Chiều 3/3, Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng đã có buổi làm việc với Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn (SATRA) ngay tại trụ sở công ty này.

 

Theo báo cáo của bà Lê Thị Minh Trang - Tổng Giám đốc SATRA, cho thấy thương hiệu gạo của công ty này chiếm 30% thị trường bán lẻ của TP.HCM.

Công ty đã liên kết với các hộ nông dân có diện tích trồng lúa lớn để sản xuất mặt hàng gạo. “Gạo SATRA là gạo chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của thị trường nội địa”, Giám đốc SATRA khẳng định.

Ngay sau đó, Bí thư Đinh La Thăng đã chứng thực thông tin bằng một phép thử xem có đúng gạo SATRA là nổi tiếng và "Thị trường trong nước ai cũng biết" hay không.

Ông Đinh La Thăng hỏi phóng viên nữ xem có biết thương hiệu gạo này hay không. Câu trả lời nhận được là "Các thương hiệu gạo của SATRA chưa thực sự quen thuộc lắm với khách hàng".

 

Bí thư Thăng nói như chuyên gia về bán lẻ, gạo Campuchia - 0

Kết luận, Bí thư Thăng nhấn mạnh, việc xây dựng thương hiệu gạo SATRA không chỉ là tạo thương hiệu cho công ty này mà còn là tạo thương hiệu gạo quốc gia, phải đưa ra mục tiêu phải phát triển “gấp 10 lần”, mang tính khát vọng.

Nhắc tới hiện tượng "gạo Campuchia" áp đảo Việt Nam, Bí thư TP.HCM nhận định: "Theo tôi biết, gạo của Campuchia vào được hơn 50 nước trên thế giới. Họ đi sau mà họ tạo thương hiệu rất tốt. Vai trò của thương mại là thế.

Chúng ta phải gắn kết nông dân, công dân, thương mại, nếu không thì chỉ có nói mồm. Nó phải gắn kết bằng kinh tế, định hướng sản xuất, sản xuất đúng như vậy, tôi bao tiêu sản phẩm cho anh.

Gạo có hơn 20 thương hiệu, thương hiệu phải gắn đến thương hiệu quốc gia. Thương hiệu mà mấy bà nội trợ không biết gạo SATRA thì thương hiệu gì nữa?"

Nhấn mạnh đến chất lượng gạo Việt, Bí thư Thăng nhận định:

“Giúp nông dân là định hướng cho họ sản xuất sản phẩm gì mà thị trường cần.

Thà làm sản lượng ít lại nhưng chất lượng phải cao lên thì mới cạnh tranh được với gạo nước ngoài”.

Không chỉ SATRA mà đối với các doanh nghiệp TP.HCM, Bí thư Thăng chỉ đạo tập trung ngay cổ phần hóa, thoái bớt vốn nhà nước khỏi doanh nghiệp, đây là con đường ngắn nhất để đổi mới quản trị doanh nghiệp, nâng cao quản trị doanh nghiệp.

Thị trường bán lẻ

Trước đó, cảnh báo thị trường bán lẻ Việt sắp bị các ông lớn nước ngoài thâu tóm, Bí thư Đinh La Thăng đã nhắc nhở vai trò tổng công ty thương mại trong việc bình ổn giá và giữ được thị phần thị trường bán lẻ trong nước rất quan trọng.

"Nếu không cẩn thận, người ta sẽ vào xây dựng các chuỗi bán lẻ, cửa hàng bán lẻ. Khi ấy, thị phần sẽ rơi vào nhà đầu tư nước ngoài. Khi nhà đầu tư chi phối thị trường thì sẽ chi phối nhà sản xuất, chi phối đầu vào, khi đó mình sẽ mất chân, mình sẽ lệ thuộc vào nước ngoài. Nếu không chủ động chúng ra sẽ thất bại ngay trên sân nhà", ông Thăng nói.

Các chia sẻ thiết thực của Bí thư TP.HCM Đinh La Thăng có những quan điểm cùng hướng với các chuyên gia liên quan tới vấn đề gạo Campuchia lấn lướt thị trường Việt và doanh nghiệp Việt Nam đang thua chính trên thị trường bán lẻ truyền thống.

Liên quan đến hiện tượng "gạo Campuchia" là thách thức mới của Việt Nam khi chiếm lĩnh phần nhiều ở thị trường Trung Quốc, GS.TS Võ Tòng Xuân cho rằng, về gạo ngon, Việt Nam đã thua cả Thái Lan và Campuchia.

"Nông dân Việt không chịu trồng giống lúa cũ ngon vì năng suất thấp quá, ngay cả lãnh đạo ngành nông nghiệp cũng muốn lúa năng suất cao, trong khi đó Thái Lan và Campuchia chỉ chú trọng đến chất lượng, không cần thiết lo số lượng. Đó là điểm khác nhau giữa Việt Nam và Thái Lan, Campuchia", GS.TS. Võ Tòng Xuân nhận định.

Nhắc tới tương lai của thị trường bán lẻ tại Việt Nam sẽ vắng bóng các doanh nghiệp nội, PGS Phạm Tất Thắng - Nghiên cứu viên cao cấp Viện nghiên cứu thương mại, cho rằng: "DN Việt chưa thực sự tận dụng tốn những thế mạnh để vươn lên. Nhược điểm của DN Việt là nước đến chân mới nhảy không có nhìn nhận xa, không có chiến lược, phương thức kinh doanh rõ ràng".

Dù với sức ép của DN ngoại trong bán lẻ và phân phối, nhiều DN nội đã bừng tỉnh và bắt đầu chạy đua nước rút. Nhưng cuộc chạy đua này có đi đến đâu không thì "hạ hồi phân giải". Điều này cho thấy tính thiếu chuyên nghiệp, thiếu sự liên kết, không có một quy hoạch sản xuất cụ thể của DN Việt.

Hồng Cúc (Tổng hợp)




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC