Bộ tứ Normandie đã thông qua các điều khoản được cho là thuận theo ý Nga để duy trì thỏa thuận Minsk. Mục đích của phương Tây là gì?
Những gì được thống nhất giữa 4 Ngoại trưởng?
Ngày 13/4/2015, Bộ tứ Normandie gồm Nga, Pháp, Đức, Ukraine sau nhiều giờ họp căng thẳng, đã đưa ra được tuyên bố chung.
Theo đó, bốn bên thống nhất duy trì thỏa thuận Minsk và phải thực hiện bằng được nội dung được ký kết từ ngày 12/2/2015. Cụ thể, vấn đề đầu tiên vẫn là thực hiện thỏa thuận ngừng bắn, bước tiếp theo là rút vũ khí hạng nặng khỏi xung đột Donbass.
Tiếp đến, bốn Ngoại trưởng đưa ra giải pháp chính trị lâu dài cho Ukriane. Trong đó, Kiev buộc phải cải cách hiến pháp tập trung vào quyền lợi của người dân Ukraine nói chung và Donbass nói riêng. Đặc biệt về vấn đề thực thi quyền tự chủ cho khu vực Donetsk và Lugansk.
Vấn đề lãnh thổ của Ukraine cũng được thông qua khi bốn bên công nhận biên giới của quốc gia Đông Âu này sẽ phải bao gồm cả khu vực Donbass vốn đang đòi tự trị và tách khỏi Ukraine. Ngoài ra, các vấn đề về nhân đạo và hòa hợp dân tộc cũng được nhắc đến.
Từ trái qua phải là lãnh đạo Nga, Pháp, Ukraine, Đức - bốn nước trong bộ tứ Normandie |
Có thể thấy rằng, khi xung đột giữa Kiev và Donbass tiếp tục căng thẳng trở lại, người ta đã mong rằng cuộc họp mặt bộ tứ này sẽ đem lại nhiều đột phá hơn để thỏa thuận Minsk có thể được đảm bảo và cuộc khủng hoảng Ukraine nhanh chóng chấm dứt.
Song, những gì đạt được không khác với tuyên bố cách đây 2 tròn tháng tại Minsk (Belarus). Khi đó, những Nghị sĩ bài Nga của phương Tây đã cho rằng Pháp, Đức đã không thể hiện được vị thế của mình và để Nga lấn lướt trên bàn đàm phán. Nội dung thỏa thuận Minsk ấy thực sự theo đúng yêu cầu và mục đích mà Nga đề ra.
Vì sao EU để Nga thắng thế?
Nhìn vào những gì bộ tứ tái thống nhất với nhau, câu hỏi đặt ra là vì sao Ukraine, EU, và cụ thể là Mỹ tiếp tục chấp thuận ở cửa dưới và duy trì những điều khoản có lợi cho chiến lược của Nga như vậy?
Trước khi trả lời được câu hỏi này, thì tương quan giữa phương Tây và Nga, cũng như thái độ đối xử với nhau giữa các bên đang ra sao. Đầu tiên, xét về phía Nga, Moscow không ngừng đưa ra những cáo buộc về vấn đề Mỹ và NATO đang làm phức tạp tình hình Ukraine nói riêng và châu Âu nói chung.
Nga đã yêu cầu các chuyên gia quân sự, cố vấn chiến tranh của NATO và Mỹ phải rút khỏi Ukraine, nếu họ thực sự muốn thỏa thuận ngừng bắn được thực thi. Đồng thời, trong cuộc gặp giữa Tân Thủ tướng Hy Lạp và Tổng thống Nga Putin ở Moscow hồi đầu tháng 4/2015, Nga vẫn tái khẳng định rằng họ muốn hợp tác với EU, tuy nhiên, các biện pháp trừng phạt kinh tế trước hết phải được gỡ bỏ.
Vừa qua, giám đốc của tập đoàn vũ khí Rosoboronexport đã tuyên bố về vấn đề thương vụ Mistral rằng nếu Pháp trong hai tháng tới không chịu bàn giao tàu, thì phía Nga nhất quyết sẽ kiện đến cùng và Pháp sẽ phải bồi thường theo đúng hợp đồng thỏa thuận giữa hai bên.
Ngoại trưởng của bốn nước trong bộ tứ |
Từ đó để thấy, Nga vẫn duy trì nhất quán đường lối, quan điểm của mình. Và để thay đổi được suy nghĩ hay hướng đi của ông Putin quả thực là một điều không tưởng đối với phương Tây. Điều này đồng nghĩa với việc, sẽ khó có gì thay đổi trong đối sách của Nga dù có hay không cuộc họp giữa bốn bên nói trên.
Ngược lại, về phía EU, họ vẫn tuyên bố nếu Minsk thất bại, đồng nghĩa với việc châu Âu vẫn duy trì các biện pháp trừng phạt và xem xét khả năng tăng nặng những biện pháp này. Vừa qua, Thủ tướng Angela Merkel cũng khẳng định nước Đức sẽ không mời Nga tham gia cuộc họp thượng đỉnh của nhóm G7.
Trong khi đó, vòng vây quân sự của Mỹ và NATO vẫn ngày càng siết chặt nước Nga. Gọng kìm quân sự đó đã đủ sức tạo sức ép khiến Moscow đã nhiều lần tính từ đầu năm 2015 đến nay phải nhắc đến cụm từ "đáp trả bằng vũ khí hạt nhân."
Điều đó cho thấy rằng Mỹ, EU đã khiến nước Nga cảm thấy bị đe dọa thực sự, và họ sẽ buộc phải đấu đến cùng trong cuộc đối đầu này. Từ kinh tế đến quân sự, chưa có bất kỳ cuộc nhượng bộ nào giữa hai bên. Và trong bối cảnh không có sự thỏa hiệp, giảm nhiệt nào, vậy vì sao Minsk vẫn được chấp nhận và quyền lợi Nga vẫn được ưu tiên?
Khoảng lặng từ Minsk 2
Thỏa thuận Minsk thực tế đã đổ vỡ, khi các cuộc giao tranh liên tiếp bùng phát ở miền Đông Ukraine, từ Donetsk, Lugansk và lan tới cả Mariupol.
Việc duy trì danh nghĩa Minsk ấy đã tạo ra một rào chắn dù mỏng manh, nhưng đủ tính pháp lý để kéo dài cuộc khủng hoảng này thêm nhiều ngày tháng. Donbass sẽ không dại dột phát động tấn công để nới đất, tăng quyền kiểm soát. Kiev cũng không vội vàng phát động những chiến dịch quân sự mới.
Chiến sự vẫn căng thẳng ở miền Đông Ukraine |
Trong khoảng lặng mong manh đó, các bên đang tiến hành những động thái đầy toan tính riêng. Chính quyền Kiev của Tổng thống Poroshenko bắt đầu thực hiện một loạt biện pháp nhằm củng cố quyền lực, hạ bệ phe đối lập và tạo thành một thể thống nhất, dưới sự chỉ huy duy nhất của một mình Poroshenko.
Còn với EU, Hy Lạp đã sẵn sàng tuyên bố vỡ nợ. Mọi động thái căng thẳng, xung đột đặc biệt với Nga vào thời điểm này chỉ khiến châu Âu ngày càng bất ổn. Phải nói rằng tiếng nói phản đối cuộc so găng Nga - EU ngày càng gia tăng. Khoảng lặng Minsk 2 tạo ra này cũng là thời điểm vàng để EU ổn định chính tình hình nội tại của mình.
Trong khi đó, Mỹ ra sức hô hào, úy lạo đồng minh. gửi quân đội, vũ khí tới các căn cứ của NATO. Xe bọc thép của Mỹ lăn khắp châu Âu. Những điều ấy đang thể hiện rằng Washington cố gắng động viên tinh thần của đồng minh về một chiếc ô quân sự cũng như kinh tế.
Từ đó để thấy, nhờ có Minsk, chính quyền của mỗi thành viên EU đang ra sức củng cố sức mạnh cho mình, và Mỹ vẫn có một khoảng thời gian cần thiết để gia cố lại khả năng chi phối các chư hầu châu Âu của họ.
Đã có một con số thống kê rằng Nga sẽ mất khoảng 200 tỷ USD trong 2 năm tới nếu các biện pháp trừng phạt này vẫn được duy trì. Điều này đồng nghĩa với việc nếu Minsk thành công, chiến lược của Mỹ sẽ thất bại. Và nếu Minsk thất bại, thì sự trỗi dậy của phe thân Nga trong các nước thành viên châu Âu phản đối các biện pháp gia tăng trừng phạt sẽ chiến thắng. Do đó, sự thất bại của Minsk cũng góp phần đẩy châu Âu nhanh xa khỏi bàn tay của Mỹ hơn.
Qua đó thấy rằng, chẳng lý gì Mỹ phải vội vàng quyết định số phận cho thỏa thuận mơ hồ này. Washington thà duy trì một cục diện hỗn loạn, bất ổn, nội chiến dai dẳng để Nga ngày càng suy yếu, còn hơn kết thúc chóng vánh tất cả vấn đề ở đây.
Đó là lý do vì sao phương Tây vẫn chấp thuận những điều khoản có lợi cho Nga trong cuộc họp bộ tứ Normandie vừa qua. Thực tế, Nga chỉ đạt được những lời hứa, những cái ký kết bắt tay, còn muốn cục diện vấn đề ngã ngũ thực sự thì phải chờ đợi vào kết quả ở thực địa cuộc chiến.