“Tình hình hiện nay rất phức tạp và khó khăn, nhưng “cơn bão” năm Thìn này không nghĩa lý gì khi so lại những trải nghiệm của quá khứ. Tôi nghĩ tiềm lực nội tại của doanh nhân Việt sẽ giúp họ vượt bão và vươn cao hơn khi tình thế xoay chiều”.
Nhân Ngày Doanh nhân Việt Nam (13/10), TS. Alan Phan, Chủ tịch Quỹ đầu tư Viasa Fund (Hồng Kông) trò chuyện với VnEconomy xung quanh câu chuyện về “tâm và tài” của đội ngũ doanh nhân Việt trong bối cảnh nền kinh tế gặp nhiều khó khăn hiện nay.
Ông nói:
- Nếu ai đó hỏi tôi lợi thế cạnh tranh của doanh nhân Việt so với các đồng nghiệp trên khắp thế giới thì tôi có thể trả lời không cần suy nghĩ về sức chịu đựng bền bỉ của họ và cách điều chỉnh hoạt động nhanh chóng để thích hợp với một môi trường kinh doanh luôn bất ổn.
Trong vài năm qua, tôi đã gặp và nói chuyện nhiều với các doanh nhân Việt, thành đạt cũng như khó nhọc. Họ đều chia sẻ những chuyện làm ăn khá thần kỳ trong thời bao cấp cũng như thời mở cửa chỉ để bám trụ và tồn tại.
Tình hình hiện nay rất phức tạp và khó khăn, nhưng "cơn bão" năm Thìn này không nghĩa lý gì khi so lại những trải nghiệm của quá khứ. Tôi nghĩ tiềm lực nội tại của doanh nhân Việt sẽ giúp họ vượt bão và vươn cao hơn khi tình thế xoay chiều.
Tuy nhiên, có một điều khác biệt giữa ngày hôm qua và hôm nay. Hai mươi năm trước, các doanh nhân này còn nhỏ và rất “đói” về mọi phương diện. Họ không có nhiều để mất và cả thế giới ào ạt đổ bộ vào Việt Nam để đầu tư vào một thị trường nguyên sinh, như Myanmar hiện giờ. Các doanh nhân này đã già hơn, mệt hơn và no đủ hơn vào thời điểm này. Thêm vào đó, sau 20 năm, mô hình kinh doanh dựa dẫm vào "quan hệ" đã không còn mấy hiệu lực và các nhà đầu tư ngoại đã bỏ đi tìm những cơ hội khác.
Tôi hy vọng là thế hệ thứ hai của doanh nhân Việt sẽ thay thế bậc đàn anh bằng những kỹ năng mới hơn, những sáng tạo đặc thù hơn và một tầm nhìn dài hạn hơn để xây dựng một nền kinh tế bền vững và hiệu quả. Khác với cha anh, họ sẽ có rất nhiều thứ để mất.
Mặt khác, trong một nền kinh tế dựa trên tri thức, các đột phá thường bất ngờ và lan phủ rất nhanh. Các doanh nhân trẻ phải cảnh giác về những đổi thay liên tục trong công nghệ, trong nhu cầu tiêu dùng, trong lợi thế cạnh tranh… để không bị đào thải khỏi cuộc chơi. Sự tiếp cận và tương tác với ngôi làng toàn cầu qua đám mây điện toán hay các phi vụ xuyên biên giới là một nhu cầu thiết yếu.
Với tôi, “nghịch cảnh thường thể hiện nhân tài, trong khi thịnh vượng lại che giấu nó”.
Nhưng theo ông, sau một vài vụ việc đáng tiếc với một số doanh nhân có tên tuổi ở Việt Nam vừa qua, bài học mà doanh nhân Việt cần rút ra là gì?
Tôi cho rằng, thực tình thì cũng không có điều gì là quá quan trọng cả vì tất cả các nước trên thế giới đều có chuyện doanh nhân phạm luật, họ cũng chỉ là một thành phần của xã hội. Khi phạm luật thì họ sẽ bị xét xử thôi.
Còn doanh nhân nào làm sai trái, phải trả giá thì đó cũng chỉ là chuyện riêng của họ.
Sau một vài vụ việc vừa qua, thực tế thì người ta cũng chỉ quan tâm đến những doanh nhân đang hoạt động trong giới ngân hàng, hoặc có những hành động tương tự. Với những người đang hoạt động trong lĩnh vực này hoặc có liên quan, có phạm luật, sai trái tương tự thì đương nhiên sẽ bị ảnh hưởng. Còn không thì cũng chỉ là những sự cố, những hạt sạn nhỏ mà thôi.
Phải thay đổi nếu không muốn bị đào thải
Vậy còn niềm tin của doanh nhân vào nền kinh tế thì sao, thưa ông?
Niềm tin thì nó khác, nó phụ thuộc vào môi trường kinh doanh. Đó chính là đòi hỏi sự minh bạch, công bằng và những gánh nặng như thuế, thủ tục hành chính…
Nếu không có những bất cập, những gánh nặng trên thì doanh nhân sẽ thoải mái hơn để sáng tạo, kinh doanh. Tất nhiên, bất cứ môi trường kinh doanh nào cũng có người thua, người thắng.
Do đó, niềm tin hiện nay của đội ngũ doanh nhân nếu có “xao xuyến” chút nào đấy thì cũng do ảnh hưởng của môi trường kinh doanh, chứ không phải là vì một vài người nào đó bị bắt.
Theo ông, bản lĩnh của doanh nhân Việt cần thể hiện như thế nào trong bối cảnh hiện nay?
Tôi cho rằng, anh nào yếu thì phải chấp nhận thua thôi. Những yếu kém mang tính kinh niên của doanh nhân Việt là kỹ năng quản trị về tài chính rất yếu và phần lớn vẫn có tầm nhìn ngắn hạn, thay vì dài hạn nên hệ quả là rủi ro về đạo đức rất cao.
Hai yếu tố trên là yếu kém nhất, còn những kỹ năng khác thì cũng chỉ là bình thường, nó sẽ lớn mạnh dần theo thực tế. Nhưng nếu không muốn bị đào thải thì chắc chắn họ phải thay đổi.
Với những khó khăn hiện nay, ông nghĩ giới doanh nhân Việt có thể vượt qua như thế nào?
Như tôi đã nói ở trên, trong quá khứ, họ đã đối diện với khó khăn còn "ly kỳ" hơn mà họ vẫn vượt qua, nên giờ đây khó khăn cũng là chuyện bình thường. Chỉ lưu ý rằng, tình hình nay đã khác xưa, vì giờ họ dùng những đòn bẩy tài chính quá lớn thì có thể phải gặp rắc rối.
Tôi kể câu chuyện về một người Việt làm ăn tại Mỹ để các bạn hiểu rõ hơn về bản lĩnh người Việt. Chị từ một công nhân thất nghiệp trong nước, sang Đức, sang Mỹ làm công nhân, sau đó tích góp rồi vay cả tiền của tôi để mua lại một cửa hàng, rồi sau đó hàng chục cửa hàng ăn uống, massage… và trở thành một bà chủ giàu có, thành đạt. Cô ta có tên là Dương Thị Gấm.
Trong dòng đời, đối diện những thử thách khó khăn, chính con người “lỳ” như tôi cũng nhiều lúc muốn buông thả. Muốn quay về một góc tối nào đó, an phận với cuộc sống an nhàn, cho qua kiếp người dâu bể.
Nhưng nhìn những tấm gương như chị Gấm, tôi thấy mình không có quyền bỏ cuộc. Tôi tự nhủ mình đã quá may mắn, được nuôi dưỡng trong một môi trường lành mạnh, phong lưu, với đủ lợi thế cạnh tranh.
Sự thất bại của mình sẽ là một vết nhơ gấp đôi những con người Việt kém may mắn khác. Do đó, mình phải vươn vai đứng dậy để tiếp tục, vì đây là bổn phận và danh dự của mình trước những người bạn đồng hành.
Thua cuộc chỉ là tạm thời…
Là một doanh nhân từng bôn ba khắp thế giới, ông có so sánh gì về môi trường kinh doanh ở Việt Nam và các nước khác?
Nền kinh tế Việt Nam vẫn mới mở cửa, nhiều cái vẫn còn nguyên khai. Chúng ta đi sau các nước phát triển khác hàng chục năm, thậm chí hàng trăm năm thì đó là điều bình thường. Vì trước đây thì họ cũng như chúng ta bây giờ.
Chúng ta đi sau thì chúng ta hy vọng sẽ tránh được những sai lầm, hạn chế của thế giới. Còn nếu ai tự cố tình vẫn đi vào vết xe đổ thì phải lãnh hậu quả mà thôi.
Ông có ấn tượng về giá trị gia tăng của doanh nhân Việt hiện nay?
Tôi cho là không nhiều, vì nhìn chung một bộ phận không nhỏ vẫn có lối kinh doanh bầy đàn, thậm chí đi copy của nhau. Trong khi nền kinh tế trí thức, nền kinh tế mới phải dựa trên sự sáng tạo, dựa trên tư duy mới và thay đổi thường trực. Còn nếu họ vẫn giữ tư duy cũ của thời nông nghiệp thì sẽ không bao giờ bắt kịp được đối thủ của họ.
Ông đang có những thay đổi gì và có ấp ủ dự án đầu tư nào ở Việt Nam?
Tôi chỉ là người Việt trở về nước và quan sát thấy những điều đó, cũng có thể sai có thể đúng. Tôi vẫn làm tốt mọi việc ở nước ngoài. Còn môi trường kinh doanh ở Việt Nam vẫn còn thiếu nhiều điều.
Đó cũng là lý do vì sao, nhiều khi muốn đem một giải pháp công nghệ về Việt Nam để mở rộng kinh doanh, nhưng với một môi trường chưa thuận tiện thì sẽ không phát huy được khả năng và thu được hiệu quả.
Tất nhiên, chúng tôi cũng đang thương lượng một vài dự án ở Việt Nam.
Nhân Ngày Doanh nhân Việt Nam, ông có muốn gửi thông điệp gì đến các đồng nghiệp?
Tôi không có thông điệp gì cả, mà chỉ muốn chia sẻ với các đồng nghiệp rằng, chúng ta phải thay đổi thôi vì tư duy, lối làm việc trước kia giờ đã lỗi thời rồi. Bây giờ phải chấp nhận một nền kinh tế mới, tư duy và sáng tạo mới.
Trước bối cảnh khó khăn hiện tại của kinh tế thế giới, và dự đoán là tình hình còn chưa sáng sủa, theo nhận định chủ quan của tôi, tôi muốn nói với các doanh nhân của Việt Nam, trong hay ngoài nước, là nếu những con người như chị Gấm đã làm được, chúng ta cũng sẽ làm được.
Trong một lần ăn tối ở Chicago, tôi có bốc thăm được một lời khuyên trong chiếc bánh may mắn mà đến nay tôi vẫn giữ tờ giấy này với nội dung rằng: “Thua cuộc chỉ là một tình trạng tạm thời. Bỏ cuộc biến nó thành một sự kiện thường trực”.
Theo Vneconomy.