cuộc khủng hoảng di cư hiện nay.
Giới chức ngoại giao EU cũng khẳng định các đề xuất, trong đó có việc tăng gấp đôi khoản hỗ trợ tài chính cho Thổ Nhĩ Kỳ, là rất hệ trọng.
Các nước thành viên EU cần nhiều thời gian hơn để thảo luận và có thể sẽ để lại cho Hội nghị thượng đỉnh EU vào ngày 17-18/3 tới.
Người tị nạn Syria tại khu vực biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ
Hãng tin Reuters thì dẫn lời giới chức EU nói rằng các nhà lãnh đạo của liên minh này đã “ngạc nhiên” trước đề xuất của Thổ Nhĩ Kỳ và tuyên bố cần thêm thời gian để xem xét.
Trước đó, từ Ankara, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan cũng có tuyên bố liên quan tới vấn đề tiền bạc khi ông này chỉ trích EU chậm trễ trong việc giải ngân khoản hỗ trợ tài chính 3 tỷ euro dành cho Ankara, vốn là một phần trong Kế hoạch Hành động chung đạt được tại Hội nghị thượng đỉnh EU-Thổ Nhĩ Kỳ ngày 29/11/2015.
Theo ông Erdogan, đã 4 tháng kể từ khi thỏa thuận được ký kết và số tiền này vẫn chưa được giải ngân cho chính quyền Ankara.
Lòng tham vô đáy?
Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đã rất nhiều lần nhấn mạnh về con số người nhập cư mà họ đã tiếp nhận tới nay: Khoảng 2,5 triệu người chính thức đăng ký nhập cư, trong đó khoảng 1/10 sống trong các trại tị nạn.
Tổng thống Erdogan chỉ trích châu Âu chưa làm tròn trách nhiệm của họ, tiếp nhận quá ít người nhập cư và bỏ mặc Thổ Nhĩ Kỳ với gánh nặng này. Ông Erdogan cũng đã nhiều lần dọa sẽ đẩy thêm người nhập cư tới châu Âu nếu yêu cầu của Ankara không được đáp ứng.
Thổ Nhĩ Kỳ coi khoản hỗ trợ 3 tỷ euro mà EU đã cam kết cung cấp cho nước này là quá ít. Theo một chính trị gia đảng Công lý và Phát triển (AKP) cầm quyền Thổ Nhĩ Kỳ, sẽ là lý tưởng nếu khoản tiền này là "khoản hỗ trợ hàng năm".
Chính trị gia này nói: "Kể từ khi nổ ra chiến tranh ở Syria 5 năm trước, Thổ Nhĩ Kỳ tới nay đã chi 10 tỷ euro cho người nhập cư. Đã đến lúc EU phải có sự tham gia phù hợp".
Mùa Thu vừa qua, EU đã cam kết với Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ rằng họ sẽ cung cấp tài chính, nới lỏng thị thực và nối lại các cuộc đàm phán về việc gia nhập EU nếu Ankara hợp tác trong chính sách người nhập cư.
EU muốn Thổ Nhĩ Kỳ kiểm soát tốt hơn biên giới trên biển của nước này với Hy Lạp. Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng đã có những thành công bước đầu trong kế hoạch hành động EU-Thổ Nhĩ Kỳ về ngăn chặn dòng người nhập cư vào châu Âu.
Theo Bộ trưởng phụ trách các vấn đề EU của Thổ Nhĩ Kỳ Volkan Bozkir, số người nhập cư đi bằng thuyền vào Hy Lạp đã giảm xuống còn khoảng 300 người/ngày.
Tuy nhiên, nguyên nhân giảm người nhập cư vào châu Âu hiện nay là do thời tiết xấu, khiến dọc bờ biển Aegean của Thổ Nhĩ Kỳ không có nhiều thuyền đưa người nhập cư tới Hy Lạp.
Ankara cho rằng để người Syria có thể ở lại Thổ Nhĩ Kỳ cũng như có thể hội nhập ở đây, không chỉ cần có thêm nơi ăn ở mới, mà cũng cần nâng cấp cơ sở hạ tầng tại các vùng miền có người nhập cư.
Ngoài ra, cũng cần có các bệnh viện, trường học mới cho họ.
Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ cũng cho biết hiện nhiều trường học đã giảng dạy bằng tiếng Arập vào buổi chiều cho trẻ em Syria và những dự án như vậy rất tốn kém mà về lâu dài Ankara không thể tự lo liệu.
Trong khi đó, EU quan ngại việc hỗ trợ tài chính có thể bị rơi vào các "kênh đen". Giới ngoại giao EU muốn số tiền tài trợ chỉ được chi vào các dự án liên quan và việc chi tiêu sẽ phải được kiểm tra chặt chẽ. Thực tế, rất khó có thể đảm bảo số tiền sẽ chảy đi đâu và ai sẽ kiểm soát số tiền đó.
Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng yêu sách của Thổ Nhĩ Kỳ có thêm tiền sớm muộn cũng sẽ được đáp ứng, bởi cho tới nay Thổ Nhĩ Kỳ được coi là chiếc chìa khóa duy nhất để giải quyết cuộc khủng hoảng di cư đang đe dọa nhấn chìm châu Âu.
Phong Minh