Trên thực tế cuộc tấn công Syria bởi liên minh do Mỹ dẫn đầu chỉ là một động thái mang tính tượng trưng và hầu hết người dân Đức đều vui mừng vì Thủ tướng Merkel hiểu được điều đó.

Trong khi các đồng minh gồm Anh và Pháp đã cùng tham gia vào chiến dịch tấn công Syria, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã quyết định từ chối tham gia vào cuộc khủng hoảng sâu hơn ở quốc gia Trung Đông, theo Bloomberg.

Bà Merkel nói rằng Đức sẽ không tham gia vào một cuộc tấn công vào Syria xoay quanh cáo buộc sử dụng vũ khí hóa học của chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad.

"Đức sẽ không tham gia vào chiến dịch quân sự”, nhà lãnh đạo Berlin nhấn mạnh. "Nhưng chúng tôi có cùng quan điểm rằng việc sử dụng vũ khí hóa học là không thể chấp nhận được".

Theo tờ Deutsche Welle, quyết định tham gia hay từ chối đi theo nỗ lực của các đồng minh là một tình thế tiến thoái lưỡng nan đối với bà Merkel.

Tờ Bloomberg cho rằng, một trong những lý do khiến Thủ tướng Merkel có thể thoái thác là bởi không giống như Mỹ, Anh và Pháp, đều là thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc – các quốc gia có trách nhiệm tối hậu đối với việc bảo đảm thông lệ quốc tế - thì ngược lại Đức không phải là thành viên phải gánh vác trách nhiệm này.

Do đó, Berlin không muốn dấn sâu vào tham vọng lãnh đạo toàn cầu trong một hoàn cảnh mà nước này đang thể hiện rõ sự hụt hơi.

Điều này cho phép Đức giữ một cánh cửa hậu mở ra cho một giải pháp ngoại giao và trở thành một quốc gia trung gian giữa Nga và phương Tây. Liên Hợp Quốc không thể lấp đầy vai trò này khi có sự chênh lệch giữa hai bên trong Hội đồng Bảo an.

Trên thực tế Mỹ, Anh và Pháp ít có cơ hội đối đầu với Syria khi Nga vẫn đang hậu thuẫn một cách chắc chắn.

Bộ trưởng Ngoại giao Đức Heiko Maas từng nói rằng, chỉ giải pháp chính trị mới có thể giải quyết được tình hình Syria hiện tại và hơn tất cả, "dù có muốn hay không, cuộc xung đột này không thể giải quyết nếu không có Nga".

Đi theo ý kiến của công chúng

Hầu hết các chính trị gia và các đảng ở Đức đều lên tiếng phản đối một sự can thiệp quân sự lớn. Chuyên gia về đối ngoại của đảng Dân chủ Xã hội Đức Ralf Stegner đồng tình với thượng nghị sĩ Bernie Sanders, nói rằng Quốc hội, chứ không phải Tổng thống Trump có quyền quyết định Mỹ tấn công Syria.

Tướng Harrison Kujat tuyên bố rằng một "cuộc chiến tranh nóng" giữa hai siêu cường hạt nhân trên thế giới đang dần trở thành hiện thực và Đức phải kiềm chế Mỹ, Anh và Pháp - đặc biệt là kiềm chế các nhà lãnh đạo hiện tại của ba nước.

Vì sao Đức từ chối theo Mỹ, Anh, Pháp tấn công Syria? - 0

Thủ tướng Merkel quyết định tránh tham gia tấn công Syria nhằm bình ổn tình hình trong nước.

"Chúng tôi có một Tổng thống Pháp còn thiếu kinh nghiệm, người dường như đang nỗ lực làm leo thang tình hình; một Thủ tướng Anh bị áp lực nặng nề trong nước và một Tổng thống Mỹ khá thất thường, người không chỉ đe cường quốc hạt nhân như Nga mà còn tuyên bố một cuộc tấn công", Kujat lập luận trên kênh tin tức Phoenix của Đức.

Mặt khác, tờ Bloomberg lại phân tích, trong khi Đức có thể dễ dàng thoái thác, Thủ tướng Anh Theresa May lại không thể từ chối.

Chính quyền Trump đã ủng hộ bà May trong vụ lùm xùm xoay quanh cáo buộc cựu điệp viên Nga bị đầu độc và London phải có một sự đáp lễ tương xứng đối với cáo buộc chính quyền Assad sử dụng vũ khí hóa học. 

Tổng thống Macron không bắt buộc phải làm theo lời kêu gọi của Washington, nhưng dường như ông đang muốn nuôi dưỡng một mối quan hệ tốt hơn với Tổng thống Trump so với các nhà lãnh đạo châu Âu. 

Thủ tướng Merkel chần chừ trước cơ hội hàn gắn hơn nữa quan hệ với Mỹ do phải cân nhắc những khó khăn trong nước.

Trong quá khứ, nhà lãnh đạo 63 tuổi chưa bao giờ muốn thúc đẩy một hình ảnh mạnh mẽ của Đức trên mặt trận quốc tế để đổi lấy tình hình nội bộ rắc rối hơn.

Mặc dù, Anh, Pháp bất chấp những phản ứng trái chiều về quyết định tham chiến, nhà lãnh đạo Đức đã đi theo ý kiến của công chúng khi một cuộc thăm dò tương tự cho thấy 60% người dân nước này phản đối lực lượng quân đội tấn công Syria.

Trong khi đảng cầm quyền đang mất dần đi sự ủng hộ, tiếng nói của bà Merkel cũng trở nên khiêm tốn hơn trước.

Giờ đây, Thủ tướng Đức đang phải đứng chịu trận giữa quan điểm đối lập từ hai phe chính trị trong nước.

Đối với các chính khách cánh tả, ngoại giao là cách duy nhất để giải quyết xung đột Syria. Ở phía cánh hữu, các chính khách “diều hâu” lên tiếng chỉ trích sự từ chối của Berlin là điều gây tổn hại cho liên minh của đất nước với Mỹ.

Tuy nhiên, nhà lãnh đạo kỳ cựu nhất châu Âu hiểu rằng không tham gia tấn công Syria là điều mà các cử tri mong muốn ở mình.

Một vài quả bom rơi xuống căn cứ quân sự của Tổng thống Assad sẽ khiến cho người dân Đức ít muốn trả tiền thuế hơn cho chính sách tị nạn của bà Merkel.

Quan điểm của Thủ tướng Đức là giữ sự ổn định trong nước đồng thời cần phải thể hiện sự trung thành với liên minh phương Tây.

Trên thực tế cuộc tấn công của Mỹ, Anh, Pháp chỉ là một động thái mang tính tượng trưng và hầu hết người Đức đều vui mừng vì lãnh đạo của họ hiểu điều đó.

 

Nguồn: Người đưa tin




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC