Khoản thặng dư khổng lồ của Đức đang là mối hiểm họa lớn đối với nền kinh tế toàn cầu.

 

Khi các cường quốc trên thế giới tụ họp tại hội nghị thượng đỉnh G20 ở Hamburg thì đây lại được coi là đấu trường giữa hai quan điểm thương mại đối lập: một bên là chủ trương bảo vệ thương mại trong nước của Mỹ và bên còn lại là tự do thương mại của Đức.

Tổng thống Mỹ Donald Trump đã chính thức rút khỏi một trong những hiệp định thương mại tự do là TPP và đang tiếp tục yêu cầu đàm phán lại Hiệp định Tự do Thương mại Bắc Mỹ. Ông Trump đồng thời đang cân nhắc quyết định có nên áp lệnh thuế nhập khẩu thép mới - động thái đang gây tranh cãi quyết liệt trong những quốc gia xuất khẩu thép sang Mỹ, đặc biệt là các nước khu vực châu Âu.

Mối đe dọa về chiến tranh thương mại có thể xảy ra đã nhen nhóm xuất hiện ngay từ đầu năm, sau khi ông Donald Trump đắc cử tổng thống.

Trái lại, bà Angela Merkel, Thủ tướng Đức và là chủ nhà của hội nghị thượng đỉnh G20 lần này lại đi ngược hoàn toàn với chủ trương bảo vệ thương mại trong nước của ông Trump và ủng hộ thương mại tự do.

Trong một bài phát biểu hôm 29/6, bà lên tiếng kịch liệt phản đối các lực lượng bảo vệ thương mại và chủ nghĩa cô lập. Thỏa thuận thương mại tự do giữa Nhật và EU mới được ký kết gần đây sẽ càng củng cố sức mạnh của bà Angela Merkel.

Quan điểm của ông Trump cho rằng chỉ khi nào cán cân thương mại cân bằng thì lúc ấy công bằng mới thực sự đến với nước Mỹ.

Tư tưởng áp đặt thuế nhập khẩu để lấy lại thế cân bằng trên "sân chơi" thương mại thế giới là điều hoàn toàn vô lý và nguy hiểm, gây tổn hại tới sự phồn thịnh của tất cả các nước. Tuy nhiên, ở một góc độ nào đó, ít nhất ông Trump đã nhìn thấy một sự thật không hề dễ chịu chút nào.

Ông đã chỉ trích Đức về thặng dư thương mại của nước này khi đạt tới 300 tỷ USD vào năm ngoái - mức thặng dư lớn nhất thế giới.

Chính vì lý do này, ông Trump đã đe dọa ngừng nhập khẩu ô tô từ Đức và điều này có thể khiến Mỹ tự làm hại mình. Tuy nhiên, trên thực tế không phải thặng dư thương mại của Đức cao hoàn toàn đơn thuần là do xuất khẩu hàng hóa sang Mỹ mà còn là vì nước này tiết kiệm quá nhiều trong khi chi tiêu lại quá ít.

Sự hài hòa khập khiễng

Thặng dư xảy ra khi khoản tiết kiệm của một quốc gia vượt quá đầu tư nội địa. Trong trường hợp của Đức, đây không phải là kết quả của chính sách trọng thương mại mà chính phủ đề ra giống như một số nước ngoài đã từng chỉ trích, cũng không phải như những gì một số quan chức nước này phản ảnh là do nhu cầu tiết kiệm trong xã hội đang già hóa như Đức đang tăng cao.

Trên thực tế, tỷ lệ tiết kiệm của các hộ gia đình đang ở mức ổn định mà chủ yếu tiết kiệm đến từ chính phủ và doanh nghiệp.

Thặng dư của Đức bắt đầu từ một thỏa thuận giữa doanh nghiệp và công đoàn trong việc thắt chặt lương để đảm bảo tính cạnh tranh ngành xuất khẩu nước này. Chính sách này đã tạo đà thúc đẩy nền kinh tế với thế mạnh xuất khẩu như Đức.

Điều này cũng là lý do tại sao nền kinh tế Đức đã có bước chuyển mình mạnh mẽ kể từ năm 1990 từ một "anh chàng" gầy nhom ốm yếu trở thành "người đàn ông" lực lưỡng đầy cơ bắp.

Mô hình kinh tế Đức khiến nhiều quốc gia khác ngưỡng mộ. Mối quan hệ hài hòa giữa nhân viên và doanh nghiệp trở thành một trong những nhân tố xây dựng nên nền kinh tế phồn thịnh của quốc gia này. Các doanh nghiệp có thể thoải mái đầu tư mà không cần phải lo lắng công đoàn đòi tăng lương. Nhà nước cũng đóng một phần vai trò bằng việc tài trợ hệ thống đào tạo nghề nghiệp.

Còn tại Mỹ, triển vọng việc làm cho những người không có bằng đại học, cao đẳng đang ngày càng tối tăm cùng với sự sụt giảm của thị trường lao động ngành sản xuất. Điều này một phần giải thích cho tâm lý bảo vệ thương mại trong nước của ông Trump. Đức không hoàn toàn thoát khỏi vấn đề trên thế nhưng nước này vẫn còn giữ một số ngành nghề lao động chân tay vốn Mỹ vẫn đang đau đầu về vấn đề này. Đây cũng là lý do tại sao tiếng nói của đảng dân túy AfD vẫn không tạo được sức ảnh hưởng tới chính trường Đức.

berlin germany 1828008 640

Tuy nhiên, tác động tiêu cực của mô hình kinh tế này ngày càng tăng. Nó khiến nền kinh tế Đức cũng như cán cân thương mại toàn thế giới mất cân bằng. Kiềm hãm tiền lương đồng nghĩa với đầu tư nội địa và nhập khẩu giảm.

Chi tiêu của Đức giảm xuống chỉ còn 54% GDP so với mức 69% ở Mỹ và 65% ở Anh. Các nhà xuất khẩu không đầu tư lợi nhuận của họ tại nước nhà. Điều này không chỉ phổ biến ở Đức mà Thụy Điển, Thụy Sĩ, Đan Mạch và Hà Lan cũng đang tạo ra khoản thặng dư lớn.

Khoản thặng dư khổng lồ 8% GDP đã vô tình tạo nên sức cản vô lý tới hệ thống thương mại toàn cầu. Trái với Đức, một số nước, đặc biệt là Italy, Hy Lạp và Tây Ban Nha đang phải hứng chịu đợt khủng hoảng gây ra bởi thâm hụt thương mại. Thế nhưng, về khía cạnh nào đó điều này lại có lợi cho kinh tế toàn cầu do các khoản thâm hụt của các nước phần nào bù lại thặng dư của Đức.

Ngưng tiết kiệm

Vấn đề ở Đức có thể giải quyết được không?

Có lẽ, khoản thặng dư của Đức sẽ giảm xuống mức ngang bằng với Trung Quốc bằng việc tăng lương. Tỷ lệ thất nghiệp của nước này đang ở dưới 4% trong khi dân số ở độ tuổi lao động đang giảm xuống mặc dù dòng người nhập cư đổ vào ngày càng nhiều.

Giá nhà ở giảm sau nhiều thập kỷ, đến nay đã bắt đầu tăng lên đồng nghĩa mức lương hiện tại của công nhân khó lòng có thể trang trải cuộc sống như trước.

Năm ngoái, lương chỉ tăng có 2,3%, chậm hơn so với 2 năm trước do vậy thặng dư nước này phải mất nhiều thời gian mới có thể giảm xuống mức hợp lý.

Cùng lúc đó, chi tiêu chính phủ cũng cần phải mạnh tay hơn nữa. Đức hiện đang có rất nhiều dự án cần phải đầu tư như trường học, đường sá... do các công trình này đã xuống cấp.

Kết lại, có lẽ Đức sẽ cần phải mất nhiều thời gian để nhận ra rằng tiết kiệm quá chính là điểm yếu của họ. Bà Merkel hoàn toàn đúng khi ủng hộ tự do thương mại.

Tuy nhiên bà cũng cần phải hiểu khoản thặng dư khổng lồ của nước Đức lại đang là mối đe dọa đối với tự do thương mại thế giới.

Nguồn: Đức Quỳnh NDH/ The Economis

 




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC