Tốc độ dòng chảy sông Sài Gòn phức tạp khiến thời điểm dìm đốt hầm Thủ Thiêm thứ ba chậm một tiếng so với kế hoạch. 17h30 chiều 6/5, ba đốt hầm đã được nối thông với nhau.
Đốt hầm Thủ Thiêm số 3 sau khi được lai dắt đến vị trí dìm vào trưa hôm qua, phải mất đến 2 tiếng rưỡi mới cố định vị trí giữa sông Sài Gòn do tốc độ dòng chảy phức tạp, liên tục xô đẩy đốt hầm.
"Đến 15h chiều nay, đốt số 3 đã được kết nối với đốt số 2 dưới đáy sông. Hai tiếng rưỡi đồng hồ sau, công tác bơm nước ra hoàn tất, đốt số 3 được mở cửa nối thông an toàn với đốt 2", ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban quản lý dự án Đại lộ Đông Tây cho biết.
Theo ông Phúc, công tác lai dắt, dìm và lắp đặt đốt hầm số 3 đã thành công, đảm bảo an toàn. Hiện, các công tác tiếp theo trong việc lắp đặt và cố định đốt hầm vẫn được tiếp tục thực hiện.
Như vậy, hầm Thủ Thiêm - hầm vượt sông lớn nhất Đông Nam Á đã nối thông 3 đốt hầm với nhau và thông với đường dẫn phía quận 2. Đốt số 4 - đốt cuối cùng của hầm Thủ Thiêm, sẽ được lai dắt và dìm vào ngày 4-5/6. Đây cũng là đốt khó nhất khi dìm xuống đáy sông.
Hầm Thủ Thiêm là công trình ngầm vượt sông đầu tiên ở Việt Nam thuộc dự án Đại lộ Đông - Tây ở TP HCM và là hầm vượt sông lớn nhất Đông Nam Á. Mặt cắt ngang hầm rộng 33,3 m bao gồm hai hướng lưu thông với 3 làn xe mỗi bên. Vận tốc thiết kế cho phép xe chạy trong hầm là 60 km một giờ.
Ngày 7/3 đến 10/3 đốt hầm Thủ Thiêm đầu tiên đã được lai dắt từ bãi đúc Nhơn Trạch đến vị trí dìm tại khu vực gần cầu Khánh Hội, quận 1 và nối thông đường dẫn quận 2. Ngày 5-6/4, đốt thứ hai được lai dắt, dìm và nối thông với đốt đầu tiên.
Ngày 28/4, báo cáo của Hội đồng nghiệm thu nhà nước cho biết hai đốt hầm số 1 và số 2 dưới đáy sông đã xuất hiện hiện tượng thấm cục bộ nhìn thấy bằng mắt thường tại đầu đốt số một, đầu đốt số 2 trong vị trí bản nắp hầm, gần sát vành thép của mỗi đốt và tại một vài vết nứt đứng thành hầm.
Mặc dù Ban quản lý dự án khẳng định hiện tượng này là bình thường, không ảnh hưởng đến chất lượng công trình, nhưng Hội đồng nghiệm thu vẫn yêu cầu tiếp tục theo dõi sự phát triển thấm, tìm hiểu nguyên nhân và có biện pháp xử lý triệt để.
Theo VNE.