Đạo diễn Lê Đức Tiến - nguyên Giám đốc Hãng Phim truyện Việt Nam và Hãng phim Giải Phóng - gửi đến Zing.vn bài viết bàn luận về cách ứng xử của đại gia Thủy Nguyên với nghệ sĩ.
Những việc làm đầu tiên của ban lãnh đạo mới tại Hãng phim truyện Việt Nam mấy tháng qua hầu như không có gì đáng kể. Thứ nhất, họ không có các phương án sản xuất phim nhằm tạo ra việc làm và sản phẩm cho cán bộ - văn nghệ sĩ. Ho dự kiến chỉ làm 2 phim/ năm: một phim điện ảnh và một phim truyền hình.
Thứ hai, họ sáp nhập các phòng ban, di chuyển kho đạo cụ nhằm giải phóng, nhà xưởng để cho thuê kiếm tiền. Thứ ba, họ loay hoay tìm cách trả lương cán bộ - công nhân viên thấp như thời kỳ trước cổ phần hóa. Những điều đó đủ thấy "tầm" của ban lãnh đạo mới như thế nào.
Không tưởng tượng nổi những gì lãnh đạo mới đang làm
Thời điểm hiện nay điện ảnh Việt Nam phát triển phong phú, đa dạng, mỗi tuần có một phim mới ra rạp. Vài chục kênh truyền hình TW và địa phương sản xuất hàng năm vài nghìn tập phim mới, một công ty phim tư nhân tầm trung bình cũng có thể sản xuất vài phim chiếu rạp, trăm tập truyền hình.
Và ngay cả Hãng phim truyện Việt Nam trong thời kỳ “bết bát” nhất cũng sản xuất một hoặc 2 phim truyện nhựa, vài đầu phim video,… Ngược lại, “ông chủ” mới của Hãng phim truyện Việt Nam - hãng phim đầu đàn - chỉ “khiêm tốn” đặt chỉ tiêu một phim điện ảnh và một bộ phim truyền hình trong năm.
Không hiểu “ông chủ” này sẽ lấy đâu ra tiền đảm bảo cam kết 90% doanh thu hàng năm là từ sản xuất phim? Và ông lấy đâu ra công ăn việc làm cho 80 cá bộ - nghệ sĩ của hãng? Hay là ông áp dụng chiến thuật “lùi chậm, thắng chắc”, phim bán được 2 vé trở lên ông mới làm?
Cán bộ - nghệ sĩ trong Hãng phim truyện Việt Nam, giới điện ảnh cả nước, và cả quần chúng mến mộ, yêu mến điện ảnh nước nhà không khỏi ngỡ ngàng, không tưởng tượng nổi những gì ông chủ của Công ty Đầu tư và Phát triển Phim truyện Việt Nam phát biểu, qua những lần tiếp xúc với nghệ sĩ trong hãng.
Còn nữa, ông Thủy Nguyên đang áp dụng công nghệ cao: điểm danh nghệ sĩ đến cơ quan bằng dấu vân tay. “Thật văn minh và hiện đại”. Điều sống còn đối với hãng phim là sản xuất phim, là tác phẩm thì không thấy bàn, mà chỉ loanh quanh bàn chuyện trả lương.
Về định hướng thời gian tới, Chủ tịch VIVASO cho biết ông sẽ cho đập toàn bộ dãy nhà bên ngoài, toàn bộ sân đằng trước của Hãng phim truyện Việt Nam cũng sẽ bị phá hết, có thể sẽ xây dựng rạp chiếu phim.
Ông nói tới chuyện đập phá 4 Thụy Khuê để xây dựng lại hãng, xây rạp chiếu phim một cách hồn nhiên, trong ngày một ngày hai. Không hiểu ông đã tìm hiểu xem nơi đây có nằm trong quy hoạch của Chính phủ và TP Hà Nội hay không, có được phép xây dựng hay không, khi đất chưa được giao, mà mới chỉ là đất thuê?
Và xây rạp chiếu phim thì cạnh tranh ra sao? Hiện nay Hà Nội đã tràn ngập các cụm rạp chiếu phim của các thương hiệu nổi tiếng của Lotte Cinema, CGV, Trung tâm chiếu phim Quốc gia, BHD , Galaxy...
Sáng kiến của các ông thì người ta đã triển khai từ nhiều năm trước, và ngay cả Hãng phim Giải Phóng tại TP.HCM , cụm rạp Cinebox với 3 rạp chiếu (nay là 6 rạp) đã hoạt động từ 20 năm trước.
Giới nghệ sĩ trong ngành và công chúng yêu mến điện ảnh Việt Nam hy vọng rằng sau khi đã quyết liệt “thâu tóm" Hãng phim truyện Việt Nam, ban lãnh đạo mới của Hãng sẽ triển khai những việc tối thiểu như sau: gặp gỡ cán bộ - nghệ sĩ bàn về các dự án phim mới và thúc đẩy, tạo điều kiện cho các nghệ sĩ thực hiện các ý tưởng của mình.
Họ muốn thấy định hướng sản xuất phim với các dòng phim chủ đạo của hãng, đặc biệt chú trọng sản xuất phim chiếu rạp nhằm chiếm lĩnh thị trường, định hướng đề tài cho đội ngũ sáng tác, đẩy mạnh hợp tác làm phim với các đối tác trong và ngoài nước.
Các nghệ sĩ mong muốn mở hướng sản xuất phim cho các đài truyền hình, đầu tư, tạm ứng cho đạo diễn, biên kịch đi sáng tác viết kịch bản, mở rộng các hình thức kinh doanh điện ảnh khác…
Đó là những điều tối thiểu. Còn như với lãnh đạo có tâm và có tầm, sẽ nghĩ tới những giải pháp trước mắt và lâu dài để đưa hãng phát triển, tới củng cố và đào tạo đội ngũ cán bộ - nghệ sĩ điện ảnh.
Quan trọng hơn nữa là đưa thương hiệu Hãng phim truyện Việt Nam mạnh mẽ như trước đây và đóng góp hơn nữa cho sự phát triển của nền điện ảnh nước nhà, trong thời kinh tế thị trường, phát triển và hội nhập.
Chẳng nghệ sĩ nào thắc mắc nếu được làm phim
Cán bộ, nghệ sĩ Hãng phim truyện Việt Nam lâu nay chẳng ai sống bằng đồng lương (vốn đã thấp trong ngành văn hóa) mà bằng sản phẩm, bằng thành quả lao động nghệ thuật qua các tác phẩm của mình.
Thời gian qua, không có phim vào sản xuất, đời sống nghệ sĩ gặp nhiều khó khăn, nhiều người phải làm thêm nghề bán hàng, làm bánh, buôn gạo để tồn tại. Nhiều người chuyển cơ quan, hoặc bỏ nghề. Nếu là người lãnh đạo có văn hóa và có tâm phải nhận thấy đấy là khuyết điểm của mình và nhận lỗi trước anh em.
Bởi vì trách nhiệm của lãnh đạo là phải lo công việc cho anh em, lo cho năng lực sáng tạo của mỗi cán bộ - công nhân viên được phát huy và đạt thành tựu.
Nhiều năm qua, ở Hãng phim truyện Việt Nam, ban Giám đốc trả lương, cắt lương tùy tiện, dù có tháng chỉ trả 500.000đ/người. Cán bộ, nghệ sĩ bất bình ngán ngẩm, nhưng lắc đầu cho qua vì còn chút tình đồng nghiệp, thông cảm với lãnh đạo là nghệ sĩ.
Đối với ban lãnh đạo mới, không có sự cảm thông ấy. Tự xưng là “ông chủ”, tuyên bố “không thiếu tiền” thì cán bộ - nghệ sĩ có quyền đòi hỏi một cách sòng phẳng. Đó là phải thực hiện những cam kết của mình, xứng tầm là người lãnh đạo.
Có thể thấy ban lãnh đạo mới của Hãng phim truyện Việt Nam chỉ loay hoay chú trọng về những phương thức trả lương mà quên rằng quan trọng hơn là tập trung làm phim - làm ra tác phẩm.
Đạo diễn, Nghệ sĩ Ưu tú Lê Đức Tiến - nguyên Giám đốc Hãng Phim truyện Việt Nam, nguyên giám đốc Hãng phim Giải Phóng
Sẽ chẳng có nghệ sĩ nào thắc mắc nếu họ được làm phim, vì phim chính là niềm say mê, là tình yêu và trách nhiệm của nghệ sĩ. Phim cũng mang lại thu nhập cho nghệ sĩ.
Trong một hãng phim, đạo diễn là những ông vua, cùng với các thành phần sáng tác như biên kịch, quay phim, hóa trang, phục trang… mới là những người chủ thực sự.
Đội ngũ nghệ sĩ làm ra sản phẩm, và viết nên lịch sử điện ảnh nước nhà chính là những tác phẩm. Trách nhiệm, vinh dự và vinh quang của người quản lý là làm tròn bổn phận “bà đỡ” cho những tác phẩm tra đời.
Người lãnh đạo có tầm văn hóa là người biết trân trọng, nâng niu những con người sẽ viết nên lịch sử của Hãng phim, biết tạo điều kiện, nâng đỡ để nghệ sĩ thực hiện những ý tưởng của mình.
Tiền rất quan trọng nhưng đừng đề cập tới nó một cách thô bạo trước mặt nghệ sĩ. Còn phương thức trả lương ra sao xin đừng “cân nhắc, trăn trở” một cách đối phó với nghệ sĩ vì nếu có trả 100% như bình thường thì vẫn quá ít ỏi so với lao động chất xám trong nghệ thuật.
Cách tiếp cận một đơn vị văn hóa - nghệ thuật mang tính đặc thù như Hãng phim truyện Việt Nam, tiếp cận độ ngũ nghệ sĩ của hãng như ban lãnh đạo mới vừa qua rất thiếu hiểu biết và vô cảm. Cũng có thể gọi là thiếu văn hóa chứ chưa nói đến thiếu tầm văn hóa của người lãnh đạo.
Ai cũng sẽ nhận ra đằng sau vấn đề cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam là gì. Đó là đất và quyền sử dụng đất.
Có lẽ VIVASO, cổ đông chiến lược của Hãng phim truyện Việt Nam, toan tính rằng sẽ khai thác được lợi thế sử dụng những khu đất vàng, đất bạc mà Hãng Phim truyện Việt Nam đang được giao, được thuê, để từ đó thu hồi vốn, kiếm lời.
Cần những nhà đầu tư ít nhất phải có văn hóa
Những nghệ sĩ của Hãng phim truyện Việt Nam đang dũng cảm kiên trì đấu tranh đòi hỏi nhà đầu tư chiến lược phải thực hiện cam kết của mình, đòi hỏi công khai, minh bạch trong tiến trình cổ phần hóa,… Đó là những yêu cầu rất chính đáng, được dư luận trong và ngoài ngành điện ảnh đồng tình, ủng hộ.
Và vì thế sẽ cần một thay đổi cơ bản về quan điểm khi tiến hành cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam. Đó là cần những nhà đầu tư có tầm văn hóa, hoặc ít nhất phải có văn hóa.
Làm nên thương hiệu hãng phim là tác phẩm và con người, chứ chẳng phải tiền bạc, chẳng phải cơ ngơi hoành tráng. Trong thời đại kinh tế tri thức và cách mạng công nghệ lần thứ 4, càng cần phát huy yếu tố con người và chất xám, nhằm tạo nên những sản phẩm xuất sắc, khác biệt.
Hành xử của Ban lãnh đạo mới Hãng phim truyện Việt Nam với những toan tính về kinh tế và lợi nhuận, coi thường văn nghệ sĩ thật không đủ tầm kiến thức và văn hóa để bước vào ngôi đền thiêng của nghệ thuật thứ 7.
Tiền rất quan trọng, mua được nhiều thứ, nhưng không mua được lẽ phải và niềm tin. Tầm văn hóa càng không mua được bằng tiền.
Nguồn: ZING