Nhiều DN bán lẻ nước ngoài đã núp bóng các trung tâm thương mại trong nước để mở mạng lưới và không bị rào cản từ phía cơ quan quản lý.
Các nhà sản xuất kinh doanh trong nước đều phản ánh siêu thị có vốn đầu tư nước ngoài đều có mức chiết khấu cao, nên không thể đáp ứng, phải rút lui, mất cơ hội cạnh tranh cho hàng nội trên sân nhà.
Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM đã có công văn gửi Thủ tướng Chính phủ, kiến nghị các giải pháp cấp bách để tạo điều kiện kinh doanh thuận lợi hơn cho các nhà kinh doanh bán lẻ trong nước.
Theo ông Phạm Ngọc Hưng, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM, trong cam kết của Việt Nam khi gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), quy định ENT (xác định nhu cầu kinh tế cần thiết của địa điểm) được đưa ra như một cách hạn chế nhà đầu tư nước ngoài chiếm lĩnh thị trường bán lẻ tại Việt Nam.
Thế nhưng, quy định ENT hiện nay chưa cụ thể và chưa phải là một khung ENT ở cấp độ toàn quốc mà mỗi địa phương áp dụng ENT một kiểu.
Do vậy, nhà bán lẻ trong nước hầu như không được hưởng chính sách bảo vệ nào trong suốt thời gian qua như tinh thần mà đoàn đàm phán WTO của Việt Nam dự tính.
Thậm chí một số nhà bán lẻ nước ngoài đã tự do mở điểm bán hàng ngay bên cạnh và cạnh tranh quyết liệt với các nhà bán lẻ trong nước.
Thế nhưng, có nhiều nhà bán lẻ ở một số nước sẽ không bị rào cản về ENT khi đầu tư vào Việt Nam trong tương lai gần.
Cụ thể, bà Jana Herceg, Phó trưởng ban Thương mại và kinh tế của Phái đoàn Liên hiệp châu Âu (EU) tại Việt Nam, cho biết Việt Nam cam kết không áp dụng cơ chế ENT cho các nhà bán lẻ của EU sau năm năm Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam và EU (FTA VN-EU) có hiệu lực.
Theo các nhà phân tích, một khi doanh nghiệp khu vực châu Âu không bị ràng buộc về ENT thì doanh nghiệp các nước ở ngoài khu vực này cũng có thể trở thành nhà đầu tư châu Âu thông qua việc thành lập doanh nghiệp ở một nước nào đó ở châu Âu, rồi từ đây đầu tư vào Việt Nam.
Mặt khác, các cơ quan quản lý nước ta lại đang rất “thoáng” cho nhà đầu tư nước ngoài trong các thương vụ mua bán - sáp nhập (M&A). Các nhà bán lẻ nước ngoài sẵn sàng và dễ dàng bỏ số tiền lớn để thâu tóm các chuỗi bán lẻ hiện hữu của nước ngoài và trong nước.
Điển hình, tập đoàn Central Group (Thái Lan) vừa mua lại toàn bộ chuỗi siêu thị Big C, trước đó họ đã mua 49% cổ phần chuỗi cửa hàng điện máy Nguyễn Kim. Hay như tập đoàn Aeon (Nhật Bản) mua 49% cổ phần chuỗi siêu thị Citimart và 30% chuỗi siêu thị Fivimart...
Thế nhưng, theo các chuyên gia, nếu doanh nghiệp trong nước cứ trông đợi vào sự bảo hộ từ hàng rào kỹ thuật của Nhà nước mà không sớm thay đổi tư duy để đổi mới sản xuất và quản trị hiệu quả hơn thì sẽ còn rất ít đất sống.
Đặc biệt, sau khi Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) hình thành, Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình dương (TPP) và các hiệp định thương mại tự do khác (FTA) có hiệu lực, rào cản thuế quan đối với hàng hóa nhập khẩu sẽ được xóa bỏ.
Ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội cảnh báo: "Cho đến nay Việt Nam đã mất quá nửa thị phần bán lẻ hiện đại và với chiêu thức trên, về lâu dài, các nhà bán lẻ trong nước không đủ sức chạy đua và dễ bị doanh nghiệp nước ngoài thâu tóm.
Một khi họ chi phối được hệ thống bán lẻ, làm chủ đầu ra của hàng hóa, những nhà sản xuất vừa và nhỏ Việt Nam sẽ không chống chọi nổi, chấp nhận làm hàng gia công hoặc không cạnh tranh được với hàng Thái vốn có nhiều điểm tương đồng với hàng Việt sẽ phải “bán mình” cho doanh nghiệp Thái".
Ông Lê Huy Khôi, chuyên gia Viện Nghiên cứu thương mại cho rằng, các doanh nghiệp bán lẻ cần nghiên cứu và tận dụng, khai thác có hiệu quả những phân khúc thị trường mà chúng ta có lợi thế so với các doanh nghiệp nước ngoài như phát triển loại hình siêu thị chuyên doanh (FPT, Trần Anh, Thế giới di động…).
Bên cạnh đó, cũng theo ông Khôi, chợ truyền thống vẫn chiếm vị trí quan trọng trong thói quen mua sắm của người tiêu dùng Việt Nam, do vậy các doanh nghiệp bán lẻ cũng cần phải nghiên cứu, xây dựng chiến lược dài hạn nhằm phát huy và khai thác tốt tiềm năng khu vực thị trường này.
Ngân Giang (Tổng hợp)