Bé lớp 3 chết vì đói và 800 tỷ để đổi mới sách giáo khoa  Gia cảnh nghèo túng của gia đình bé Nhung trong đám tang của em.  Ảnh:  Báo Pháp luật.  

Bé Nhung ra đi rồi, tìm trong nhà không có một manh áo tử tế cho cháu mặc, bát cơm cúng cũng phải nhờ hàng xóm mang gạo đến cho.

 Đến hôm nay thì bé Phạm Thị Nhung ở Đức Bồng (Hà Tĩnh) có lẽ đã mồ yên mả đẹp. Thôi thế cũng xong một kiếp con người. Bé gái mất đi vì một tai nạn thương tâm mà nguyên do là vì cái đói. Trong khi đó, những con số 34 ngàn tỷ và 800 tỷ để đổi mới sách giáo khoa (SGK) vẫn nhảy múa trên các trang báo.

Có lẽ nhiều người cũng đã biết về cái chết của bé Nhung- một học sinh lớp 3 ở Hà Tĩnh, sáng em phải nhịn đói đi học, đến 10 giờ thì mệt quá muốn xỉu đi, cô giáo cho em uống hộp sữa rồi gọi bố đến đưa về. Em đạp xe qua cầu, có lẽ vì choáng đã va vào thành cầu rồi rớt xuống sông chết đuối, bố nhảy xuống vớt con thì đã muộn.

Câu chuyện làm cho ai đọc đến cũng thấy sốc, cũng thấy đau như đứt ruột. Vì đến khi bé Nhung ra đi rồi, tìm trong nhà không có một manh áo tử tế cho cháu mặc, bát cơm cúng cũng phải nhờ hàng xóm mang gạo đến cho. Nhà em vẫn nghèo rớt mùng tơi nhưng đã được xã cho ra khỏi diện nghèo để lên hộ cận nghèo vì thu nhập cả nhà 6 miệng ăn này đã được 4 triệu đồng/tháng.

Thoát nghèo để lên “hộ cận nghèo”. Những khái niệm ấy xa lạ với hầu hết những ai đang sống ở thành phố. Chính quyền xã phân bua nói rằng họ không có lỗi. Cha mẹ em cũng không có lỗi. Bé Nhung chết chỉ vì tai nạn thôi. Nhưng cái đói là có thực, cái đói có lỗi, cái đói đã khiến một đứa trẻ không thể học nổi, phải bỏ dở buổi học giữa chừng.

Cái đói đã khiến một đứa bé nghèo rơi xuống sông chết thảm. Trong cả nước này, liệu còn bao nhiêu đứa học trò như thế, bụng rỗng đi học, đi chân đất đi học, mặc áo quần rách đi học, và bữa đói bữa no?

Người viết bài này đã từng biết những đứa học trò gia cảnh nghèo túng, đã từng biết những ngôi trường lớp liêu xiêu dột nát, những đứa bé mẫu giáo ngồi trong lớp mà chân vẫn dẫm trong bùn, những đứa bé phải nhờ dự án thiện nguyện cộng đồng “Cơm Có Thịt” mới khỏi bắt chuột để ăn. Và đương nhiên cũng biết trên các phương tiện truyền thông về những dự án hàng ngàn tỉ bị đội vốn khổng lồ.

Không chỉ là chuyện dự án của Bộ GDĐT mà thôi, mỗi ngày, bao nhiêu lĩnh vực, có hàng trăm hàng ngàn dự án được ký duyệt, được thông qua, được rót tiền. Nếu những người có địa vị và quyền lực nghĩ đến những người nghèo mỗi ngày một nghèo hơn, những đứa bé nhịn đói đi học, có đứa như bé Nhung- ngã xuống sông mà chết, thì họ có thay đổi chút gì không? Có tiêu tiền dự án trách nhiệm hơn không?  

Tôi ước ao làm sao từ đây, trước khi đệ trình một dự án ngàn tỷ, ký duyệt một đề án ngàn tỷ trong ngành giáo dục, những người có trách nhiệm hãy nhớ đến bé Nhung trong một vài giây phút. Họ đang chi tiêu những đồng tiền thuế của dân, trong đó có cả những người dân nghèo và rất nghèo.

Tiền ngân sách vẫn lãng phí ở đâu đó hàng trăm hàng ngàn tỷ đồng và ở đâu đó, những đứa bé nghèo như Nhung, vẫn chết vì đói, vì bệnh, ai biết đó là đâu.  

Mi An    




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC