Foto: Người dân chờ xét nghiệm COVID-19 tại Berlin, Đức ngày 12/1/2022. Ảnh: THX/TTXVN
Phóng viên tại Berlin dẫn số liệu từ Viện Robert Kock (RKI) ngày 16/1 cho biết tỷ lệ các ca mắc mới trên mỗi 100.000 dân trong vòng 7 ngày qua tại nước này đã đạt mức 515,7 ca, cao hơn mức đỉnh 485 ca hồi tháng 11 năm ngoái trong làn sóng lây nhiễm thứ 4 và cao hơn mức 497,1 ca của một tuần trước đó. Viện RKI cũng cho biết tại một số địa phương, con số này cao hơn nhiều lần. Tuy nhiên, tín hiệu đáng mừng là cho đến nay, số nạn nhân không qua khỏi không có xu hướng tăng.
Theo thống kê của Viện RKI, trong vòng 24 giờ qua (tính đến sáng 16/1), Đức ghi nhận 52.504 ca mới, nhiều hơn 15.952 ca so với một tuần trước đó. Tuy nhiên, số lượng ca nhiễm thực tế có thể cao hơn do có ít xét nghiệm hơn vào những ngày cuối tuần.
Đến nay, số ca nhiễm mới cao nhất ghi nhận được trong 1 ngày là 92.223 ca vào ngày 14/1 vừa qua. Số ca tử vong trong 24 giờ qua là 47 ca, thấp hơn so với mức 77 ca của một tuần trước đó. Tính từ khi bắt đầu đại dịch, Đức đã ghi nhận gần 8 triệu ca mắc COVID-19, trong đó gần 7 triệu người đã khỏi bệnh và 115.619 ca tử vong. Tỷ lệ tiêm chủng ít nhất 1 mũi vaccine hiện tại ở Đức là 75% dân số, trong đó 72,6% đã được tiêm chủng đủ 2 mũi và 46,6% đã được tiêm liều vaccine tăng cường.
Do vẫn còn nhiều người chưa được tiêm vaccine, Bộ trưởng Y tế Đức Karl Lauterbach đã quan ngại rằng số ca tử vong sẽ tiếp tục tăng cao cũng như các bệnh viện quá tải do làn sóng Omicron. Phát biểu trước truyền thông Đức sáng cùng ngày, Bộ trưởng Lauterbach cho rằng Đức đang đối mặt với "những tuần lễ rất khó khăn" phía trước. Một làn sóng Omicron có thể sẽ khiến hàng trăm nghìn người bị bệnh nặng và hàng nghìn người không qua khỏi. Ông cảnh báo không nên đánh giá thấp mối nguy hiểm từ biến thể Omicron. Hiện số ca nhập viện thấp do số người nhiễm virus SARS-CoV-2 chủ yếu là những người trẻ tuổi, khỏe mạnh. Tuy nhiên, điều này hoàn toàn có thể thay đổi một cách nhanh chóng nếu những người lớn tuổi hơn bị lây nhiễm.
Bộ trưởng Lauterbach nhấn mạnh so với nhiều nước khác, Đức là quốc gia có dân số già hơn với nhiều người mắc bệnh nền. Ở Đức, hiện có 3 triệu người trên 60 tuổi chưa được tiêm chủng. Nguy cơ mắc bệnh nặng đối với nhóm dân số này là rất cao.
Vũ Tùng (TTXVN)