Những lợi ích từ dự án đường ống dẫn khí đốt sẽ củng cố vai trò thủ lĩnh châu Âu của Đức, do đó việc Mỹ ra các lệnh trừng phạt mới chống Nga thực sự ảnh hưởng lớn đến vị thế của Berlin.
Ngoại trưởng Đức Sigmar Gabriel
Phát biểu tại diễn đàn về chính sách đối ngoại - một hoạt động truyền thống của Quỹ Korber, Bộ trưởng Ngoại giao Đức Sigmar Gabriel cho biết:
"Các biện pháp trừng phạt mới của Mỹ chống Nga áp dụng cho các dự án đường ống dẫn khí đốt mà Đức tham gia, đang đe dọa lợi ích của Berlin".
Ông Sigmar Gabriel cũng kêu gọi xem lại các chính sách của châu Âu và Đức đối với Hoa Kỳ và tự tin hơn nữa trong việc theo đuổi lợi ích riêng của mình.
Theo ông Gabriel, dưới thời Tổng thống Trump, Hoa Kỳ "rất yếu kém khi đóng vai trò của một lực lượng chính trị trên toàn thế giới". Đồng thời, Washington cũng mới bắt đầu nhận thức Đức là "một trong số nhiều đối tác quan trọng".
Người đứng đầu cơ quan Ngoại giao Đức khẳng định:
"Việc chúng ta nhận thức và duy trì vai trò của Hoa Kỳ một cách vô điều kiện, bất chấp những bất đồng thường xuyên, đang bắt đầu suy sụp".
Ngoại trưởng Gabriel cho rằng, trong tương lai Đức nên tự tin hơn nữa trong việc đại diện cho lợi ích riêng của mình và nên "vạch ra ranh giới đỏ để các đối tác không được vượt qua".
Dự án khí đốt Dòng chảy phương Bắc 2
Hồi đầu tháng 8, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã ký dự luật về "Chống lại các đối thủ của Mỹ thông qua các biện pháp trừng phạt" đối với Nga, Iran và Triều Tiên.
Đặc biệt, văn kiện cho phép nhà lãnh đạo Hoa Kỳ có thể áp đặt lệnh trừng phạt đối với những người đầu tư hơn 5 triệu USD vào việc xây dựng đường ống xuất khẩu khí đốt của Nga trong một năm hoặc một triệu USD tại một thời điểm. Ngoài ra, luật quy định cụ thể rằng Hoa Kỳ sẽ tiếp tục phản đối dự án Dòng chảy phương Bắc 2 (Nord Stream-2).
Dự án "Dòng chảy phương Bắc 2" dự kiến xây dựng hai nhánh đường ống dẫn khí đốt với tổng công suất 55 tỷ m3 khí đốt/năm từ bờ biển của Nga chạy qua biển Baltic đến Đức. Đường ống dẫn khí đốt mới dự kiến xây dựng bên cạnh "Dòng chảy phương Bắc".
Các công ty Đức là cổ đông lớn trong dự án này nên Berlin rất ủng hộ dự án. Đức sẽ hưởng tất cả những lợi ích mà Ukraine bị mất, hơn nữa sau khi dự án được hoàn tất, Đức sẽ trở thành một trung tâm khí đốt ở châu Âu, kiểm soát và phân phối lại các dòng khí đốt và đó là vị trí có lợi cho vai trò thủ lĩnh châu Âu của Đức.
Do đó các lệnh trừng phạt của Mỹ có lẽ sẽ không thể khiến đầu tàu của nền kinh tế châu Âu này lùi bước.
Đức Dũng (Lược dịch)
Nguồn: infonet.vn