Đối đầu Nga và phương Tây là một tâm điểm của hội nghị. Thủ tướng Nga đưa ra một cái nhìn u ám về quan hệ Nga-Phương Tây, và cho rằng thế giới đã bước vào thời kỳ "Chiến tranh lạnh mới".
Hội nghị về an ninh thường niên lần thứ 52, với sự tham gia của hơn 30 nguyên thủ quốc gia, diễn ra từ ngày 12/2 đến 14/2/2016, RFI đưa tin.
Đối đầu Nga và phương Tây là một tâm điểm của hội nghị.
Thủ tướng Nga đưa ra một cái nhìn u ám về quan hệ Nga-Phương Tây, và cho rằng thế giới đã bước vào thời kỳ "Chiến tranh lạnh mới".
Theo AFP, phát biểu tại hội nghị hôm 13/02, trước các chính trị gia hàng đầu thế giới, thủ tướng Nga Medvedev nhấn mạnh đến nhu cầu hợp tác, thay vì đối đầu trong bối cảnh nguy cơ "một cuộc chiến tranh thế giới thứ ba", và sự khởi đầu của một thời kỳ Chiến tranh lạnh mới.
Thủ tướng Nga đặc biệt phê phán chính sách của Liên Hiệp Châu Âu tăng cường hợp tác tại khu vực các nước Liên Xô cũ, mà ông Medvedev cho rằng đã loại trừ Nga.
Về phần mình, tổng thư ký khối NATO khẳng định Liên minh Bắc Đại Tây Dương (NATO) không tìm kiếm đối đầu, không muốn Chiến tranh lạnh, nhưng không tránh khỏi một thái độ cương quyết.
Lãnh đạo NATO nhấn mạnh đến vai trò gây bất ổn đối với trật tự khu vực châu Âu của nước Nga, với việc sáp nhập bán đảo Crimea và hậu thuẫn cho phe ly khai tại miền đông Ukraine.
Đối diện với "thực tế mới" này, lập trường của NATO buộc phải tăng cường phòng ngự, nhưng đồng thời hy vọng đối thoại nhiều hơn với Moscow.
Bên lề hội nghị München, bốn bên Nga, Đức, Pháp và Ukraine có cuộc họp để cố gắng khơi thông tiến trình hòa bình cho Ukraine, theo thỏa thuận Minsk 2, ký tháng 2/2015, hiện đang bị tắc nghẽn.
Ngoại trưởng Mỹ tuyên bố tại München cần duy trì trừng phạt Nga chừng nào còn cần thiết, để buộc Moscow tuân thủ đầy đủ thỏa thuận Minsk.
Hôm 13/2, tại München, còn được mệnh danh là diễn đàn Davos của an ninh, thủ tướng Pháp Manuel Valls cảnh báo châu Âu chuẩn bị phải đối mặt với nguy cơ khủng bố quy mô lớn, hơn cả vụ 13/11/2015.
Thủ tướng Pháp khẳng định thế giới đang bước vào thời kỳ nguy cơ khủng bố hết sức nghiêm trọng và kéo dài .
Khủng hoảng nhập cư đe dọa sự tồn tại của châu Âu là một vấn đề trung tâm khác. Ngoại trưởng Mỹ khẳng định Hoa Kỳ chia sẻ với châu Âu về đe dọa này, đây là vấn đề chung của chúng ta, và sự tham gia của NATO trong việc ngăn cản dòng người nhập cư là một biện pháp cụ thể.
Tại hội nghị, Đức hối thúc các nước châu Âu thông qua biện pháp phân bổ quota đón nhận người tị nạn, nhưng đề nghị bị nhiều nước bác bỏ, trong đó có Pháp. Thủ tướng Valls nhấn mạnh Paris không ủng hộ chính sách phân bổ thường trực quota người tị nạn.
Mai Kim Anh
Theo rfi.fr