Ám ảnh bội chi ngân sáchCuộc khủng hoảng nợ công đang ám ảnh châu Âu cùng với những hệ lụy lâu dài của nó hẳn là một bài học sâu sắc cho các nhà lập pháp và hành pháp của bất kỳ quốc gia nào. Việt Nam cũng không là ngoại lệ.

Số liệu vừa được chính thức hóa về tình hình kinh tế vĩ mô năm 2009, chuẩn bị được báo cáo với Quốc hội tại kỳ họp thứ 7 cho thấy, mức dư nợ Chính phủ và dư nợ quốc gia của Việt Nam hiện ở mức khá cao, đạt mức 41,9%GDP (GDP năm 2009 của Việt Nam khoảng 100 tỷ USD -PV). Đây là một trong những điều khiến nhiều thành viên của Ủy ban Thường vụ Quốc hội lo lắng.

Ngoài những quan ngại về nợ công đang ngày càng gia tăng thì sự ổn định của nguồn thu ngân sách để đáp ứng cho chi tiêu quốc gia cũng là một điểm đáng quan tâm. Mặc dù báo cáo của Chính phủ chỉ ra rằng, thu ngân sách nhà nước năm 2009 không bị hụt như dự báo mà còn vượt dự toán khá lớn (52.440 tỷ đồng), TS Phùng Quốc Hiển, Chủ nhiệm UB Tài chính - Ngân sách Quốc hội cho rằng điều này không hoàn toàn đáng mừng. Phân tích rằng, trong số vượt thu, nguồn thu từ đất luôn có xu thế đạt cao so với dự toán trong những năm gần đây: thu từ đất năm 2007 vượt 12.324 tỷ đồng, năm 2008 vượt 14.279 tỷ đồng, năm 2009 vượt 15.274 tỷ đồng (vượt tới 72,7% dự toán) (việc lập dự toán khoản thu này do các địa phương chủ động báo cáo), ông Hiển bình luận, sự chênh lệch quá lớn và có xu thế tăng đối với khoản thu từ đất qua các năm thể hiện việc xây dựng dự toán thu không sát. Đồng thời, tăng thu từ nguồn đất đai chưa đảm bảo một nguồn thu bền vững, lâu dài và rất có thể sẽ kéo theo những hệ lụy tiêu cực đối với kinh tế - xã hội. Xét về kỷ luật chi tiêu ngân sách, nhiều ủy viên của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, mức bội chi ngân sách lên tới 6,9% GDP là không hợp lý, thậm chí có thể coi là một hạn chế trong điều hành năm 2009. Đồng tình với quan điểm của UB Tài chính - Ngân sách cho rằng, tình trạng đầu tư phân tán, dàn trải, chuyển nguồn lớn vẫn chậm được khắc phục. Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội Hà Văn Hiền khẳng định, cần cương quyết loại bỏ các chương trình dự án kéo dài, kém hiệu quả; hạn chế việc khởi công những dự án mới có quy mô lớn để tránh những rủi ro của việc không bố trí được nguồn vốn. Bà Trương Thị Mai, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội cũng cho rằng, với cơ cấu nguồn thu và xu hướng chi như vậy, nợ chính phủ đến nay vẫn trong ngưỡng an toàn, nhưng chỉ 1-2 năm nữa là tới mức không an toàn, nếu không có sự điều chỉnh quyết liệt, cả từ phía Quốc hội (trong việc thông qua dự toán ngân sách) và Chính phủ. Tuy nhiên, theo bà, việc siết lại chi tiêu cần đến sự cân nhắc kỹ lưỡng và giải pháp khôn khéo, có lộ trình, nhất là đối với những khoản chi công cho mục tiêu an sinh xã hội.

Trên thực tế, một bài học còn đang nóng hổi chính là việc sau một thời kỳ dài “vung tay quá trán”, việc Chính phủ Hy Lạp và một số nước châu Âu khác cắt giảm hàng loạt khoản chi an sinh xã hội đã dẫn đến phản ứng mạnh mẽ của nhiều tầng lớp nhân dân. Với cách nói bộc trực quen thuộc, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước bảo, cứ mỗi lần đi dự lễ hội, ông tuy có vui nhưng cũng rất “tâm tư”: “Năm 2010 lễ hội rất nhiều, nhưng đất nước còn khó khăn mà chi quá nhiều cho hoạt động này thì không nên. Kêu thiếu thốn nhiều mà cứ lễ hội tràn lan thì giải thích với dân làm sao đây?”. Từ ví dụ cụ thể này, ông Phước yêu cầu rà soát các chính sách để đảm bảo thứ tự ưu tiên, từ đó giảm các khoản chi ngân sách một cách hợp lý.


Theo DN.




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC