Hôm qua 20/4, sau chuyến công du nước ngoài, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận chính thức đăng đàn khẳng định: Con số 34 ngàn tỷ đồng cho đề án đổi mới giáo dục chỉ là một… sơ xuất.
Chuyện ăn học, sức khỏe luôn là chủ đề “hot” với mọi tầng lớp trong xã hội, bởi vậy nhiều người đã la trời la đất vì không hiểu Bộ Giáo dục và Đào tạo tính toán thế nào để đưa ra một con số bất ngờ như vậy. GS Hoàng Tụy nói ông đã bị sốc khi nghe thấy con số 34.000 tỷ, không biết mình có nghe nhầm không.Suốt cả tuần qua, bên cạnh dịch sởi hoành hành lấy đi sinh mạng của hơn một trăm đứa trẻ, bên cạnh chuyện Chính phủ quyết định rút đăng cai Asiad 2019 thì con số 34.275 tỷ đồng kinh phí cho đề án đổi mới giáo dục thực sự làm nóng dư luận.
Ông cũng cho rằng trong điều kiện kinh tế còn quá khó khăn như hiện nay – mà ngay cả các nước giàu có trên thế giới cũng không ai tiêu xài vô lý như vậy – thì số tiền này khó có thể chấp nhận.
Thế nhưng sau đó vài ngày, trên chương trình thời sự của VTV1, phóng viên đã phỏng vấn Thứ trưởng Bộ Giáo dục đào tạo là ông Nguyễn Vinh Hiển về việc tại sao lại có một con số lớn gây xôn xao dư luận như vậy thì ông điềm nhiên cho biết: “Con số 34 ngàn tỷ đồng với chúng ta là to nhưng so với các nước khác thì cũng chưa là gì cả”.
Trong khi các cán bộ cấp dưới ra sức khẳng định về việc nhất thiết phải chi 34 ngàn tỷ đồng cho đề án đổi mới giáo dục này thì ngày hôm qua, ông Bộ trưởng Phạm Vũ Luận mới đăng đàn cho biết: “Đó là một sơ xuất. Cá nhân tôi và lãnh đạo Bộ chưa xem xét, thảo luận về các chi phí thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông. Trong Tờ trình của Chính phủ và các tài liệu liên quan gửi lên Ủy ban Thường vụ Quốc hội không có con số này cũng như bất kỳ con số nào về kinh phí”.
Dư luận thiếu điều ngã ngửa ra trước màn “lật kèo” này của lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo. Ông Bộ trưởng còn giải thích thêm, con số 34 ngàn đồng chỉ là “khái toán”, bên cạnh đó Bộ còn đang “ước tính” sẽ có những dự án trị giá 100 tỷ đồng cho việc biên soạn sách giáo khoa phổ thông.
Vậy là đã rõ, suốt cả tuần qua, những chuyện làm dư luận bức xúc, ngỡ ngàng, trao đi đổi lại hóa ra chỉ là chuyện hiểu nhầm, là sơ xuất của Bộ mà thôi. Giờ thì người đứng đầu Bộ đã khẳng định thế rồi, thôi bà con vui vẻ an tâm ai về nhà nấy.
Vẫn nhớ ông bà mình có câu: “Muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy” nhưng trong trường hợp này, chuyện yêu lấy các thầy lãnh đạo đương nhiệm Bộ Giáo dục và Đào tạo nghe ra cứ thấy khó khăn thế nào. Bởi cái quan trọng nhất là uy tín, là trọng lượng của lời nói, các thầy đã chả giữ được trước dân, bảo dân phải kính, phải yêu, e là cũng hơi…ép uổng.
Một đề án lớn như thế, trị giá tới hơn 34 ngàn tỷ đồng, quy ra là 1,5 tỷ đô la Mỹ, cũng may mới chỉ là chuyện “nghe hơi nồi chõ” thế thôi, chưa mất đi đâu đồng nào hào nào cả, thì Bộ bảo “sơ xuất” còn có thể chấp nhận được.
Nhược bằng đề án đó đã đi vào thực hiện, đã giải ngân từng đó số tiền thuế mồ hôi nước mắt tiền thuế của dân, thì liệu Bộ trưởng đứng ra bảo là “sơ xuất” thì liệu có ai chấp nhận nổi không?
Rồi cứ dùng phép diễn dịch mà suy ra, không biết từ trước tới nay, có bao nhiêu quyết sách quan trọng của Bộ rốt cục đã bị chính lãnh đạo ngành phát hiện là “sơ xuất” như vậy?
Một lần thất tín, vạn sự bất tin, tới đây Bộ có công bố một cái đề án nào khác nữa thì có lẽ phản ứng đầu tiên của dư luận sẽ là nghi nghi hoặc hoặc, chẳng biết rồi lại có sơ xuất nào nữa không. Các chuyên gia sẽ bảo nhau đừng vội bức xúc, đừng vội tăng xông kẻo rồi hao tâm tổn trí.
Các thầy ở Bộ ơi, có lẽ các thầy chớ vội đứng ra nhận trọng trách cải cách giáo dục làm gì mà trước tiên các thầy nên cải tiến cái cung cách làm việc của mình đi đã. Đừng để xảy ra tình trạng vừa hôm trước các cấp Thứ trưởng, Vụ trưởng ra sức bảo vệ cho 34 ngàn tỷ trước dư luận cả nước rồi thì hôm sau, Bộ trưởng đăng đàn bảo đó chỉ là sơ xuất.
Cứ làm cho dân tin chắc rằng các thầy có khả năng quản lý, hoạch định chi tiêu từng đồng tiền thuế của dân một cách minh bạch, hợp lý thì 34 ngàn tỷ chứ gấp 10 lần như thế, dân cũng chẳng thấy tiếc tiền.
Theo Mi AN
Báo Đất Việt