Những ngày này, dư luận đang rất quan tâm về Phạm Ngọc Lâm, ông chủ của Tập đoàn Đức Khải quyết tâm đầu tư mua 100 chiếc tàu đánh cá
Đạo Phật có câu: “Có những người từ ánh sáng bước vào bóng tối - có những người từ bóng tối vĩnh viễn bước vào bóng tối - có những người từ bóng tối bước ra ánh sáng và có những người từ ánh sáng vĩnh viễn ở trong ánh sáng”.
Phạm Ngọc Lâm là 1 người từ bóng tối bước ra ánh sáng - rồi lại từ ánh sáng bước vào bóng tối và lại từ bóng tối bước ra ánh sáng.
Đây là một con người có số phận khá kỳ lạ và là một người vươn lên trong làm ăn kinh tế cũng với những cách làm không giống ai. Nhưng xuyên suốt quá trình trở thành đại gia thì bất cứ ai đã từng biết Phạm Ngọc Lâm đều dễ dàng nhận thấy rằng đây là một người có tấm lòng nhân ái, luôn luôn trăn trở và đau với nỗi đau của những người nghèo. Bởi lẽ Phạm Ngọc Lâm đã xuất thân từ một người dưới tận đáy của xã hội.
Nhân dịp này, chúng tôi xin trích đăng lại một số đoạn viết về Phạm Ngọc Lâm trong phóng sự của nhà báo Nguyễn Như Phong về vụ án Tân Trường Sanh nổi tiếng.
Phạm Ngọc Lâm đúng là đã có một "tuổi thơ dữ dội"
Sinh năm 1968 trong một gia đình nghèo rớt mùng tơi, cha là thương binh hạng 2/4. Năm Lâm được 12 tuổi thì ông Nho và bà Liễu lần lượt qua đời vì bệnh tật, để lại mấy chị em rau cháo nuôi nhau. Là con thứ ba trong nhà và tuy còn ít tuổi, nhưng Lâm có vóc dáng cao lớn và khỏe nhất nên tất cả công việc nặng nhọc là Lâm gánh vác.
Năm 1983, khi mới 15 tuổi, Lâm bỏ học lớp 8 và đi làm lơ xe trên tuyến Bình Thuận - Sài Gòn. Chủ xe là bà Sáu Dú, vốn quen biết với gia đình Lâm. Là người có sức khỏe lại hiền lành, không cờ bạc, hút sách, nhậu nhẹt nên Lâm được gia đình chủ xe quý lắm, thậm chí còn tin cậy hơn con đẻ. Tiền nong giao cho Lâm là không bao giờ phải lo lắng.
Những lúc rỗi rãi, Lâm học lái xe và sửa chữa ô tô, xe máy. Vốn sáng dạ lại cần cù chịu khó nên chỉ hai năm sau, Lâm trở thành một tay lái cừ và là tay thợ giỏi.
Là một người bị mồ côi cha mẹ từ nhỏ, cuộc sống lại luôn luôn thiếu thốn nên Phạm Ngọc Lâm thường có mặc cảm và lúc nào trong đầu cũng có khát vọng làm giàu. Bà Sáu Dú biết được điều đó nên cứ an ủi, động viên Lâm cố gắng làm ăn. Cái lý của bà là "tiểu phú do cần, đại phú do thiên" - muốn ăn no mặc lành thì chịu khó lao động, còn muốn làm giàu thì phải do Trời, nghĩa là phải có cơ hội.
Nhưng Phạm Ngọc Lâm thì lại cho rằng, muốn có cơ hội thì phải biết tìm kiếm cơ hội và vì thế, năm 1983, ăn tết Quý Hợi xong, Lâm gạt nước mắt xin phép bà Sáu cho Lâm vào Sài Gòn để tìm kiếm con đường lập nghiệp.
Phải để Lâm ra đi, bà Sáu tiếc lắm nhưng không ngăn cản Lâm và bà đã cho Lâm 200.000 đồng để làm chút vốn mọn. Sau này, bà Sáu cũng là người theo dõi từng bước đi nước bước của Lâm và bà hết sức vui mừng khi thấy Phạm Ngọc Lâm đã hết sức giàu có. Khi Phạm Ngọc Lâm bị bắt, bà bàng hoàng mất mấy ngày và không thể nào tin nổi.
Rồi cũng chính bà đã lặn lội đi đến những nơi mà Lâm đã đóng góp tiền từ thiện xin lại từng tờ hóa đơn. Bà hy vọng rằng, sau này tòa án sẽ xem xét đến những việc làm của Lâm.
Lâm về TP HCM và đi làm thuê cho một cửa hàng sửa chữa, tân trang xe máy. Thế rồi đến cuối năm 1993, do bán ô tô theo cách mua xe “xi – cơn – hen” rồi tân trang lại, Lâm kiếm được những khoản tiền khá lớn. Do buôn bán ô tô mà Lâm quen biết với một tầng lớp mới – đó là những thương gia và trong đó cả những người đang tìm cách đánh hàng từ nước ngoài về.
Một vài người sau những lần gặp gỡ Lâm đã có cảm tình và đặc biệt họ có cảm giác tin tưởng được ở con người này, vì thế, họ đã “mách nước” cho Lâm là cần phải lập Công ty TNHH. Có tư cách pháp nhân thì mới dễ làm ăn.
Nghe lời họ, Lâm thành lập Công ty TNHH Anh Lâm vào tháng 4-1994 với chức năng kinh doanh sản phẩm công nghệ giao thông vận tải và bắt tay kinh doanh một loại hàng mới – đó là xe máy chuyên dụng như máy ủi, máy húc, xe lu… Phải công nhận là khi mở hướng kinh doanh loại hàng này, Lâm đã chứng tỏ mình có đầu óc nhạy bén với thương trường.
Xe máy công cụ nhập về là loại hàng Nhà nước khuyến khích nhập, thuế suất gần như bằng “không”. Hơn nữa, trong những năm này, việc xây dựng các công trình lớn đang phát triển với tốc độ chóng mặt. Cách xây dựng bằng những phương tiện thủ công lạc hậu đã không còn đáp ứng được tiến độ thi công cũng như chất lượng công trình vì thế đòi hỏi phải có phương tiện thi công hiện đại có năng suất lao động cao.
Lập Công ty Anh Lâm xong, Lâm tìm cách móc nối với một số Việt kiều tại Nhật, Mỹ, Ôxtrâylia, Hồng Kông và đi tìm kiếm nguồn hàng…
"Buôn bán hàng xe máy công cụ xây dựng lời lắm anh ạ. Ở Nhật, Hàn Quốc, có những bãi xe máy chuyên dụng thải loại. Thấy mình đến mua, họ rất mừng. Giá cả thì rẻ như cho, tiền mua không bằng tiền vận chuyển. Anh tính coi, mua một chiếc xe gạt nền nhiều cái giá không bằng chiếc xe Dream, mang về, tân trang lại, bán hai ba trăm triệu… Lãi suất nhiều khi lên tới… năm trăm phần trăm (500%). Nhưng quan trọng nhất là các nơi họ cho mình thanh toán theo kiểu L/C trả chậm. Hàng nhập về, bán xong trả tiền cho nên vốn không phải bỏ."
Làm kinh tế với nước ngoài mà không cần... phiên dịch
Từ năm 1995 đến năm 1997, Lâm đã 12 lần đi ra nước ngoài và khi đi, không bao giờ có thư ký hay phiên dịch. Không thể tính được là Lâm đã ký bao nhiêu hợp đồng mua bán với 8 công ty nước ngoài, bởi lẽ, khi thấy sự việc đổ bể, Lâm đã cho đốt sạch tất cả những hồ sơ liên quan. Chỉ riêng kinh doanh xe máy chuyên dụng, Phạm Ngọc Lâm đã giàu nứt đố đổ vách.
Có tiền, sang năm 1995, Lâm thành lập Công ty TNHH Anh Lâm 2 ở Bình Thuận với số vốn là hơn 4 tỷ đồng và đăng ký ngành nghề kinh doanh là dịch vụ vận tải công cộng, trang thiết bị phụ tùng xe máy vận tải… Năm 1997, Lâm lại bỏ 4 tỷ đồng để thành lập Công ty TNHH Gia Lâm ở TP HCM và công ty này làm nhiều việc như thương mại, đầu tư xây dựng, kinh doanh nhà ở, kinh doanh máy móc ngư cơ, điện lạnh, điện tử, vật liệu xây dựng, buôn bán ô tô…
Từ năm 1995, Lâm quen Trần Quang Vũ là con trai lớn của Trần Đàm, ông chủ của công ty Tân Trường Sanh. Lâm và Vũ cùng nhau mở cửa hàng ở đường 3 tháng 2 buôn bán ô tô. Nhưng được vài tháng thì hai bên đành chia tay nhau vì Lâm không thể chịu nổi cái tính làm ăn lừa lọc của Vũ, và cũng phát hiện ra Vũ chỉ là cái bóng của Trần Đàm. Vũ không được quyền quyết định cái gì cả mà nhất nhất phải hỏi ý kiến cha.
Và chính từ sự chia tay này, Trần Quang Vũ đã quyết định trừ khử Lâm, hòng dẹp đi một đối thủ cạnh tranh nặng ký trên thương trường. Một vụ tai nạn ô tô được Trần Quang Vũ sắp đặt hoàn hảo, nhưng Lâm thoát chết nhờ một sự may mắn lạ kỳ. Từ đó trở đi, Lâm hết sức cảnh giác mỗi khi đi ra ngoài.
Trong quan hệ làm ăn, có một người rất quý Lâm nữa là Phùng Long Thất. Về mối quan hệ Lâm - Thất, có thể khẳng định là mối quan hệ “trên mức thân thiết”. Thất quý Lâm vì sự trung thực tử tế và tạo điều kiện cho Lâm làm ăn như giới thiệu Lâm với Cục Hải quan Cần Thơ… Thất cũng là người đứng ra làm hòa giải giữa Vũ và Lâm, nhưng cuộc hòa giải không thành.
Khác với nhiều chủ doanh nghiệp là khi có tiền thì hoặc ăn chơi “bán giời không văn tự” hoặc keo kiệt “đo lọ nước mắm, đếm củ dưa hành”, còn Lâm sống khác hẳn. Không ăn chơi bừa bãi, không mua sắm cho mình những thứ đồ quý giá đắt tiền và không bồ bịch, trăng gió. Với con gái, Lâm được tiếng là người “chơi đẹp”.
Không quên gốc gác nghèo khổ của mình – đó là tính tốt của Lâm – vì thế Phạm Ngọc Lâm không tiếc tiền chi cho những hoạt động từ thiện. Lâm xây hẳn một trường mẫu giáo mang tên Hoa Hồng cho huyện Hàm Tân trị giá gần 340 triệu, ủng hộ cho UBND thị trấn Lagi 20 triệu để cải tạo trường học, ủng hộ huyện Định Quán 20 triệu để xây nhà tình nghĩa; ủng hộ bà con bị thiệt hại do cơn bão số 5 hơn 50 triệu.
Và ước mơ cháy bỏng của Phạm Ngọc Lâm là mua đất ở Long Thành, xây tại đó một cô nhi viện. Lâm cho tiền rất nhiều người. Ai khó khăn mà đến xin, Lâm đều cho, thậm chí có người cho đến hàng trăm triệu…
Cái họa của Lâm cũng bắt đầu từ tính cách quá phóng khoáng này…