56 tỉ USD cho dự án đường sắt cao tốc Hà Nội - TP.Hồ Chí Minh "Tổng mức đầu tư của dự án sơ bộ được xác định là: 1.066.792 tỉ đồng, tương đương 55.853 triệu USD (tỉ giá 1USD = 19.100 đồng)" - đó là trình bày của Bộ trưởng Bộ GTVT Hồ Nghĩa Dũng trước Quốc hội chiều 20.5 về Dự án đường sắt cao tốc Hà Nội - TP.

Hồ Chí Minh đang được người dân cả nước đặc biệt quan tâm về tính khả thi.

Đường sắt cao tốc là tất yếu?


Theo tờ trình của Chính phủ được Bộ trưởng Bộ GTVT trình bày trước QH thì đến năm 2030, nhu cầu hành khách trên hành lang vận tải Bắc - Nam sẽ là 534.000 hành khách/ngày, tương đương 195 triệu hành khách/năm.

Thế nhưng đến năm 2030, nếu không có đường sắt cao tốc (ĐSCT) thì tổng năng lực của các loại phương thức vận tải trên hành lang vận tải Bắc – Nam chỉ đạt khoảng 138 triệu hành khách/năm (gồm đường ôtô cao tốc 4 làn xe năng lực vận tải hành khách đạt khoảng 88 triệu hành khách/năm, tuyến đường quốc lộ 1 nâng cấp chủ yếu phục vụ vận tải nội vùng; năng lực vận tải hàng không đạt khoảng 35 triệu hành khách/năm; còn năng lực của tuyến đường sắt hiện tại khổ 1.000mm sau khi nâng cấp để đạt tiêu chuẩn đường sắt cấp 1, khai thác tàu khách với tốc độ 120km/h, tàu hàng 80km/h thì năng lực vận chuyển hành khách đạt khoảng 15 triệu hành khách/năm).

Như vậy, nếu không xây dựng ĐSCT thì nhu cầu vận tải hành khách trên hành lang Bắc - Nam đến năm 2030 sẽ vượt năng lực của các loại hình vận tải là 57 triệu hành khách/năm, tương đương 156.000 hành khách/ngày. Vì vậy cần thiết phải xây dựng ĐSCT với vận tốc 300km/h để đáp ứng được nhu cầu vận tải hành khách.

Cũng theo tờ trình của Chính phủ thì sau khi khảo sát các mô hình ĐSCT trên thế giới Chính phủ lựa chọn mô hình ĐSCT Shinkansen của Nhật Bản có công nghệ động lực phân tán để đầu tư. Toàn tuyến sẽ có 27 ga, thời gian chạy tàu từ Hà Nội – Hoà Hưng là khoảng 6h 51 phút  với việc tàu đỗ tất cả các ga.

Tổng mức đầu tư khoảng 55,85 tỉ USD và được phân khúc đầu tư theo từng giai đoạn.

Trước mắt đến năm 2020 đưa vào khai thác đoạn Hà Nội – Vinh và Nha Trang – TP.Hồ Chí Minh.

Hiệu quả kinh tế chưa rõ ràng

Sau khi nghe tờ trình của Chính phủ, Chủ nhiệm Uỷ ban KHCNMT của QH đã đọc báo cáo thẩm tra dự án.

Về tầm chiến lược của dự án, UB KHCNMT tỏ thái độ tán thành về sự cần thiết đầu tư xây dựng dự án, nhưng UB KHCNMT đã bày tỏ những quan ngại về dự án như  tổng mức đầu tư của dự án sơ bộ được xác định là hơn 1 triệu tỉ đồng, tương đương gần 56 tỉ đôla Mỹ (USD), suất đầu tư bình quân là 680 tỉ đồng/1km, tương đương 35,6 triệu USD/1km, nhưng với  việc xây dựng chủ yếu là hầm, cầu cạn, cầu vượt sông, cầu ở các nút giao với đường bộ thì tổng mức đầu tư sẽ vượt xa so với dự kiến. Vì vậy, UB KHCNMT rất lo ngại về khả năng huy động nguồn vốn lớn như vậy.

Ngoài ra, UB KHCNMT cũng cho rằng tờ trình của Chính phủ và báo cáo đầu tư chưa phân tích những khả năng xảy ra rủi ro đối với hiệu quả kinh tế của dự án do thời gian thực hiện diễn ra trong khoảng thời gian 25 năm tới với những biến động khó lường.

Từ những vấn đề nêu trên, UB KHCNMT kiến nghị Chính phủ cần  phải xác định rõ tính hợp lý trong dự toán vốn, phương thức huy động vốn và phân kỳ đầu tư; chi phí cho việc bảo đảm vận hành đoàn tàu ổn định như: Năng lượng tiêu thụ, chi phí quản lý, duy tu, bảo dưỡng đường và thiết bị. Tính hiệu quả kinh tế của dự án. Phân tích đầy đủ nợ quốc gia của nước ta hiện nay và trong thời gian tới khi đầu tư dự án, đảm bảo nợ quốc gia luôn nằm trong tầm kiểm soát của Nhà nước... để QH xem xét cho ý kiến.

Chiều nay (21.5), QH thảo luận ở tổ về dự án này.


Thanh Tùng.




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC