Theo chỉ đạo của Bí thư Thành uỷ Nguyễn Thiện Nhân, Ủy ban Kiểm tra vào cuộc sẽ làm rõ nội dung, tính chất, mức độ, hậu quả các vi phạm trách nhiệm của cá nhân và tập thể có liên quan đến việc bán 32,4ha đất đã đền bù tại xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè.
Những ngày qua, sau khi báo chí phản ánh về việc chuyển nhượng đất tại khu dân cư Phước Kiển (đất đã đền bù, ở xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè, TP.HCM) của công ty TNHH MTV Đầu tư và xây dựng Tân Thuận (100% vốn thuộc Văn phòng Thành ủy) cho CTCP Quốc Cường Gia Lai (mã CK: QCG), Thành uỷ TP.HCM đã có thông báo chính thức, khẳng định việc ký kết hợp đồng này không đúng theo Quyết định số 1087-QĐ/TU của Ban Thường vụ Thành ủy về ban hành Quy chế quản lý, sử dụng tài sản là nhà, quyền sử dụng đất tại các công ty TNHH MTV thuộc Đảng bộ Thành phố.
Vụ việc đã nhận được sự quan tâm lớn từ dư luận, đặc biệt dấy lên câu hỏi liệu có sự móc ngoặc, câu kết để bán đất công với giá "bèo", gây thất thoát hàng nghìn tỷ đồng cho ngân sách Nhà nước.
Khu đất 32,4ha tại xã Phước Kiển được công ty Tân Thuận bán cho Quốc Cường Gia Lai với giá 1,29 triệu đồng/m2, rẻ hơn nhiều lần so với giá thị trường
Từ “hợp tác đầu tư” thành mua đứt bán đoạn
Trước đó, báo Người Đưa Tin đã thông tin, vốn dĩ khu đất rộng 32,4ha tại xã Phước Kiển từng được Tổng giám đốc công ty Tân Thuận là ông Trần Công Thiện có tờ trình số 354 ngày 25/4/2017 xin ý kiến HĐTV để hợp tác đầu tư với Quốc Cường Gia Lai do Công ty Tân Thuận không có đủ năng lực tài chính để thực hiện dự án.
Nhưng bằng một cách nào đó, kết quả của thương vụ lại "bẻ lái" theo một hướng hoàn toàn khác, công ty Tân Thuận được phép chuyển nhượng cả lô đất này cho công ty Quốc Cường Gia Lai với giá rẻ bằng 1/6 giá thị trườngnhư những gì dư luận đã biết.
Vậy ai là người có đủ thẩm quyền ký văn bản chấp thuận chủ trương bán chỉ định khu đất 32,4ha của Tân Thuận cho Quốc Cường Gia Lai?
Theo tìm hiểu của PV, năm 2009, Thành uỷ TP.HCM ban hành Quyết định số 1087-QĐ/TU ngày 31/3/2009 về Quy chế quản lý, sử dụng tài sản tại các Công ty TNHH MTV thuộc sở hữu của Đảng bộ thành phố. Theo Quyết định này, Ban Thường vụ Thành uỷ có thẩm quyền xem xét, quyết định về chuyển dịch sở hữu tài sản là nhà, quyền sử dụng đất.
Đối chiếu với Quyết định 1087 thì tập thể Ban Thường vụ Thành uỷ TP.HCM là nơi cuối cùng xem xét, quyết định đồng ý hoặc không đồng ý cho Công ty Tân Thuận ký hợp đồng chuyển nhượng hơn 30ha đất tại dự án Phước Kiển cho Công ty Quốc Cường Gia Lai.
Lộ diện nguy cơ tiêu cực
Như vậy, với giao dịch chuyển đổi đất tại Phước Kiển từ Công ty Tân Thuận sang Công ty Quốc Cường Gia Lai, thì thẩm quyền giải quyết chuyển dịch tài sản phải căn cứ vào Quyết định 1087, không được phụ thuộc vào chỉ đạo cá nhân mà phải có ý kiến của tập thể Ban Thường vụ Thành uỷ.
Tuy nhiên, trên thực tế, dù Thường trực Thành ủy và tập thể Ban thường vụ Thành ủy không được báo cáo nhưng thương vụ mua bán 30ha đất Phước Kiển giữa công ty Tân Thuận và công ty Quốc Cường Gia Lai vẫn được tiến hành ký kết một cách thuận buồm, xuôi gió.
Luật sư Nguyễn Thế Truyền, Giám đốc công ty Luật hợp danh Thiên Thanh
Theo Luật sư Nguyễn Thế Truyền, Giám đốc công ty Luật hợp danh Thiên Thanh, vụ việc Quốc Cường - Tân Thuận có nhiều uẩn khúc, cần được điều tra làm rõ nếu có dấu hiệu thất thoát tài sản công.
Luật sư Truyền phân tích: "Vừa có một số ý kiến nhận định Tân Thuận không phải doanh nghiệp nhà nước, do thuộc Thành uỷ TPHCM chứ không phải một cơ quan nhà nước (theo Luật Doanh nghiệp, DNNN có 100% vốn Nhà nước - PV). Tuy nhiên tôi cho cách tiếp cận vấn đề này là chưa ổn, bởi vốn của Tân Thuận bắt nguồn từ Ngân sách Nhà nước và nó phải được coi là DNNN. Do vậy, bên cạnh quy chế của Thành uỷ, Tân Thuận còn phải tuân thủ các Luật về quản lý, sử dụng Ngân sách".
"Theo đó, việc chuyển nhượng tài sản công phải được sự chấp thuận của cơ quan chủ quản và phải được bán đấu giá để thu về số tiền lớn nhất cho Ngân sách. Vụ việc Quốc Cường - Tân Thuận vừa qua rõ ràng là có những dấu hiệu bất thường, có thể xử lý về mặt hình sự nếu xuất hiện sai phạm lớn mang tính chủ quan", vị luật sư phân tích thêm.
"Có hai vấn đề cần làm rõ, thứ nhất là ai đã cho phép công ty Tân Thuận bán lô đất cho Quốc Cường Gia Lai, và tại sao công ty Tân Thuận ban đầu chỉ là hợp tác đầu tư, sau đó chuyển thành mua đứt bán đoạn với công ty tư nhân?. Việc làm này có động cơ cá nhân và có xuất hiện nguy cơ tiêu cực thất thoát tài sản công, thậm chí là tham nhũng hay không?. Các cơ quan chức năng, cả về mặt Đảng lẫn chính quyền cần điều tra làm rõ", luật sư Nguyễn Thế Truyền nêu ý kiến.
Nguồn: Hiểu Minh
Người đưa tin