Nghỉ hưu rồi tôi về làm ruộng, không thích làm gì hết... - Bộ trưởng Bộ KHĐT-Bùi Quang Vinh

Thích làm ruộng

Lời tâm sự chân chất của ngài bộ trưởng với tờ Dân Trí được ghi nhận vào thời điểm chỉ còn ít thời gian nữa, ông sẽ gác kiếm về hưu.

Trước câu hỏi: “Nghỉ rồi Bộ trưởng có "chuyển ngạch" làm chuyên gia không?”. Bộ trưởng Vinh khoát tay: “Không, về làm ruộng thôi! Không làm chuyên gia gì cả. Có quá nhiều Hiệp hội mời về làm Chủ tịch Hiệp hội nhưng mà không thích”.

Đảm nhận cương vị Bộ Kế hoạch và Đầu tư kể từ tháng 8/2011, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh đã để lại ấn tượng khá đặc biệt đối với dư luận. Không chỉ ở những kế hoạch, những chiến lược, những chính sách điều hành, quản lý mà còn có cả những phát ngôn để đời của ông nữa.

Bộ trưởng, chính khách Việt về hưu sẽ làm gì? - 0 "Nói như ông Tony Blair, nguyên Thủ tướng Anh, nếu nói đổi mới mà không có ai phản ứng thì không gọi là đổi mới. Đổi mới là đụng chạm tới lợi ích ngành này, mất quyền ngành kia, cá nhân này thì mất lợi ích, nhóm lợi ích kia thì mất quyền lợi. Minh bạch ra thì nhiều người không còn lợi dụng được kẽ hở để tư lợi nữa…Tất nhiên họ phải phản ứng", Bộ trưởng Vinh chia sẻ.Ông Không ngần ngại chia sẻ, ông đã đảm nhận một nhiệm kỳ với quá nhiều khó khăn nhưng ông cũng không ngại đối diện và chấp nhận khó khăn để được đổi mới.

Bộ trưởng cũng cho biết, phản ứng trên là rất bình thường, khi chưa hiểu thì phản ứng nhưng khi thấy chính người đề ra đổi mới cũng chịu thiệt thòi vì quyền lợi chung thì lại nhận được chia sẻ.

Ông cho biết, không chỉ phải hi sinh lợi ích cá nhân, lợi ích cục bộ mà người làm chính sách phải đặt lợi ích chung, lợi ích của cả đất nước, của cả dân tộc lên trên hết thì mới làm được. Nếu không sẽ vô cùng khó khăn, không làm được.

Cho tới thời điểm này, Bộ trưởng Vinh cho biết, để có những đổi mới trong lĩnh vực kế hoạch, đầu tư, ông đã phải chấp nhận va chạm, đấu tranh với lợi ích nhóm, tư tưởng cục bộ và với cả chính bản thân mình. Ông nói: “Tôi không ân hận bất kỳ điều gì!”

Ông Võ Hồng Phúc (Nguyên Bộ trưởng Kế hoạch & Đầu tư): Dành nhiều thời gian đọc sách, chăm cháu

Bộ trưởng, chính khách Việt về hưu sẽ làm gì? - 1

Nguyên Bộ trưởng Kế hoạch & Đầu tư Võ Hồng Phúc cho hay, ông chưa bao giờ có cảm giác hụt hẫng khi về hưu. Giờ đây, ông có nhiều thời gian hơn dành cho gia đình cũng như làm những công việc yêu thích mà khi còn đương chức, ông không thể đủ thì giờ để thực hiện.

“Suốt bao nhiêu năm công tác, tháng 9/2012, khi đã nghỉ hưu tôi mới có điều kiện để đưa vợ đi du lịch, nhưng vừa sang đến nước bạn thì tôi lại phải vào ngay viện để mổ ruột thừa”, ông Phúc kể.

Ông Phúc tâm sự: “Hiện giờ hai vợ chồng chúng tôi sống riêng, gia đình các con cái cũng ở gần nên tôi có điều kiện đưa bọn trẻ đi học, chơi đùa cùng các cháu, đó thật sự là niềm vui rất lớn. Ngoài ra, mỗi tuần tôi cũng đều dành ra một, hai buổi đi đánh golf để rèn luyện sức khỏe, thì giờ còn lại tôi dành cho việc đọc sách bởi đó là đam mê từ thời trẻ”.

Do đã gắn bó công tác tại Bộ Kế hoạch & Đầu tư từ rất lâu nên ông Phúc được nhiều đồng nghiệp đã và đang công tác tại Bộ nhận làm thầy. Ngoài những lúc thăm hỏi, mỗi khi gặp vướng mắc hay khó khăn trong công việc, các học trò lại đến nhờ ông tư vấn, chỉ bảo. “Dù đã về hưu những tình cảm thầy trò, anh em giữa chúng tôi vẫn như xưa. Tôi rất vui vì sự quý trọng của đồng nghiệp dành cho mình”, ông Phúc nói.Ngay từ khi mới về hưu và cho đến hiện tại, rất nhiều các tổ chức hay doanh nghiệp ngỏ lời mời ông về làm cố vấn. Tuy nhiên, ông đều từ chối.

“Mình đã từng làm công tác quản lý Nhà nước, giờ về hưu mà lại tham gia doanh nghiệp hoặc tổ chức này kia thật sự không nên. Tuy nhiên, nếu cần, tôi vẫn sẵn sàng đóng góp ý kiến vào một vấn đề nào đó, nếu có điều kiện và thấy cần thiết”, ông Phúc chia sẻ.

Ông Vũ Khoan (Nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ): Niềm vui “truyền lửa” cho lớp trẻ

Dù về hưu đã lâu, nhưng nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan vẫn góp sức cho công việc của xã hội bằng cách thường xuyên đi dạy học, trao đổi những kỹ năng, kinh nghiệm cần thiết cho cuộc sống với những người trẻ tuổi. Theo ông, những việc ông đã và đang làm không gì khác là mong muốn “truyền lửa” cho lớp trẻ, những người sẽ lĩnh trách nhiệm chính trong việc xây dựng và phát triển đất nước trong một tương lai gần. Đó chính là niềm vui lớn nhất của ông.

Vẫn phong cách điềm đạm, khúc chiết trong từng câu nói, đôi lúc pha chút hóm hỉnh, người ta thấy ông không khác là bao so với khi còn giữ cương vị Phó Thủ tướng Chính phủ. Là người có vai trò quan trọng trong suốt quá trình đàm phán, thương thuyết để Việt Nam gia nhập ASEAN, ký kết Hiệp định thương mại Việt - Mỹ, đặc biệt là sự kiện Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) nên khi nghỉ hưu, ông được rất nhiều nơi mời dự hội thảo, nói chuyện về WTO, về kinh tế, doanh nghiệp, doanh nhân. “Dự hội thảo, hội nghị nào mở đầu tôi cũng nói rằng: Tôi như “quả trứng”, không thể “khôn hơn vịt”, nên chỉ muốn chia sẻ những tâm tư, suy nghĩ của mình mà thôi!”, ông cười và cho hay, không nghĩ rằng khi về hưu, mình lại có ít thời gian đến vậy.

Ông Khoan tâm sự, có lẽ vì thế mà cảm giác hụt hẫng không hề có trong suy nghĩ của ông kể từ khi nghỉ hưu đến nay. “Đối với tôi, cuộc sống hiện tại thực sự vui vẻ, thoải mái. Sau bao năm vất vả, giờ đây tôi đã có điều kiện làm những việc rất bình thường như chăm sóc gia đình, thăm thú bạn bè, chơi những môn thể thao mà mình ưa thích. Dù đã nghỉ, song tôi vẫn dành thời gian đọc sách báo, theo dõi cập nhật tin tức, tham gia các cuộc hội thảo, hội nghị để chia sẻ những suy nghĩ, tâm tư của mình, nhất là trong lĩnh vực đối ngoại chính trị, kinh tế. Ngoài ra, khi có những suy nghĩ gì tôi đều viết thành những bài báo để chia sẻ với công chúng, nhằm cùng nhau tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển”.

“Bây giờ tôi có nhiều điều kiện để gặp gỡ với thanh niên. Qua đó, tìm hiểu họ, xem họ đang nghĩ gì, tâm tư gì. Tôi thấy thanh niên Việt Nam bây giờ rất thông minh, mạnh bạo, dám suy nghĩ những điều rất lớn. Đó chính là niềm vui lớn nhất. Tôi còn có hai thói quen là chơi golf mỗi tuần khoảng một, hai buổi và đi bộ mỗi buổi sáng để rèn luyện sức khoẻ. Đó cũng là những niềm vui mà lúc còn làm việc, tôi không có nhiều thời gian để thực hiện”, ông Vũ Khoan bộc bạch.

Ông Phạm Thế Duyệt (nguyên Ủy viên thường vụ thường trực Bộ chính trị, nguyên Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam): Không bao giờ “lạc hậu” với thời cuộc

Chủ động xin về hưu trước hai năm, có lẽ vì vậy mà nguyên Ủy viên Thường vụ Thường trực Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam Phạm Thế Duyệt hoàn toàn chủ động được mọi việc trong cuộc sống khi không còn công tác.

Bộ trưởng, chính khách Việt về hưu sẽ làm gì? - 2 Ông cho hay, hơn hai mươi năm đương nhiệm, giữ nhiều cương vị công tác khác nhau, dù đã rất cố gắng sắp xếp nhưng dường như lượng công việc quá nhiều đã khiến ông không còn đủ thời gian dành cho gia đình, bạn bè. Bởi vậy mà khi về hưu, ông rất vui vẻ khi được “làm chủ” cuộc sống và thời gian của mình, có thể thoải mái chăm sóc gia đình, tham gia hoạt động ở địa phương, hay đi giao lưu, thăm thú bạn bè khắp nơi. Về hưu, ông cũng có nhiều thời gian cho việc rèn luyện sức khỏe hơn. Ngày nào ông cũng dành ra hai buổi, mỗi buổi hơn một tiếng đồng hồ để tập thể dục, rèn luyện sức khỏe. Mỗi buổi sáng sớm và chiều muộn, dù mùa đông giá rét hay tiết trời oi ả, người dân vẫn gặp ông ung dung, thư thả đi bộ quanh hồ Thiền Quang trước khi tập những bài thể dục dưỡng sinh.

Có một điều đặc biệt, là dù đã về hưu, nhưng không có giây phút nào ông xao nhãng với những công việc của đất nước. Ông tâm sự: “Dù chủ động xin về hưu, nhưng tôi vẫn còn nhiều điều nuối tiếc vì biết xã hội còn nhiều khó khăn, nhân dân còn nhiều trăn trở, và còn nhiều điều mình chưa làm được. Nhưng âu đó cũng là quy luật của cuộc sống. Tôi về hưu, nhưng vẫn còn cống hiến cho dân, cho nước theo một cách khác”.

Hiện giờ, hàng ngày, ông vẫn tận dụng thời gian rỗi để đọc báo, tiếp cận tin tức và tham gia góp ý với những vấn đề bức thiết trong xã hội. “Bảy năm nghỉ hưu rồi nhưng đối với tôi chưa có một ngày nào rảnh rỗi, cũng chưa bao giờ tôi cảm thấy mình sống phí hoài hay nhạt nhẽo. Và dù có về hưu, tôi cũng không để mình “lạc hậu” với thời cuộc, nên việc đọc báo, theo dõi thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng là việc thiết yếu mỗi ngày. Thậm chí vào mỗi buổi sáng, một bên tôi mở ti vi xem thời sự, một bên tôi mở đài và tay thì cầm tờ báo”, ông cười.

An An (tổng hợp)




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC