Ảnh minh họa. (Nguồn: DPA)
Với việc cấp quy chế tị nạn, chính quyền Đức đã phần nào "gián tiếp" giúp những quân nhân Thổ Nhĩ Kỳ này, những người bị Ankara buộc tội phản bội và là thành viên của một tổ chức khủng bố, không phải bị dẫn độ về nước xét xử.
Động thái trên của Đức có thể sẽ khiến giới chức Thổ Nhĩ Kỳ không hài lòng.
Trước đó, Ankara đã buộc tội Ilham P, một cựu đại tá trong quân đội Thổ Nhĩ Kỳ, và sau đó là người đứng đầu học viện quân sự Ankara, là một trong những người có vai trò chính tham gia cuộc đảo chính quân sự bất thành nhằm lật đổ Tổng thống Tayyip Erdogan hồi năm 2016.
Được biết, ông Ilham P là một trong 4 quân nhân Thổ Nhĩ Kỳ được phía Đức cấp quy chế tị nạn.
Hiện, Bộ Ngoại giao Đức vẫn chưa có phản hồi về thông tin trên.
Đức và Thổ Nhĩ Kỳ vốn là 2 quốc gia đồng minh gần gũi trong NATO. Tuy nhiên, mối quan hệ này bắt đầu rạn nứt kể từ khi Ankara bắt giữ một số công dân Đức và Berlin chỉ trích mạnh mẽ Thổ Nhĩ Kỳ về cách thức xử lý vụ đảo chính bất thành hồi giữa năm 2016, cũng như các vấn đề liên quan đến người Kurd.
Căng thẳng đã lên đến đỉnh điểm khi Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan kêu gọi toàn bộ người Đức gốc Thổ không bỏ phiếu cho Liên minh Dân chủ/Xã hội Cơ đốc giáo (CDU/CSU) của Thủ tướng Đức Angela Merkel, đảng Dân chủ Xã hội (SPD), hay đảng Xanh, cho rằng đây là "kẻ thù của Ankara."
Đáp lại, Thủ tướng Merkel tuyên bố sẽ ngừng các cuộc đàm phán của Đức và EU về việc xem xét Thổ Nhĩ Kỳ gia nhập khối này.
Nguồn: Vietnam+