Các phương tiện thông tin đại chúng Đức đã công bố kết quả cuộc trưng cầu ý dân mới đây nhất do Quỹ mang tên Friedrich Ebert rất có uy tín thực hiện nhằm tìm hiểu chủ nghĩa dân tộc chiếm vị trí nào trong xã hội. Những gì thu nhận được gây sốc.
Có tới 31,7% số người được hỏi bày tỏ rằng trong bối cảnh thị trường lao động bị hạn chế thì “cần tống tiễn dân ngoại quốc về cố hương”. Còn 35,6% lo ngại CHLB Đức trong tương lai có nguy cơ quá tải dân nhập cư. Có 58% số người tham gia cuộc trưng cầu ủng hộ việc hạn chế ở Đức quyền tự do tín ngưỡng của riêng dân Hồi giáo.
Mười năm trước khó hình dung về việc thủ lĩnh một chính đảng thuộc loại lớn ở Đức lại dám ăn nói “sổ toẹt” rằng cần hạn chế nhập cư dân Thổ và Arập. Thế mà mới đây Chủ tịch Đảng Xã hội Thiên Chúa giáo (CSU) Horst Seehofer đã tuyên bố như vậy. Thủ tướng Angela Merkel lúc đầu ủng hộ ý kiến của Tổng thống Đức Christian Wulf coi Hồi giáo là “một phần của nước Đức” nhưng rồi lại thay đổi quan điểm rất mau lẹ. Bà cho rằng chính sách về một xã hội Đức đa văn hoá đã thảm bại. Bà còn nói thẳng thừng với những người đồng đảng: “Chúng ta cần lưu ý hơn đến chữ cái Ch (Christian – Thiên chúa giáo) trong tên gọi của Đảng. Nếu làm được điều này thì chúng ta sẽ dễ dàng hơn trong cuộc đối thoại với tín đồ Hồi giáo. Chúng tôi không hoan nghênh những ai (sống ở Đức) không nói được tiếng Đức”.
Tờ Newizv của Nga bình luận rằng sự không nhất quán trong quan điểm của các chính khách lớn Đức về vấn đề nhập cư và việc chạy từ thái cực này sang thái cực khác sẽ gây mất ổn định xã hội. Câu nói có tính cực đoan nhất thuộc về Tổng bí thư Đảng Dân chủ Tự do Christian Linder. “Học sinh trong giờ giảo lao phải nói chuyện với nhau bằng tiếng Đức”.
Cuộc tấn công vào mô hình xã hội đa văn hoá (dù muốn dù không thì mô hình này vẫn là thực tế khách quan ở Đức hiện nay) chẳng những đã bị tất tần tật các cộng đồng nhập cư mà cả các thành viên của Chính phủ Đức phản ứng dữ dội. Đồng loạt ba vị bộ trưởng – kinh tế, lao động và giáo dục – đã lên tiếng đòi giản lược thủ tục nhập cảnh đối với các chuyên gia nước ngoài có trình độ cao. Điều này có lý do chính đáng: Năm 2009 số dân ngoại quốc rời khỏi Đức đã nhiều hơn 13.000 người so với lượng nhập vào (734.000 người so với 721.000 người). Hơn nữa, từ bỏ nước Đức nhiều nhất lại là chính những chuyên gia giỏi mà vì lý do này khác không có cơ hội sử dụng học vấn và kinh nghiệm của mình tại “miền đất hứa”. Một trong những thủ phạm là các đạo luật đã được đưa ra từ rất lâu trước khi có làn sóng nhập cư ồ ạt vào Đức và chúng thường mang tính hình thức nhưng lại không thể vượt qua được đối với người nhập cư trong việc tìm kiếm một chỗ làm theo đúng chuyên ngành.
Tại bang Bayern cho đến nay vẫn còn hiệu lực điều luật cấm người nhập cư hành nghề một số ngành, chẳng hạn đối tượng không phải là người Đức không được làm nghề y tại các thành phố. Thật đáng ngạc nhiên là tại một quốc gia châu Âu được coi là cởi mở mà vẫn hiện hữu một điều luật phi lý được thông qua từ năm 1938. Bác sĩ Evgeny Roizin từng 21 năm làm trưởng khoa sản của một bệnh viện lớn ở Liên Xô và Nga. Đến Bayern định cư, ông cố gắng hoàn thiện vốn tiếng Đức và tích cực tìm việc. Có tới ba bệnh viện rất muốn nhận ông vào làm nhưng đành phải từ chối vì bị pháp luật cản trở.
Một chuyên gia lịch sử Nga hiện đang sống ở Đức bình luận về “trò chơi nhập cư” như sau: Phản ứng hoàn toàn chuẩn mực của những người bảo thủ Đức là ngay sau khi các cuộc thăm dò dư luận cho thấy số phiếu tín nhiệm của họ trong cử tri sụt giảm thì họ bắt đầu chuyển sang chính sách dân tuý. Mục đích là để tranh thủ lá phiếu. Trong cuộc vận động tranh cử nghị viện tại Đức năm 2000 đã xuất hiện những câu khẩu hiệu cực đoan, chẳng hạn “Vì trẻ em chứ không phải vì Ấn kiều”, “Văn hoá Đức phải đóng vai trò văn hoá chủ đạo”…
Theo TN.