Trao đổi với Tuổi Trẻ, Thứ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông Trương Minh Tuấn cho rằng mạng xã hội đang trở thành một “quyền lực” trong thời đại thông tin hiện nay.   Loại hình này đang phát triển mạnh và chiếm lĩnh ngôi đầu trong cung cấp thông tin cho độc giả.

Báo mạng đang có tình trạng “ngổn ngang” 

Báo mạng đang có tình trạng “ngổn ngang” - 0

Ông Trương Minh Tuấn - Ảnh: Đông Hà

Tuy nhiên, sự phát triển của loại hình thông tin này cũng đặt ra nhiều vấn đề đáng lưu ý.

Thứ trưởng Trương Minh Tuấn cho biết:

- Mạng xã hội cho phép người dùng giao lưu và chia sẻ thông tin hiệu quả, không phân biệt không gian và thời gian, cũng như cho phép cư dân mạng chia sẻ nhanh chóng thông tin.

Chính vì những đặc tính siêu việt đó, mạng xã hội đóng vai trò quan trọng trong xã hội thông tin và trở thành một quyền lực đối với xã hội. Chúng ta không thể biết vài chục năm nữa công nghệ thông tin sẽ phát triển tới mức độ nào, nhưng chắc chắn trong tương lai những công cụ như mạng xã hội sẽ chiếm lĩnh ưu thế thông tin.

Đầy rẫy tin tức khiêu dâm, bạo lực

* Vấn đề đặt ra với mạng xã hội hiện nay là gì, thưa thứ trưởng?

- Việt Nam hiện nay có 30 triệu người dùng mạng xã hội, đó là nhu cầu không thể ngăn cấm. Nhưng quản lý mạng xã hội như thế nào để vừa đảm bảo nhu cầu vừa an toàn, an ninh thông tin.

Đây là vấn đề phức tạp không chỉ ở Việt Nam mà cả ở thế giới, bởi hiện nay chúng ta phải đối mặt với những mặt trái của mạng xã hội như: vi phạm quyền nhân thân, bản quyền...

Những vấn đề này đang làm đau đầu tất cả nhà quản lý. Ở Việt Nam, tình trạng này khá phổ biến do ý thức cư dân mạng, nhận thức pháp luật... còn kém và rất nhiều yếu tố khác.

* Xin thứ trưởng cho biết vấn đề hiện nay trong sự phát triển của các báo điện tử, trang thông tin điện tử là gì?

- Quy hoạch báo chí toàn quốc đến năm 2025 xác định báo điện tử và mạng xã hội đóng vai trò chủ đạo, đó là tầm nhìn chiến lược. Những người nghiên cứu về truyền thông luôn đặt câu hỏi báo in liệu có “chết” hay không? Tôi nghĩ đó là câu hỏi xác đáng vì khoa học công nghệ ngày càng phát triển nhanh chóng đến mức vòng đời của những phát minh chỉ còn lại vài thập kỷ.

Có thể khẳng định hiện nay báo điện tử đang phát triển rầm rộ với lượng thông tin áp đảo hằng ngày. Thế nhưng trong thực tế thời gian qua, báo điện tử đã bộc lộ những vấn đề: vi phạm bản quyền, xâm phạm đời tư, phỉ báng gây tổn hại danh dự cá nhân, quảng cáo trá hình, ngụy tạo hình ảnh và siêu liên kết với các mạng ngoài...

Xã hội sẽ bị phơi nhiễm bởi ngày nào trên mạng cũng đầy rẫy tin tức khiêu dâm, bạo lực theo dạng “bỏng mắt", “đắng lòng”. Đây là những nhóm vấn đề nghiêm trọng nhất của báo mạng hiện nay.

Tôi dẫn ngay sự việc vừa mới xảy ra để minh chứng những vấn đề của báo mạng và mạng xã hội hiện nay. Cụ thể mấy ngày qua, từ những thông tin chưa được kiểm chứng, hàng loạt báo điện tử và mạng xã hội đã đưa tin về tình trạng sức khỏe của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phùng Quang Thanh.

Cơ quan báo chí, nhà báo nên nhớ về mặt nghiệp vụ nguồn tin là vấn đề quan trọng nhất. Hơn nữa trong trường hợp này, nhiều cơ quan báo chí và cá nhân sử dụng mạng xã hội đã vi phạm quyền được tôn trọng bí mật riêng tư, quyền được cung cấp thông tin về hồ sơ bệnh án... theo Luật khám bệnh, chữa bệnh.

Một vụ việc khác ở cùng thời điểm nói trên là thông tin về hai vụ án mạng xảy ra ở Bình Phước, Nghệ An. Ngoài vấn đề luật pháp, có thể thấy hàng loạt tờ báo đã vi phạm nghiêm trọng đạo đức nghề nghiệp khiến dư luận bức xúc. Chưa thể khẳng định đạo đức nghề nghiệp hiện nay đang xuống mức thấp nhất, nhưng tình trạng nói trên đang ở mức báo động khẩn cấp.

Phải chế tài mạnh

* Vậy sắp tới cơ quan quản lý nhà nước về báo chí sẽ có những biện pháp gì để quản lý cho phù hợp, thưa thứ trưởng? Mỗi cư dân mạng, người làm báo, cơ quan chủ quản cần có trách nhiệm, ý thức như thế nào để góp phần làm sạch môi trường thông tin?

- Chúng ta có thể thấy một thực trạng Internet Việt Nam phát triển quá nhanh nên ý thức pháp luật, pháp chế, thực hiện pháp luật, vi phạm pháp luật và trách nhiệm pháp lý đối với lĩnh vực này có nhiều vấn đề tồn tại.

Ý thức pháp luật thường lạc hậu hơn tồn tại xã hội là chuyện bình thường, nhưng phải được điều chỉnh theo lộ trình nhanh nhất.

Những gì luật đã quy định nhưng việc thực hiện lỏng lẻo thì cần phải giáo dục nâng cao ý thức pháp luật, có biện pháp chế tài chặt chẽ. Những gì luật chưa theo kịp nhu cầu thực tế thì cần phải bổ sung cho phù hợp, xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, xây dựng chế tài mạnh...

Dứt khoát tình trạng ngổn ngang như hiện nay của báo điện tử, trang tin điện tử, mạng xã hội phải được lập lại trật tự.

Hơn ai hết, cơ quan báo chí, nhà báo cần phải nâng cao ý thức pháp luật và thực hiện pháp luật 
nghiêm túc. Đối với các mạng xã hội có chủ thể ở nước ngoài như Facebook, Google... và người dùng ở Việt Nam, chúng tôi sẽ buộc phải hoạt động theo đúng pháp luật Việt Nam.

Ngoài ra, sắp tới đây khi Luật bổ sung một số điều của Luật báo chí được thông qua, cơ quan chủ quản sẽ xây dựng Quỹ start-up trên lĩnh vực công nghệ, hỗ trợ và khuyến khích các đơn vị, tổ chức xây dựng những cộng đồng thuần Việt, phục vụ lợi ích của xã hội, lợi ích quốc gia dân tộc một cách có 
trách nhiệm.

Báo chí “thảm sát”

Theo thống kê của cơ quan chức năng, liên quan đến sự kiện thảm sát ở Bình Phước, từ ngày 7 đến 17-7-2015 có 1.698 tin bài trên các báo. Trong đó có những tin bài thông tin tiêu cực như mô tả chi tiết tội ác rùng rợn, tự suy diễn, đặt nghi vấn, khai thác thông tin nạn nhân, khai thác thân nhân nạn nhân, tiêu đề phản cảm...

Theo Tuổi Trẻ Online




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC