Giai đoạn 2 của vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và SCB, bà Trương Mỹ Lan cùng 33 bị can bị đề nghị truy tố ở 3 nhóm tội: "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản", "Rửa tiền" và "Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới".

1 Ba Truong My Lan Doi Mat Them Ba Toi Danh Bi Cao Buoc Chuyen Hon 45 Ti Usd Qua Bien Gioi

Vụ án Vạn Thịnh Phát giai đoạn 1 được đưa ra xét xử đã gây chấn động Việt Nam, đồng thời thu hút nhiều sự quan tâm từ cộng đồng quốc tế

Ngày 6/6, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03) Bộ Công an đã tống đạt kết luận điều tra vụ án ở giai đoạn 2 này.

Tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" là liên quan đến vụ án người dân mua trái phiếu của các công ty có liên quan đến Tập đoàn Vạn Thịnh Phát tại SCB.

Theo kết luận điều tra, bà Trương Mỹ Lan và đồng phạm phát hành 25 gói trái phiếu khống, không có tài sản đảm bảo, hiện mất khả năng thanh toán của bốn pháp nhân gồm: Công ty Bất động sản An Đông, Công ty Đầu tư An Thuận, Công ty Sunny World và Công ty Dịch vụ Thương Mại TP HCM.

Các tổ chức nói trên được xác định là có hành vi gian dối, làm trái quy định để bán trái phiếu cho các trái chủ nhằm huy động tiền và chiếm đoạt. Tổng giá trị 25 gói trái phiếu này đến nay còn dư nợ hơn 30.081 tỉ đồng của hơn 35.000 nhà đầu tư.

Tháng 5/2024, Bộ Công an xác định những trái chủ sở hữu 25 mã trái phiếu của bốn pháp nhân nói trên tại thời điểm khởi tố vụ án hình sự là bị hại của vụ án.

Tháng 10/2023, C03 cũng đã phát thông báo tìm bị hại trong vụ án lừa đảo xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Công ty CP Tập đoàn Đầu tư An Đông và các tổ chức, đơn vị có liên quan. Thời điểm đó, Bộ Công an xác định số nạn nhân đã lên đến 42.000 người.

2 Ba Truong My Lan Doi Mat Them Ba Toi Danh Bi Cao Buoc Chuyen Hon 45 Ti Usd Qua Bien Gioi

C03 thông báo tìm nạn nhân trái phiếu mua tại SCB

Vào thời điểm đó, một số nạn nhân vụ án nói với BBC rằng, họ đã nộp đơn tố cáo về việc gian dối trong phát hành trái phiếu của Vạn Thịnh Phát và nhận được giấy xác nhận rằng đơn của họ đã được tiếp nhận.

"Họ nói tôi cứ về nhà, chờ đến khi công an gọi lên lấy lời khai thì đem theo tất cả chứng từ, hợp đồng lên," nạn nhân Nguyễn Hồng Nga, trú tại Hà Nội, nói với BBC vào ngày 2/10/2023.

Tổng cộng số tiền mà bà Nga đã gửi tiết kiệm nhưng biến thành trái phiếu An Đông là 500 triệu VND với mã HD 185-003389/FLEX.ADC-2019.1/HĐMB. Đây là một trong những mã trái phiếu mà trái chủ đã được Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an xác định là bị hại trong vụ án.

Một số nạn nhân khác cũng nói với BBC rằng trái phiếu họ mua có giá trị lên tới 2-3 tỷ đồng, ngoài việc trình báo với công an, họ không còn biết làm gì khác.

Nhiều cuộc biểu tình với hàng trăm người đã nổ ra trước các trụ sở, chi nhánh của SCB trên cả nước để đòi quyền lợi. Họ mặc áo đỏ với những dòng chữ như "SCB lừa đảo" hay "Cầu cứu nhà nước, chính phủ cứu người dân bị lừa mua trái phiếu tại ngân hàng SCB".

3 Ba Truong My Lan Doi Mat Them Ba Toi Danh Bi Cao Buoc Chuyen Hon 45 Ti Usd Qua Bien Gioi

Nhiều nạn nhân mua trái phiếu tại SCB đã biểu tình tố cáo Vạn Thịnh Phát lừa đảo

Tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" với số tiền hơn 30.081 tỷ đồng, bà Trương Mỹ Lan có thể đối mặt với khung hình phạt cao nhất là chung thân.

Bên cạnh đó, bà Lan còn bị cáo buộc là chủ mưu trong hoạt động rửa tiền, với con số hơn 445.747 tỷ đồng. Trong số này, có hơn 415.000 tỷ đồng là từ hành vi tham ô tài sản của Ngân hàng SCB (hành vi tham ô đã được xét xử trong giai đoạn 1) và 30.081 tỷ đồng có được từ hành vi lừa đảo trái phiếu nói trên.

Mức phạt cao nhất có thể áp dụng đối với tội rửa tiền là bị phạt tiền từ 10 tỷ đồng đến 20 tỷ đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ một năm đến ba năm.

Với hành vi vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới, bà Trương Mỹ Lan bị cáo buộc cùng đồng phạm dùng các hợp đồng khống, chuyển ra nước ngoài hơn 1,5 tỉ USD. Ở chiều ngược lại, có hơn 3 tỉ USD được chuyển về Việt Nam trái pháp luật. Tổng số được vận chuyển trái phép tương đương hơn 106.730 tỉ đồng.

Ở giai đoạn 1 của vụ án, bà Trương Mỹ Lan đã bị tuyên tử hình về tội "Tham ô tài sản", 20 năm tù về tội "Đưa hối lộ" và 20 năm tù về tội "Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng". Tổng mức hình phạt mà bà Lan nhận ở phiên sơ thẩm là tử hình. Đồng thời, bà Lan còn phải bồi thường hơn 673.000 tỉ đồng. Bà Lan hiện đã kháng cáo bản án sơ thẩm.

Hai người thân của bà Lan trong vụ án là Chủ tịch HĐQT Công ty CP đầu tư Times Square - ông Chu Lập Cơ (chồng bà Lan) - bị tuyên 9 năm tù; còn cháu của bà Lan, bà Trương Huệ Vân, Tổng giám đốc Công ty Tập đoàn quản lý bất động sản Windsor, lãnh mức án 17 năm tù.

Có bốn người lãnh án chung thân gồm: bà Đỗ Thị Nhàn, cựu Cục trưởng Cục Thanh tra, giám sát Ngân hàng II (Ngân hàng Nhà nước), ông Đinh Văn Thành, cựu Chủ tịch HĐQT Ngân hàng SCB (trốn truy nã, xét xử vắng mặt), ông Bùi Anh Dũng, cựu Chủ tịch HĐQT Ngân hàng SCB, và ông Võ Tấn Hoàng Văn, cựu Tổng giám đốc Ngân hàng SCB .

Các bị cáo còn lại, HĐXX tuyên từ 3 năm tù treo đến 20 năm tù.

Tính tới ngày 29/5, Ngân hàng Nhà nước đã cho SCB vay tổng cộng 622.700 tỷ VND (khoảng 24,5 tỷ USD) để ngân hàng này duy trì hoạt động, tránh sự sụp đổ ảnh hưởng lên toàn hệ thống, theo Reuters.

Mức cho vay này tương đương với 6% GDP năm 2023 của Việt Nam và do Reuters trích dẫn lại từ một tài liệu của SCB, trong đó nêu chi tiết các khoản nhận hằng ngày để theo dõi và sử dụng tiền.

Nguồn: BBC




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC