Không vượt qua những khác biệt, các chính đảng lớn ở Đức không thể đàm phán thành lập liên minh cầm quyền. Trong bối cảnh đầu tàu kinh tế khủng hoảng, cả châu Âu lo ngại khi những câu hỏi lớn về an ninh - quốc phòng, chính trị, vấn đề di cư...

 

Một lần nữa, sự kiên định, tài năng, cùng tấm lòng với nước Đức của Thủ tướng Angela Merkel đã thuyết phục được lãnh đạo các đảng liên minh.

Nước Đức đang vượt qua khủng hoảng.

Thủ tướng Angela Merkel đã bày tỏ sự tiếc nuối khi đàm phán thành lập chính phủ liên minh mới thất bại, song cam kết sẽ đưa nền kinh tế lớn nhất châu Âu này vượt qua giai đoạn khủng hoảng hiện nay.

Không những dư luận Đức mà cả châu Âu đang dõi theo mọi diễn biến mới trên chính trường Đức.

Chính trường Đức sẽ diễn biến ra sao đây? Nước Đức tới đây sẽ như thế nào, nhất là khi châu Âu đang trong cơn biến động, muốn trông chờ vào sự ổn định của Đức để dẫn dắt nhiều chính sách quan trọng về kinh tế, an ninh - quốc phòng, vấn đề di cư ở châu Âu...

Giới phân tích cảnh báo cuộc khủng hoảng chính trị ở Đức đe dọa làm tê liệt châu Âu trong bối cảnh khu vực này đang phải đối mặt với một loạt vấn đề và thách thức, từ các cuộc đàm phán đưa Anh ra khỏi Liên minh châu Âu (Brexit) cho tới các kế hoạch tham vọng thúc đẩy hội nhập châu Âu.

 Tinh thần Merkel - Tinh thần THÉP của nữ thủ tướng Đức  - 0

Tổng thống Steinmeier và Thủ tướng A.Merkel. Ảnh: DPA.

Về lý thuyết, bà Merkel có thể tìm kiếm sự hậu thuẫn từ đảng Dân chủ Xã hội (SPD), vốn là đối tác liên minh với CDU/CSU suốt 4 năm qua.

Đây có thể xem là sự lựa chọn bền vững nhất bởi “đại liên minh” này có thể chiếm được đa số trong Quốc hội Đức.

Tuy nhiên, khả năng này hầu như không có khi lãnh đạo SPD nhiều lần khẳng định họ sẽ ở phía đối lập. Thậm chí, Chủ tịch SPD Martin Schulz còn tuyên bố đảng trung tả này đã sẵn sàng cho các cuộc bầu cử mới.

Kịch tính trên chính trường Đức đã đẩy lên “đỉnh”.

Những tình huống xấu nhất đã được tính tới với khả năng cầm quyền với một chính phủ thiểu số cũng được cân nhắc.

Bởi với lựa chọn này, bà Merkel vẫn có thể tiếp tục giữ cương vị Thủ tướng Đức, song sẽ lãnh đạo một chính phủ thiểu số với tư cách ứng cử viên được các nhà lập pháp bầu chọn - điều chưa từng xảy ra ở Đức kể từ sau chiến tranh.

Bản thân nhà lãnh đạo kỳ cựu của Đức là một người rất chắc chắn và hiểu rất rõ rằng cầm quyền với một chính phủ thiểu số là một quyết định đầy rủi ro.

Kịch bản cuối cùng và xấu nhất được dư luận đồn đoán nhiều khả năng xảy ra nhất là nước Đức sẽ tiến hành bầu cử lại vào cuối năm nay hoặc đầu năm tới.

 Tinh thần Merkel - Tinh thần THÉP của nữ thủ tướng Đức  - 1
Chủ tịch SPD Martin Schulz và Thủ tướng A.Merkel. Ảnh: Newsweek.

Theo quy định, Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier sẽ yêu cầu quốc hội tiến hành bỏ phiếu tín nhiệm chính phủ của Thủ tướng Merkel.

Nếu chính phủ vượt qua được cuộc bỏ phiếu tín nhiệm, Tổng thống Steinmeier sẽ quyết định phê chuẩn bà Merkel tiếp tục cương vị của mình hoặc sẽ giải tán quốc hội để tiến hành bầu cử trước thời hạn trong vòng 60 ngày sau đó.

Một bước ngoặt lớn đã tới khi lãnh đạo SPD gặp Tổng thống Steinmeier trong ngày 22-11 để thảo luận về cuộc khủng hoảng.

Sau cuộc gặp với Tổng thống Steinmeier, ngày 24-11, lãnh đạo đảng SPD đã nhất trí tiến hành đàm phán với Thủ tướng Đức Angela Merkel về việc tiếp tục tái khởi động chính phủ liên minh

 Chủ tịch SPD Martin Schulz cho biết ban lãnh đạo đảng SPD đã đạt được quyết định này dựa trên tinh thần trách nhiệm cao đối với nước Đức nói riêng và châu Âu nói chung.

Ngay sau quyết định quan trọng của SPD, Văn phòng Tổng thống Đức cho biết Tổng thống Steinmeier sẽ tiến hành cuộc gặp với lãnh đạo Liên đảng bảo thủ CDU/CSU của bà Merkel và SPD vào ngày 30/11 để thảo luận tình hình bế tắc chính trị hiện nay tại nền kinh tế lớn nhất châu Âu này.

Sau quyết định của lãnh đạo SPD, Thủ tướng Đức Angela Merkel tuyên bố mục tiêu của bà là nỗ lực thành lập một chính phủ càng nhanh càng tốt.

Theo các thông tin mới nhất, Thủ tướng Merkel tuyên bố sẵn sàng thỏa hiệp để sớm thành lập một chính phủ ổn định, hiệu quả.

Song, các cuộc đàm phán với SPD sẽ phải dựa trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau.

Để có được kết quả thuận lợi trên, nhất là sau những sóng gió thời gian qua, cả thế giới lại “ngả mũ” trước tinh thần "thép" và sự tinh tế, kiên định cùng tài năng của bà Merkel.

Trong sóng gió, bà đã từ chối bất cứ yêu cầu nào đòi bà từ chức, và cho rằng đây không phải là cách tốt nhất.

Thủ tướng Merkel cũng khẳng định bà sẵn sàng tiếp tục là ứng cử viên hàng đầu của Liên đảng bảo thủ CDU/CSU.

Rõ ràng sự tự tin, chân thành, kiên định cũng như tài năng của bà Merkel đã thuyết phục ban lãnh đạo của SPD thay đổi quan điểm và tham gia với đảng của bà Merkel một lần nữa.

Học giả A.Techau nhận định bà Merkel đã thể hiện là một thủ tướng có trách nhiệm.

 

Nguồn: Nguyễn Hòa

An Ninh Thế Giới




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC