Các bệnh tim mạch bao gồm cả nhồi máu cơ tim và đột quị hiện đang là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu thế giới. Theo tổ chức Y tế thế giới, năm 2005 đã có khoảng 17 triệu người chết vì các bệnh tim mạch.
Làm sao biết tim đang bị bệnh?
Có rất nhiều triệu chứng cơ năng gợi ý cho người bệnh biết mình bị bệnh tim mạch và cần phải đi khám ở bệnh viện hay phòng khám. Biểu hiện hay gặp nhất của thiếu máu cơ tim cục bộ là khó chịu ở lồng ngực bên trái và nặng hơn là đau thắt ngực.
Còn giảm khả năng làm việc của cơ tim sẽ dẫn đến cảm giác yếu, dễ mệt, nhất là khi hoạt động; nặng hơn là xanh tím, tụt huyết áp, ngất và tăng áp lực động mạch phổi, suy tâm thất trái… đưa đến phù và khó thở.
Các triệu chứng cơ năng mà người bệnh gặp phải thường tăng lên khi hoạt động nhiều, gắng sức, trong trạng thái xúc động… Hiếm khi xuất hiện lúc nghỉ ngơi.
Phòng tránh các yếu tố gây nguy cơ tim mạch
Bệnh lý tim mạch là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong. Ngoài yếu tố bẩm sinh, đa số trường hợp mắc bệnh là do sai lầm trong lối sống. Vì vậy những chứng cứ khoa học ngày nay cho thấy có tới 80% các bệnh tim mạch có thể phòng ngừa được. Một chế độ ăn hợp lý, họat động thể lực điều đặn và không hút thuốc là nền tảng vững chắc để phòng ngừa các bệnh tim mạch.
Các yếu tố bẩm sinh gây nguy cơ tim mạch, không thể thay đổi được là tuổi cao, giới tính và di truyền. Tuổi càng cao thì nguy cơ bệnh tim mạch càng tăng. Một thống kê ở Mỹ cho thấy cứ 5 người chết do bệnh tim mạch thì có tới 4 người trên 65 tuổi. Trong độ tuổi từ nhỏ đến trung niên, nam bị bệnh tim mạch nhiều hơn nữ, nhưng đến tuổi mãn kinh thì tỉ lệ bệnh tim mạch ở nữ xấp xỉ ở nam. Nhiều nghiên cứu cho thấy nếu bố mẹ hay anh chị em bị bệnh tim thì con cái, anh chị em ruột có nhiều nguy cơ mắc bệnh.
Thay đổi các sai lầm trong lối sống có thể hạn chế biến chứng và giảm nguy cơ tử vong do bệnh lý tim mạch. Cụ thể, người hút thuốc lá có nguy cơ bị bệnh tim mạch cao gấp 2-4 lần người không hút thuốc. Người béo phì dễ bị tăng cholesterol máu, tăng huyết áp và là nguy cơ của bệnh tim mạch, nhất là béo phì kèm theo béo bụng. Vận động giúp làm giảm cholesterol máu và hạ huyết áp. Vì vậy người ít hoặc không vận động có nhiều nguy cơ bị bệnh tim mạch hơn so với người năng vận động, rèn luyện cơ thể. Rượu làm tăng huyết áp, tăng triglicerid máu, gây nguy cơ nhồi máu cơ tim và đột quỵ. Người bệnh tim mà làm các công việc căng thẳng, thường xuyên bị stress thì tần số cơn đau thắt ngực sẽ tăng lên.
Bên cạnh đó, một số bệnh mãn tính cũng làm tăng nguy cơ tim mạch. Những bệnh nhân bị kết hợp hai loại bệnh kiểu này, tỷ lệ tử vong tăng từ 2 – 4 lần so với những người bị bệnh tim mạch đơn thuần. Ví như ở người bệnh tăng huyết áp, thành mạch máu thường bị vữa xơ nên rất kém co giãn, tăng nguy cơ tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim.
Hay một nghiên cứu đã chỉ ra rằng, hơn 65% người đái tháo đường bị tử vong vì bệnh tim mạch. Uống thuốc viên ngừa thai sẽ làm tăng nhẹ nguy cơ nhồi máu cơ tim sớm ở nữ giới, nếu kèm thêm hút thuốc lá thì nguy cơ này tăng lên rất nhiều lần. Trong giai đoạn mang thai nếu bị tiền sản giật, đái tháo đường, hoặc người sinh con nhẹ cân cũng tăng nguy cơ nhồi máu cơ tim sớm.
Cần kiểm soát chặt chẽ các chỉ số
Phải biết số đo huyết áp: Cao huyết áp thường không có triệu chứng nên bạn rất dễ bỏ qua, không quan tâm, nhưng chúng có thể thình lình dẫn tới nhồi máu cơ tim và đột qụi. Bạn nên kiểm tra ngay huyết áp của mình.
Phải biết lượng đường trong máu: Lượng đường trong máu tăng, tiểu đường làm tăng nguy cơ nhồi máu cơ tim và đột qụi. Nếu bạn bị tiểu đường thì điều cực kỳ quan trọng là phải kiểm sóat huyết áp và lượng đường trong máu ở mức độ phù hợp nhằm làm giảm nguy cơ các bệnh tim mạch.
Phải biết lượng mỡ trong máu: Lượng cholesterol tăng dẫn tới nguy cơ nhồi máu cơ tim và đột qụi. Do vậy cần kiểm soát lượng cholesterol trong máu thông qua chế độ ăn phù hợp, và nếu cần bạn phải dùng thuốc.
Theo VNN.