Tình trạng sử dụng đất công trên địa bàn TP.HCM đang “nóng” hơn bao giờ hết. Đặc biệt, mới đây, vụ việc công ty TNHH MTV Đầu tư và Xây dựng Tân Thuận (100% vốn Nhà nước) chuyển nhượng hơn 30ha đất công tại huyện Nhà Bè cho công ty Cổ phần Quốc Cường Gia Lai với giá "bèo" khiến dư luận bức xúc.
Theo đó, phía Tân Thuận đã chuyện nhượng phần diện tích đã được đền bù thuộc khu dân cư Phước Kiển, với giá là 1,29 triệu đồng/m². Vụ việc đã gây xôn xao giới bất động sản nói riêng và dư luận tại TP.HCM thời gian qua nói chung. Đồng thời, việc này dấy lên nghi vấn có hay không chuyện “đi đêm” giữa các doanh nghiệp. Sau đó, ban Thường vụ Thành uỷ TP.HCM đã vào cuộc và chỉ đạo dừng "giao kèo" này, yêu cầu Tân Thuận trả lại tiền, huỷ hợp đồng đã ký.
Đây chỉ là một trong rất nhiều vụ việc liên quan đến sử dụng đất công tại TP.HCM. Bởi, trên thực tế còn nhiều vụ việc chưa thể giải quyết, dẫn đến tình trạng lãng phí, lợi ích nhóm….
Tân Thuận đã chuyển nhượng phần diện tích đã được đền bù thuộc khu dân cư Phước Kiển cho Quốc Cường Gia Lai với giá rẻ 1/6 thị trường.
Ví như, khu đất rộng 2.000m2 (địa chỉ 360 xa lộ Hà Nội, quận 9) cho công ty TNHH Colas Việt Nam thuê để làm nhà xưởng, kinh doanh nhưng khi hết thời hạn trả đất, doanh nghiệp này không thực hiện mà lại tự ý cho một doanh nghiệp khác thuê lại.
Theo tìm hiểu của PV, khu đất công tại địa chỉ 535 đường An Dương Vương (phường 10, quận 6) có diện tích gần 4.300m² đã cho tư nhân thuê từ năm 2003 để làm nhà xưởng. Tuy nhiên,… giá thuê đất đang áp dụng từ năm 1994 và đang tính giá thuê theo tuyến hẻm, dù đây là thửa đất giáp mặt tiền đường An Dương Vương. Với khu đất này, dù đã có chủ trương bán đấu giá, nộp ngân sách Nhà nước nhưng vẫn chưa thể thu hồi?.
Tương tự tại quận 6 còn có nhiều khu đất như: 215 Hậu Giang, 12 Cao Văn Lầu, 361 Đặng Nguyên Cẩn… vẫn chưa thể thu hồi được, mặc dù đây là tài sản công.
Bên cạnh các doanh nghiệp, đơn vị đang hưởng lợi thì còn đó không ít khu đất công lại bỏ hoang lãng phí. Đơn cử như khu đất có diện tích tới 1.700m², mặt tiền đường Phạm Văn Đồng, quận Bình Thạnh vẫn chưa rõ số phận.
Thông tin từ HĐND TP.HCM cho biết, trong năm 2017, đơn vị này đã tổ chức hơn 100 cuộc giám sát, đồng thời, có 36 cuộc tái giám sát tại 4 sở, 8 quận, huyện và 3 doanh nghiệp. Qua các cuộc giám sát đã xử lý, thu hồi 271 trong số 307 địa chỉ nhà đất thuộc sở hữu Nhà nước trên địa bàn, do không sử dụng đúng mục đích, không đúng công năng… với tổng diện tích gần 830.000m².
Báo cáo của sở Tài nguyên – Môi trường TP.HCM trong năm 2017 cho biết, trên địa bàn TP đang có 746 khu đất chưa có pháp lý và giao cho các cơ quan, ban ngành quản lý. Điển hình, công ty TNHH MTV Quản lý kinh doanh nhà TP đang quản lý 110 khu đất, công ty dịch vụ công ích các quận huyện quản lý 636 khu đất. Trong đó, có những đơn vị giữ rất nhiều đất công. Điển hình như công ty Dịch vụ Công ích quận 6 đang tạm quản lý tới… 132 khu đất.
Ông Phạm Đức Hải, Phó Chủ tịch HĐND TP.HCM cho biết: “Thông qua các cuộc giám sát cho thấy, trong quản lý và sử dụng đất công còn tồn tại nhiều vấn đề. Nổi lên có nhiều nhà đất thuộc sở hữu Nhà nước được hình thành qua nhiều giai đoạn, nhiều nguồn quản lý khác nhau… trong đó, có lúc có nơi bị buông lỏng quản lý trong thời gian dài”.
Mặt khác, “công tác quản lý, kê khai tài sản nhà - đất thuộc sở hữu Nhà nước thực hiện chưa tốt. Tình trạng liên doanh, liên kết còn nhiều bất cập, vẫn còn một số cơ quan đơn vị vì lợi ích cục bộ nên chưa xử lý dứt điểm việc cho thuê, bỏ trống, sử dụng lãng phí nhà - đất”, ông Hải cho biết thêm.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM cho rằng, phải làm mạnh tay, quyết liệt, đặc biệt là phải công khai minh bạch việc đấu thầu, đấu giá đối với đất công. Vì hiện nay, nguồn tài nguyên này đang bị lãng phí rất lớn, do đó phải kiểm kê, thu hồi, đấu giá, đấu thầu nhằm tạo nguồn vốn cho TP để tránh lãng phí. Đây là nguồn vốn lớn có thể giúp TP thực hiện nhiều dự án dân sinh cấp bách như chống ngập, kẹt xe, chỉnh trang đô thị….
Nguồn: Người đưa tin