Bà Annalena Baerbock, đồng chủ tịch Đảng Xanh và có thể sắp tới trở thành ngoại trưởng Đức - Ảnh: REUTERS
Bà Baerbock, 40 tuổi, dự kiến đảm nhận chức ngoại trưởng Đức vào tuần tới khi chính phủ mới do liên minh "Đèn giao thông" - gồm 3 đảng Dân chủ xã hội (SPD), Đảng Xanh và Đảng Dân chủ tự do (FDP) - lãnh đạo chính thức được thành lập.
Theo Hãng tin AFP, trung tâm chính sách ngoại giao của bà Baerbock là nhân quyền, báo hiệu lập trường quyết đoán hơn với Trung Quốc và Nga.
"Một chính sách đối ngoại chú trọng giá trị luôn là sự đan xen giữa đối thoại và cứng rắn", bà Baerbock nói trong cuộc phỏng vấn với báo TAZ ngày 1-12. "Cố tình im lặng không phải là hình thức ngoại giao về lâu dài, ngay cả khi một số người đã nhìn nhận như vậy trong những năm gần đây".
Bà Baerbock chỉ ra cách Trung Quốc đối xử với người thiểu số Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương, việc giam giữ nhà báo Zhang Zhan và các lĩnh vực đáng quan tâm khác.
Bà Baerbock nói các quốc gia thuộc Liên minh châu Âu (EU) nên phát biểu thống nhất và sử dụng đòn bẩy của khối (chẳng hạn như sức mạnh kinh tế) trong các giao dịch với Trung Quốc.
"Nếu EU hạn chế nhập khẩu các sản phẩm từ khu vực như Tân Cương, nơi phổ biến lao động cưỡng bức, thì đó là vấn đề lớn đối với quốc gia xuất khẩu như Trung Quốc - bà Baerbock nói - Tất nhiên nó chỉ hiệu quả nếu 27 quốc gia thành viên tập hợp lại với nhau".
Bà Baerbock cũng bỏ ngỏ khả năng Đức sẽ tẩy chay Thế vận hội mùa đông ở Bắc Kinh sắp tới.
"Chúng ta nên xem xét kỹ hơn về Thế vận hội - bà Baerbock nói - Có nhiều cách khác nhau để chính phủ giải quyết vấn đề này. Chuyện này sẽ được thảo luận trong những tuần tới".
Tháng 11 rồi, Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết ông đang xem xét tẩy chay Thế vận hội Bắc Kinh để phản đối Trung Quốc vi phạm nhân quyền. Trung Quốc bác bỏ các cáo buộc về nhân quyền và chỉ trích hành động "chính trị hóa thể thao đi ngược tinh thần Olympic".
Hiện Trung Quốc chưa lên tiếng về bình luận của ứng viên ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock.
Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online