"Nếu đầu tư cho văn hóa, nhà nước phải chú ý vào tất cả các khâu, trong đó đặc biệt là khâu phát triển khán giả".

Đồng cảm với tư lệnh ngành Văn hóa

Vừa qua, trong hội nghị sơ kết công tác Văn hóa, Thể thao và Du lịch 6 tháng đầu năm 2016, ngày 8/7, Bộ trưởng Bộ VHTT&DL Nguyễn Ngọc Thiện đã khẳng định hiện nay, chúng ta đang thiếu vắng những tác phẩm nghệ thuật đỉnh cao và một trong những nhiệm vụ của Bộ VHTT&DL là phải xây dựng được nghệ thuật đỉnh cao.

Đã lâu lắm rồi nghệ thuật Việt Nam chưa có những tinh hoa. Vì lẽ đó mà các Bộ trưởng nước ngoài đến thăm Việt Nam khi tiếp đón chúng ta chỉ biết làm duy nhất là mời cơm.

Cùng lắm thì cũng chỉ gọi một vài ca sĩ, đoàn nghệ thuật đến biểu diễn, chương trình hoàn toàn không xứng tầm, không có tinh hoa, làm bản thân người đứng đầu ngành vô cùng xấu hổ.

Là một nhà nghiên cứu về văn học nghệ thuật lâu năm, PGS. TS Bùi Quang Thắng - Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam cho biết: "Bản thân tôi thấy rất mừng vì lần đầu tiên thấy một vị chính khách thấy “xấu hổ” bởi chất lượng nghệ thuật của các đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp của ta, mà theo quan điểm của riêng tôi nó mới chỉ ở trình độ nghệ thuật quần chúng.

Tôi hy vọng đây không phải chỉ là một lời hô khẩu hiệu mà nó phải được thể hiện ở một hệ thống từ chính sách văn hóa đến cơ chế, đến những người sáng tạo, thực hành nghệ thuật và công việc phát triển khán giả ở Việt Nam.

Bộ trưởng Văn hóa xấu hổ vì thiếu tinh hoa: Vì đâu? - 0

PGS.TS Bùi Quang Thắng - Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam

uy nhiên, việc sử dụng những khái niệm như “nghệ thuật đỉnh cao” hay “nghệ thuật tinh hoa” thì nên thận trọng, bởi những khái niệm này hiện không còn được sử dụng phổ biến trong ngôn từ thuộc lĩnh vực chính sách văn hóa ở các nước phát triển, bởi trong xã hội dân chủ họ tôn trọng tất cả các loại nghệ thuật, các thị hiếu thẩm mỹ chứ không phân biệt đẳng thứ".

Bên cạnh đó, vì là người làm trong ngành văn hóa nghệ thuật, nên bản thân ông Thắng rất chia sẻ với nỗi xấu hổ của Bộ trưởng, đồng thời cũng đưa ra những câu chuyện mà bản thân ông đã được trải nghiệm.

"Tôi rất chia sẻ nỗi “xấu hổ” này với ông Bộ trưởng, đặc biệt là trong công tác đối ngoại. Ví dụ, như là một lối mòn, mỗi khi chúng ta mang quà tặng ra nước ngoài thì đoàn nào cũng mang những bức sơn mài mỹ nghệ rẻ tiền dạng souvernir…. Tôi chưa bao giờ thấy quà tặng kiểu này là bản sao một bức tranh nghệ thuật của một họa sỹ tên tuổi cả.

Hoặc như chưa bao giờ Bộ VHTT&DL cử một đoàn nghệ thuật đương đại đại diện cho nền nghệ thuật của Việt Nam đi diễn ở quốc tế mà chủ yếu là các đoàn nghệ thuật quốc doanh vốn chỉ quen với những tiết mục dân tộc cải biên và những tác phẩm nhạc pop, nhưng tiết mục múa mà ngôn ngữ có từ những năm 60…và kết quả là công chúng quốc tế do khác biệt về ngôn ngữ nghệ thuật phải đón nhận nghệ thuật của ta theo kiểu xã giao.

Trong khi đó, những tác phẩm nghệ thuật của những nhóm ngoài quốc doanh như những vở múa của E. A. Sola Thuy, Arabesque, A O Show, nhóm nhạc của Trí Minh thì lại được nước ngoài mời biểu diễn, thu được tiền và vinh danh cho nền nghệ thuật Việt Nam thì các nhà quản lý văn hóa của ta chưa một lần khen thưởng họ chứ chưa nói là cử họ đi biểu diễn ở nước ngoài", ông Thắng chỉ rõ.

Làm sao có khán giả tinh hoa?

Đồng tình với nhân định của Bộ trưởng, để làm được những tác phẩm nghệ thuật đỉnh cao, các cán bộ của Bộ nên ngồi ở phòng làm việc nhiều hơn để suy nghĩ, hạn chế bớt hội nghị hội thảo..., vị chuyên gia văn hóa cho rằng: ''Bộ VHTT&DL lại rất cần có một đội ngũ chuyên gia giỏi đi học tập cách làm nghệ thuật của quốc tế, nắm bắt xu hướng đương đại của họ để chỉ đạo hướng phát triển nghệ thuật nước nhà để hòa nhập được với nền nghệ thuật quốc tế và tránh được tình trạng “một mình một sân” như nghệ thuật của ta hiện nay".

Nhắc lại vấn đề chi ngàn tỷ xây nhà hát khiến dư luân tranh cãi nhiều năm trước, ông Thắng cho rằng, hàng ngàn tỷ đồng chi cho sự phát triển một nền nghệ thuật là quá ít, tuy nhiên lại là quá nhiều và lãng phí nếu số tiền ấy chỉ chi vào việc xây dựng các nhà hát.

Ông chỉ rõ: "Tôi lấy ví dụ như Trung Quốc họ có những tác phẩm điện ảnh lừng danh hay những tác phẩm hội họa có giá lên tới triệu đô ở thị trường nghệ thuật quốc tế là do họ có cải cách thể chế văn hóa một cách toàn diện và đồng bộ ở tất cả các khâu trong quá trình sản xuất- phân phối- tiệu thu nghệ thuật chứ không phải chỉ chú trọng vào một khâu đơn lẻ nào đó trong quá trình này".

Điều đặc biệt, theo vị chuyên gia, muốn có nghệ thuật tinh hoa thì phải có tầng lớp khán giả tinh hoa để thưởng thức và điều này không thể phát triển nhanh được.

Nói cách khác, nếu đầu tư cho văn hóa, nhà nước phải chú ý vào tất cả các khâu, trong đó đặc biệt là khâu phát triển khán giả vì chỉ nhà nước mới làm được điều này. Những doanh nghiệp nếu tham gia vào quá trình nghệ thuật này thì họ vẫn lấy mục tiêu kinh tế làm đầu, họ chạy theo lợi nhuận, đáp ứng nhu cầu của người dân chứ không bao giờ phát triển nhu cầu mới cho người dân.

Ông Thắng nhấn mạnh: "Đó là kinh nghiệm quốc tế mà ta phải tuân thủ''.

Châu An
Báo Đất Việt

 




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC