Phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Davos, Tổng thống Đức Joachim Gauck đã đề cập đến những thách thức mà châu Âu phải đối mặt liên quan đến người nhập cư. Báo Pháp "Le Figaro" ngày 20/1 đã có bài phân tích nội dung phát biểu của Tổng thống đất nước cởi mở đã tiếp nhận hơn 1 triệu người trong năm 2015 này.

Tổng thống Đức nói về vấn đề nhập cư - 0

Do Thủ tướng Đức Angela Merkel quá bận rộn với các vấn đề trong nước, Tổng thống Đức Joachim Gauck đã thay mặt bà Merkel tham dự Diễn đàn Davos. Phát biểu tại phiên khai mạc ngày 20/1, cựu mục sư đồng thời cũng là nhà hoạt động xã hội về quyền công dân, người được mệnh danh là "Vị chủ tịch của những tấm lòng" tại Đức đã yêu cầu áp đặt một "giới hạn" về việc tiếp nhận người tị nạn tại châu Âu.

Ông cho rằng châu Âu và đặc biệt là Đức phải kiểm soát ngay lập tức dòng người nhập cư, vì điều này liên quan đến sự sống còn của quá trình xây dựng châu Âu.

Ông Joachim Gauck thẳng thắn tuyên bố: "Chắc chắn là chúng tôi muốn bảo vệ nhiều người, nhưng chúng tôi không thể tiếp nhận được tất cả mọi người".

Phát biểu của ông làm mọi người nhớ tới cách nói của Thủ tướng Pháp Michel Rocard vào năm 1989: "Nước Pháp không thể đón nhận được sự nghèo đói của cả thế giới, nhưng nước Pháp phải tham gia vào giảm bớt nỗi thống khổ đó".

Được biết đến như một người có tấm lòng nhân hậu, ông Joachim Gauck không đời nào lại phản đối nhập cư cũng như những người tị nạn, bởi theo ông, người nhập cư mang đến sự thịnh vượng. Ông trích dẫn thí dụ của nước Mỹ với số người đoạt giải Nobel đến từ người nhập cư cao gấp từ 3 - 4 lần người sinh ra tại Mỹ.

Liên quan đến người tị nạn, ông nhắc lại rằng Công ước Geneva yêu cầu giúp đỡ những người bị xua đuổi khỏi đất nước của họ và điều này đã được đưa vào Luật Cơ bản của Đức (Hiến pháp Đức). Vì vậy, tiếp nhận người tị nạn là một nghĩa vụ.

Tuy nhiên, ông Joachim Gauck cũng tỏ ra là một người thực tế khi cho rằng "một nền đạo đức xã hội mà không thể áp dụng được trong thực tế thì không phải là một nền đạo đức xã hội". Sau sự kiện trong đêm Giao thừa ở Cologne và một số thành phố lớn khác, một sự việc đã làm thay đổi cách nghĩ của người Đức, ông thừa nhận rằng cần phải nhìn thẳng vào sự thật và giải quyết vấn đề hội nhập.

Ông còn trích dẫn một vấn đề nội tại của nước Đức: "Trước đây, trong 25 năm liền sau Chiến tranh Thế giới lần thứ hai, đã không có sự giải thích rõ ràng về những quy định kinh tế và xã hội cho người tị nạn từ Đông Đức chạy sang Tây Đức. Sau này, chúng tôi mới nhận ra rằng những người tị nạn bị mất việc nhiều hơn những người khác trong cuộc khủng hoảng những năm 1970. Ngay cả ngày hôm nay, cuộc sống của con cháu họ vẫn còn bấp bênh".

Theo ông Joachim Gauck, cần phải tìm cách cân bằng giữa việc tiếp nhận người tị nạn và việc đảm bảo an ninh- quốc phòng, có nghĩa là: "Người nhập cư khi đến Đức phải cảm thấy như ở nhà mình, nhưng không được làm cho những người sinh ra tại Đức cảm thấy xa lạ trên chính quê hương mình".  

Làm sao để thực hiện được điều đó? Ông cho rằng việc này thuộc trách nhiệm của Thủ tướng, và thực tế đòi hỏi phải đi tìm câu trả lời trong các quy định của Nhà nước pháp quyền. "Để nước Đức có thể tiếp tục tiếp nhận người nhập cư, không hề có công thức kỳ diệu mà đó là một quá trình đòi hỏi sự kiên trì", ông nói.

Ông Joachim Gauck cũng nêu rõ: Trong năm 2015, Đức đã đón nhận 1 triệu người tị nạn, mặc dù vậy vẫn Đức vẫn có thể phải tiếp nhận thêm 1 triệu người nữa, vì vậy, cần phải thực hiện các chiến lược giới hạn sự tiếp nhận. Chính phủ Đức, cùng với chính phủ các nước trong Liên minh châu Âu (EU) và Brussels phải thảo luận về vấn đề này. Vấn đề không chỉ là viện trợ tài chính và kinh tế cho châu Âu, vấn đề là phải tăng cường các nỗ lực cho hòa bình tại Syria.

Đối với châu Âu, thách thức là rất lớn. Bởi khi nói đến "hạn chế số người" thì cũng có nghĩa là nói đến "bảo vệ biên giới bên ngoài của châu Âu", nếu không sẽ có nguy cơ tái thiết lập các biên giới quốc gia trong lòng châu Âu.

Theo Tổng thống Đức, tái thiết lập biên giới quốc gia sẽ buộc phải xem xét lại vấn đề tự do đi lại và nếu vậy thì đây sẽ là một thất bại to lớn đối với các nước EU. Ông Joachim Gauck thừa nhận: "Kể từ khi EU được thành lập, chưa bao giờ vấn đề người tị nạn lại đặt ra gay gắt đến như vậy. Liệu chúng ta có thể chấp nhận việc quá trình xây dựng châu Âu bị sụp đổ do vấn đề người tị nạn?".

TTXVN




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC