KTS Đào Ngọc Nghiêm cho rằng việc xây dựng biệt thự, resort trái phép mà địa phương không biết thể hiện rõ sự yếu kém trong quản lý nhà nước.
Muốn làm gì thì làm?
Việc Công ty TNHH phát triển công nghệ (CFTD) xây dựng công trình Le Mont Bavi Resort & Spa – resort trái phép trong khu vực vườn quốc gia Ba Vì đang trong quá trình thanh tra thì dư luận lại ngỡ ngàng trước thông tin 60 biệt thự xây dựng không phép và đã được chủ đầu tư rao bán gần hết nằm ở khu nghỉ dưỡng Điền Viên Thôn thuộc làng Chóng, xã Yên Bài, huyện Ba Vì, TP.Hà Nội.
Đáng chú ý là cả hai công trình đều nằm ở huyện Ba Vì và các cơ quan, ban ngành địa phương đều không hay biết việc xây dựng trái phép đến khi báo chí vào cuộc.
Trao đổi xung quanh vấn đề này, KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Hà Nội khẳng định sự việc này một lần nữa thể hiện rõ việc yếu kém trong quản lý nhà nước.
“Quy định nhà nước hiện nay có quản lý theo ngành và quản lý theo lãnh thổ. Ở đây rõ ràng là thiếu sự phối hợp giữa quản lý ngành và quản lý lãnh thổ. Vườn quốc gia Ba Vì thuộc Bộ NN&PTNN nhưng cũng nằm trong quản lý lãnh thổ của huyện Ba Vì.
Khu Resort nằm trong vườn quốc gia Ba Vì xây dựng trái phép nhưng chính quyền địa phương không biết. Ảnh: TTO
Ngay như khu trung tâm Ba Đình chẳng hạn, do Chính phủ quản lý nhưng vẫn phải có ý kiến của Thành phố và Thành phố Hà Nội phải biết. Ở đây thiếu sự phối hợp đồng bộ giữa quản lý nhà nước theo chuyên ngành và quản lý lãnh thổ.
Nguyên nhân rõ rệt là như thế. Năng lực quản lý của lãnh đạo địa phương chưa nắm bắt được những quy định này cho nên thiếu cương quyết, thiếu giám sát thường xuyên”, ông Nghiêm nhấn mạnh.
Trước việc UBND huyện Ba Vì cho rằng không có trách nhiệm quản lý trong công trình xây dựng trái phép tại địa phương, ông Nghiêm khẳng định nói như vậy là hoàn toàn sai và không hiểu rõ luật.
Ông chỉ rõ: “Huyện Ba Vì nói như vậy là không đúng. Họ phải xem lại luật xây dựng năm 2014. Trong luật có nói rõ rằng quản lý giao cho chuyên ngành nhưng quản lý xây dựng, diện mạo bộ mặt của đô thị hay địa phương là do chính quyền địa phương quản lý. Chứng tỏ năng lực quản lý yếu kém, nội dung anh không nắm được vì thế phải nâng cao năng lực”.
Theo Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Hà Nội, việc công trình Le Mont Bavi Resort & Spa – resort và 60 biệt thự xây dựng không phép mà vẫn rao bán, đón khách ở Ba Vì đã vi phạm nghiêm trọng kinh doanh bất động sản và cần phải xử lý nghiêm khắc các cá nhân, tập thể vi phạm.
“Việc xây không phép mà rao bán, đón khách nghỉ ngơi thì càng vi phạm nghiêm trọng. Ở đây là vi phạm luật kinh doanh bất động sản mới được nhà nước ban hành năm 2015. Các nội dung đều khẳng định chỉ khi nào hoàn tất thủ tục pháp lý mới được phép kinh doanh và khai thác sử dụng.
Phải xử lý vi phạm theo pháp luật. Riêng thành phố Hà Nội đã có một quy định riêng về xử lý vi phạm trong hoạt động xây dựng.
Đây là vườn quốc gia, cả đất nước Việt Nam chỉ có mười mấy cái thôi không thể muốn làm gì thì làm được”, KTS Nghiêm thẳng thắn.
Câu thần chú 'không biết'
Cũng chia sẻ với Đất Việt về vấn đề này, Bà Nguyễn Thị Khá - Ủy viên thường trực Ủy ban về Các vấn đề xã hội của QH cho rằng câu trả lời “không biết” đã được nhiều lãnh đạo, quan chức bộ, ngành dùng mỗi khi có những sai phạm được nêu ra.
“Xây resort, biệt thự dình dang như vậy mà nói chính quyền địa phương, cơ quan chức năng không biết là hết sức vô lý. Họ đang đùn đẩy trách nhiệm cho nhau.
Kỳ họp thứ 7 quốc hội vừa qua, tôi cũng đã từng nói, khi phát hiện ra các sai sót thì chính quyền địa phương hoặc cơ quan chức năng đều nói "không biết". Cái từ “không biết” đó nó rất dễ áp dụng. Nhưng mà mình không xử lý triệt để. Không biết tức là không có trách nhiệm, bình an, vô sự nên người ta hay dùng”, bà Khá gay gắt.
Bà Khá cho rằng cần phải xử lý nghiêm người đứng đầu và phải kiểm tra cụ thể xem có sự tiếp tay, thông đồng của chính quyền địa phương với các chủ đầu tư hay không.
“Vi phạm pháp luật đó có một sự thông đồng, không chỉ có mình ông chủ Resort, biệt thự được. Nó phải có sự thông đồng nào đó giữa ban quản lý, chủ đầu tư và chính quyền địa phương. Chứ không thể xây dựng đi vào hoạt động rồi nói ai cũng không biết được cả. Vô trách nhiệm như thế là không được”, bà Khá nhấn mạnh.
Theo nữ ĐBQH tỉnh Trà Vinh, trước đây cũng từng có vi phạm nghiêm trọng trong xây dựng tại công trình ở đèo Hải Vân – Đà Nẵng và cơ quan chức năng đã tiến hành tháo dỡ, xử lý nghiêm trách nhiệm những người liên quan. Vì thế đối với những vi phạm tại vườn quốc gia Ba Vì và khu biệt thự ở xã Yên Bài cũng không phải là ngoại lệ.
“Chúng ta phải đem pháp luật ra xử lý. Chẳng lẽ ông chủ đó là một người cấp cao hoặc một vị nào đó thì chúng ta xử lý khác à. Pháp luật đâu có quy định lãnh đạo tội này còn người dân tội kia đâu, phải áp dụng như nhau, thượng tôn pháp luật”, bà Khá khẳng định lại nguyên lý.
Đồng tình với quan điểm của nữ ĐBQH tỉnh Trà Vinh, ông Nguyễn Ngọc Bảo – ĐBQH Vĩnh Phúc cũng cho rằng, sự phân cấp quản lý có vấn đề và các đơn vị, cơ quan đang đùn đẩy trách nhiệm cho nhau.
Ông Bảo phân tích thêm: “Những bất cập trên thể hiện cách quản lý về thủ tục hành chính của chúng ta có vấn đề. Tức là có những thẩm quyền về phân cấp quản lý không rõ ràng, sự phân công chịu trách nhiệm không rõ ràng. Nó thể hiện ra cái quản lý về vĩ mô có vấn đề.
Qua sự việc lần này thì cần đặt ra câu hỏi về vai trò quản lý, phân cấp ở đâu, ai chịu trách nhiệm.
Thứ nhất là ở địa phương, thứ hai là các bộ, ngành. Hiện nay nhiều vấn đề khi đưa ra thì trách nhiệm quản lý không thuộc về ai cả. Bộ thì bảo của địa phương, địa phương thì bảo không biết, đùn đẩy về trách nhiệm. Như thế là không đúng.
Còn về phía biệt thư, resort thì người ta cũng phải chịu trách nhiệm một phần, làm không đúng với quy định của pháp luật thôi”, ông Bảo nhấn mạnh.
Ngoài ra ông Bảo cũng cho rằng, không thể dùng cảm tình, sự nể nang như Giám đốc vườn quốc gia Ba Vì để giải quyết những sai phạm trong việc xây dựng trái phép khu Resort được.
“Quản lý về mặt pháp luật là không được dùng cảm tính. Đã là luật pháp phải là định tính, trong đó quy định quyền hạn, trách nhiệm, nghĩa vụ rất cụ thể và thể hiện bằng luât, các quy định chứ không thể biết làm sai mà vì nể nang cho phép được.
Còn về việc nhận của Công ty TNHH Phát triển công nghệ 8 tỷ đồng để liên kết kinh doanh 53 ha đất rừng trong 50 năm để dùng vào mục đích công thì phải nhìn ở góc độ pháp luật có đúng hay không, có được phép làm hay không và có được dùng số tiền đó hay không. Không thể dùng vào mục đích công mà trái luật được”, ông Bảo nhấn mạnh.
Hoàn Nguyễn