Trung Quốc đang tiến hành thỏa thuận với Đức để bán thiết bị và công nghệ mới. Ảnh: South China Morning Post
Trung Quốc đang đàm phán để bán thiết bị sản xuất cánh tuabin và công nghệ mới nhất dùng trong sản xuất động cơ máy bay phản lực cho Đức, South China Morning Post hôm 14/1 đưa tin.
Thiết bị này tạo ra những cánh tuabin chịu được nhiệt độ cao hơn vài trăm độ C so với điểm tan chảy của các hợp kim, một nhà khoa học tham gia đàm phán cho biết.
Thiết bị sử dụng tia laser cực nhanh để khoan những lỗ siêu nhỏ hoặc các cấu trúc khác trên cánh tuabin, cho phép không khí chạy qua và mang hơi nóng đi.
Nhà khoa học này cho biết, kỹ thuật laser được sử dụng rộng rãi trong việc chế tạo động cơ máy bay phản lực, nhưng Trung Quốc áp dụng một giải pháp công nghệ mới khác với những phương pháp truyền thống ở Mỹ hay Anh.
Cánh tuabin chuyển đổi sức nóng từ nhiên liệu đốt cháy thành năng lượng để máy bay hoạt động.
Chúng là một trong những bộ phận quan trọng nhất của máy bay hiện đại, gồm cả máy bay quân sự và dân dụng. Chất lượng cánh tuabin sẽ quyết định tính an toàn, mạnh mẽ và bền bỉ của động cơ máy bay phản lực.
Đây có thể là bước tiến quan trọng đối với động cơ máy bay phản lực do Trung Quốc sản xuất. Nước này đang là thị trường máy bay thương mại lớn nhất thế giới. Những năm gần đây, các bước tiến lớn trong công nghệ xử lý cánh tuabin kết hợp với đột phá trong chế tạo hợp kim và thiết kế khí động lực giúp Trung Quốc sản xuất nhiều động cơ máy bay phản lực quân sự mạnh mẽ.
"Chúng tôi sẵn sàng chia sẻ với các đối tác công nghiệp ở Đức công nghệ và thiết bị mới nhất của mình. Các đại diện ngành công nghiệp hai bên đã hoàn thành quá trình liên lạc đầu tiên", nhà khoa học này cho biết.
Việc xuất khẩu thiết bị này sang Đức, quốc gia nổi tiếng với những sản phẩm chất lượng cao, sẽ nâng cao hình ảnh quốc tế cho nền công nghiệp sản xuất Trung Quốc.
Trung Quốc đạt được nhiều bước tiến trong việc chế tạo động cơ máy bay phản lực. Ảnh: South China Morning Post.
Một phái đoàn từ Tây An, Thiểm Tây, nơi sản xuất động cơ máy bay quân sự chính ở Trung Quốc, sẽ đến thăm Berlin để phác thảo thỏa thuận xuất khẩu với các đối tác Đức trong đầu năm nay.
Giao dịch đòi hỏi sự đồng ý của chính phủ hai nước do tính nhạy cảm của loại thiết bị và công nghệ mới có thể dùng cho cả mục đích quân sự và dân dụng.
Bắc Kinh tỏ ra ủng hộ giao dịch tiềm năng này. "Sự hợp tác giữa Trung Quốc và Đức tiếp tục phát triển sâu hơn trong nhiều lĩnh vực, sự tiến triển tích cực được công nhận rộng rãi, phản ánh mối quan hệ Trung Quốc - Đức tốt đẹp", Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết.
"Triển vọng hợp tác giữa hai bên trong lĩnh vực công nghệ cao và sở hữu trí tuệ rất hứa hẹn. Chúng tôi muốn làm việc với Đức để thúc đẩy việc hợp tác ở các lĩnh vực liên quan theo nguyên tắc hai bên cùng cởi mở, vì lợi ích và sự phát triển chung", Bộ Ngoại giao Trung Quốc phát biểu.
Đại sứ quán Đức ở Bắc Kinh chưa đưa ra bình luận nào về vấn đề này. Giáo sư Chen Jiang tại Đại học Hàng Không và Du hành vũ trụ Bắc Kinh cho rằng việc Trung Quốc cung cấp công nghệ động cơ máy bay phản lực quân sự cho Đức hoàn toàn khả thi.
Tuy nhiên, một nhà khoa học khác chuyên nghiên cứu động cơ máy bay phản lực từng làm việc nhiều năm ở Đức lại nghĩ giao dịch có thể không diễn ra. Nguyên nhân là Đức, nước đồng minh của Mỹ, sẽ gặp nhiều trở ngại khi làm việc với Trung Quốc trong lĩnh vực công nghệ nhạy cảm này. Chính phủ và các công ty Đức cũng lo ngại về việc Trung Quốc vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, nhà khoa học này nhận xét.
Nguồn: Thu Thảo
VnExpress