Tuy nhiên, nếu dùng cách tính của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), dựa vào Chỉ số hài hòa giá tiêu dùng (HICP), lạm phát của Đức trong tháng này chỉ đạt 1,4%, thấp hơn so với mức tương ứng của tháng trước đó là 1,6%.
Cảng hàng hóa ở Hamburg, Đức. (Nguồn: EPA/TTXVN)
Như vậy, tỷ lệ lạm phát của Đức hiện vẫn thấp hơn mức mục tiêu mà ECB đề ra là gần 2%. Với tỷ lệ thất nghiệp thấp và tăng trưởng kinh tế ở mức cao nhất kể từ năm 2011, tỷ lệ lạm phát của Đức thường được dự đoán là sẽ ở mức cao.
Kết quả nghiên cứu do Viện Nghiên cứu Kinh tế (Ifo) và Viện nghiên cứu thị trường (GfK) của Đức mới công bố cho hay nước này tiếp tục tận hưởng đà tăng trưởng kinh tế mạnh cho dù tiến trình thành lập chính phủ vẫn đang diễn ra chậm chạp.
Ifo ước tính Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) tại Đức sẽ tăng trưởng 2,6% trong năm 2018 sau khi đạt mức tăng 2,2% trong năm 2017.
Tuy nhiên, Ifo cũng cảnh báo sự tăng giá của đồng euro, giá dầu đi lên và các vấn đề trong nước như sự thiếu hụt các lao động có tay nghề, cũng có thể tiềm ẩn những rủi ro đối với sự phát triển kinh tế Đức.
Nhằm đưa lạm phát về sát mức mục tiêu, ECB đã triển khai một loạt chính sách chưa từng có tiền lệ, ví dụ như thực hiện mua trái phiếu các chính phủ Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) và các doanh nghiệp, đề xuất các khoản cho vay lãi suất thấp dành cho các ngân hàng và ấn định lãi suất ở mức thấp kỷ lục trong thời gian dài.
Tuy nhiên, Chủ tịch ECB, Mario Draghi mới đây đã cảnh báo rằng, tỷ lệ lạm phát của khu vực này có thể quay lại xu hướng giảm trong những tháng tới, do giá năng lượng tăng chững lại.
Giới phân tích cho rằng các cuộc đàm phán hàng năm về lương tại Đức có thể sẽ nhen lên chút hy vọng cho ECB về triển vọng lạm phát gia tăng.
Trong dự báo mới nhất, ECB cho rằng tỷ lệ lạm phát trung bình tại 19 quốc gia thuộc Eurozone sẽ chỉ đạt mức 1,7% vào năm 2020, vẫn nằm dưới mức mục tiêu./.
Vietnam+