Thủ tướng Đức Angela Merkel. Ảnh: Reuters
Sau gần 1 tuần đàm phán khó khăn, trong đó cuộc gặp cuối cùng kéo dài 24 tiếng liên tục tại thủ đô Berlin, trước báo chí, vị nữ lãnh đạo của nước Đức đã hoan nghênh cam kết đạt được cho phép bà tiếp tục giữ chức Thủ tướng thêm một nhiệm kỳ 4 năm, cũng như đưa nước này thoát khỏi bế tắc chính trị kéo dài nhiều tháng qua.
Bà Merkel khẳng định mong muốn thành lập một Chính phủ ổn định trong những năm tới:
“Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo đã nhất trí thông qua văn kiện này. Đây là kết quả các cuộc đàm phán thăm dò, với sự tham dự của nhiều thành phần và dựa trên những cơ sở rộng rãi. Chúng tôi sẽ khuyến nghị đảng sớm thông qua để có thể bắt đầu các cuộc đàm phán thành lập Chính phủ ổn định”.
Như vậy, với kết quả này, bà Merkel cũng như Liên minh Dân chủ/Xã hội Cơ đốc giáo (CDU/CSU) của mình có thể coi vượt qua "sóng gió" sau khi các nỗ lực thành lập liên minh với 2 đảng nhỏ hơn là Đảng Xanh và Đảng Dân chủ Tự do (FDP) thất bại.
Đảng Dân chủ Xã hội từng là một phần của "đại liên minh" với các đảng bảo thủ của bà Merkel lãnh đạo đất nước trong 4 năm qua.
Tuy nhiên, sau cuộc tổng tuyển cử hồi tháng 9 năm ngoái, với kết quả tồi tệ nhất kể từ năm 1993, đảng này đã tuyên bố trở thành phe đối lập và chỉ thay đổi quyết định sau khi có sự can thiệp của Tổng thống Đức.
Bản thỏa thuận về nguyên tắc dài 28 trang này xác định những đường hướng, cũng như mục tiêu chính của Chính phủ liên minh trong tương lai và mở đường cho các cuộc đàm phán chi tiết về chính sách sẽ theo đuổi. Một tiến trình dự kiến mất nhiều tuần.
Trong lúc này, hai đảng phái chính trị chủ yếu tập trung vào vấn đề châu Âu.
Trước báo chí, Thủ tướng Merkel và lãnh đạo đảng Dân chủ Xã hội Martin Schulz cam kết đóng góp cho “một sự khởi đầu mới của châu Âu” cùng với nước Pháp, trong bối cảnh Liên minh châu Âu đang phải đối mặt với nhiều sóng gió, sau quyết định của Anh rời khối và sự nổi lên của các xu hướng dân túy tại châu lục.
Chủ tịch đảng Dân chủ Xã hội Schulz nói: “Tôi muốn nói rằng, chương châu Âu trong văn kiện sẽ góp phần tạo ra một sự khởi đầu mới cho châu Âu. Đức sẽ giữ vững vai trò của mình tại châu Âu nếu Chính phủ tiếp theo được thành lập trên cơ sở những tài liệu này.
Đây cũng là câu trả lời cho những đề xuất của nước Pháp nhằm củng cố và tăng cường Liên minh châu Âu. Chúng tôi quyết tâm sử dụng sức mạnh chính trị và kinh tế của mình nhằm hiện thực hóa các dự án lớn của Liên minh châu Âu”.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron vẫn luôn chờ đợi câu trả lời của nước Đức đối với những đề xuất của nước này, đặc biệt liên quan tới việc cải cách Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone).
Liên quan đến chính sách nhập cư, một điểm gây bất đồng sâu sắc trong các cuộc đàm phán, hai bên cũng nhất trí hạn chế số lượng người xin tị nạn tại nước này hàng năm xuống khoảng từ 180 nghìn đến 220 nghìn người, theo mong muốn của liên đảng bảo thủ.
Trong giai đoạn 2015-2016, Đức tiếp nhận hơn 1 triệu người xin tị nạn.
Đây cũng chính là điều khiến người đứng đầu Chính phủ Đức hứng chịu nhiều chỉ trích thời gian qua và cũng là cơ hội cho phe cựu hữu tranh thủ sự ủng hộ của cử tri.
Tuy nhiên, bất chấp thỏa thuận về nguyên tắc ngày hôm nay, mọi việc tại nước Đức vẫn chưa ngã ngũ khi văn kiện còn phải được 2 đảng thông qua. Đối với đảng Dân chủ Xã hội, thỏa thuận sẽ phải vượt qua được Đại hội đảng bất thường vào ngày 21/1 tới, trong khi hiện trong đảng vẫn còn nhiều ý kiến hoài nghi về khả năng quay lại thời kỳ đại liên minh trước đây.
Một số hãng truyền thông nước này thậm chí còn đánh giá liên minh có thể giữa liên đảng cầm quyền và đảng Dân chủ Xã hội là một “liên minh thất bại” bởi mỗi đảng đều từng “chịu sự trừng phạt” của cử tri trong cuộc tổng tuyển cử hồi tháng 9.
Theo kết quả một cuộc thăm dò công bố trên nhật báo Handelsblatt mới đây, đa số người dân Đức (56%) cho rằng, Thủ tướng sẽ phải rời vị trí trước khi kết thúc nhiệm kỳ có thể sắp tới.
Trong trường hợp lạc quan nhất, Chính phủ mới sẽ được thành lập từ nay đến cuối tháng 3.
Nguồn: Thu Hoài
VOV