Với 7 trường hợp phải đánh lại số và gắn mới biển số nhà, dự kiến nhiều nhà dân phải thay đổi số nhà nếu dự thảo thông tư được thông qua và có hiệu lực thi hành ngay trong năm 2024. 

1 Bo Xay Dung De Xuat Danh Lai So Nha

Biển số nhà 18A, ngách 8, ngõ 330 Định Công, quận Hoàng Mai, Hà Nội. (Ảnh: Yến Yến/Lozi – Cho Thuê Nhà & Phòng Trọ Hà Nội/Facebook)

Bộ Xây dựng đang lấy ý kiến đối với dự thảo Thông tư quy định đánh số và gắn biển số nhà, từ ngày 10/5 đến ngày 10/7/2024. Nếu được thông qua, thông tư sẽ có hiệu lực thi hành từ tháng 8/2024.

Việc đưa ra các nguyên tắc thống nhất trong việc đánh số và gắn biển số nhà được cho là để khắc phục tình trạng “loạn biển số nhà”, đặc biệt là ở các đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM.

Số nhà, tên ngõ, ngách, hẻm nên định ra sao?

Dự thảo thông tư gồm 6 chương, 24 điều, trong đó quy định nguyên tắc mới về đánh số nhà riêng lẻ ở đường, phố, ngõ, ngách, hẻm và số căn hộ đối với nhà chung cư.

Bộ Xây dựng cho hay mỗi khuôn viên nhà ở, công trình xây dựng có nhà tại mặt tiền của các tuyến giao thông được mang một biển số nhà theo quy cách thống nhất.

Số nhà trên các tuyến giao thông được đánh bằng dãy số tự nhiên bắt đầu từ nhà đầu tuyến đến cuối tuyến không phân biệt ranh giới hành chính (phường, xã, thị trấn; quận, huyện, thị xã). Đứng đầu tuyến trái nhìn về phía cuối tuyến, nhà bên trái đánh số lẻ (1, 3, 5, 7…), nhà bên phải đánh số chẵn (2, 4, 6, 8…).

Trường hợp một căn nhà có cửa mở ra hai tuyến giao thông khác nhau thì đánh số theo tuyến giao thông có mặt cắt ngang lớn hơn; nếu các tuyến giao thông có mặt cắt ngang tương đương thì đánh số theo tuyến có cửa chính vào nhà.

Chiều đánh số nhà mặt đường, mặt phố sẽ được thực hiện theo nguyên tắc chiều đánh số nhà được thực hiện từ trung tâm thành phố ra phía ngoại ô (đối với các đường dạng hướng tâm) và theo chiều quay của kim đồng hồ (đối với các đường dạng đường bao hoặc đường vành đai).

Trường hợp các quận, huyện, thị xã có các tuyến đường, phố đặc thù không thực hiện được theo quy định trên thì chiều đánh số nhà được thực hiện từ trung tâm quận, huyện, thị xã ra phía ngoài theo hướng dẫn của Sở Xây dựng.

Trường hợp các tuyến đường, phố nối thông giữa hai đường, phố có mặt cắt ngang tương đương nhau; chiều đánh số nhà được thực hiện theo hướng từ Bắc xuống Nam, từ Đông sang Tây, từ Đông Bắc sang Tây Nam, từ Đông Nam sang Tây Bắc.

Các tuyến đường, phố nối thông giữa hai đường, phố có mặt cắt ngang chênh lệch nhau, chiều đánh số nhà được thực hiện từ điểm đầu nối với đường, phố có mặt cắt ngang lớn hơn.

Với các tuyến đường, phố song song với nhau thì chiều đánh số nhà cho các tuyến song song lấy theo cùng chiều đánh số nhà của đường, phố có mặt cắt ngang lớn nhất.

Đối với tên ngõ và chiều đánh số nhà trong ngõ, ngõ chưa có tên riêng thì đặt tên theo số nhà mặt đường, phố và có số nhà nhỏ hơn nằm kề ngay trước đầu ngõ;

Trường hợp ngõ chỉ có một đầu thông ra đường, phố thì chiều đánh số nhà được thực hiện từ nhà đầu ngõ sát với đường, phố đến nhà cuối ngõ;

Trong tường hợp ngõ nối thông giữa hai đường, phố, đối với ngõ đã được đặt tên, chiều đánh số nhà từ nhà đầu ngõ sát với đường, phố mà ngõ mang tên đến cuối ngõ; đối với ngõ chưa được đặt tên, chiều đánh số nhà từ nhà đầu ngõ sát với đường, phố có mặt cắt ngang lớn hơn đến cuối ngõ.

Với ngách và chiều đánh số nhà trong ngách, trường hợp ngách chưa có tên riêng thì tên ngách được đặt tên theo số nhà trong ngõ và có số nhà nhỏ hơn nằm kề ngay trước đầu ngách;

Trường hợp ngách chỉ có một đầu thông ra ngõ thì chiều đánh số được thực hiện từ nhà đầu sát với ngõ đến nhà cuối ngách;

Trường hợp ngách nối thông giữa hai ngõ: Đối với ngách đã được đặt tên, chiều đánh số nhà từ nhà đầu ngách sát với ngõ mà ngách mang tên đến cuối ngách đối với ngách chưa được đặt tên, chiều đánh số nhà từ nhà đầu ngách sát với ngõ có mặt cắt ngang lớn hơn đến cuối ngách.

Tương tự, với hẻm, nếu chưa có tên riêng thì đặt tên theo số nhà trong ngách và có số nhà nhỏ hơn nằm kề ngay trước đầu hẻm;

Chiều đánh số nhà trong hẻm được thực hiện từ nhà đầu sát với ngách đến nhà cuối hẻm nếu hẻm chỉ có một đầu thông ra ngách. Nếu hẻm nối thông giữa hai ngách thì với hẻm đã được đặt tên, chiều đánh số nhà từ nhà đầu hẻm sát với ngách mà hẻm mang tên đến cuối hẻm; đối với hẻm chưa được đặt tên, chiều đánh số nhà từ nhà đầu hẻm sát với ngách có mặt cắt ngang lớn hơn đến cuối hẻm.

Những nhà nào phải đánh lại số?

Sau khi thông tư ban hành, các tuyến giao thông thuộc khu phố cổ, khu phố cũ đã có số nhà được đưa vào sử dụng ổn định nếu phù hợp với các nguyên tắc quy định tại thông tư này thì được giữ nguyên số nhà đã đánh. Ngược lại, trường hợp không phù hợp thì UBND quận, huyện, thị xã rà soát, đề xuất phương án xử lý, gửi về Sở xây dựng để thẩm tra, trình UBND cấp tỉnh xem xét, quyết định.

Ngoài ra, dự thảo quy định 7 trường hợp phải đánh lại số và gắn mới biển số nhà, gồm:

– Các tuyến giao thông đã đánh số nhà nhưng phát sinh nhiều nhà xây mới hoặc tồn tại nhiều số nhà tự phát;

– Các tuyến giao thông đã đặt tên và đánh số nhà nhưng được mở rộng, cải tạo, số nhà cũ đã giải phóng mặt bằng; các ngõ được mở rộng thành đường, phố và được đặt tên;

– Các tuyến đường, phố đã đánh số nhà nhưng được mở nối dài từ phía đầu đường mà phần nối dài đó không được đặt tên đường, phố mới;

– Các ngõ, ngách, hẻm của tuyến đường, phố khác có lối ra đường, phố mới mở rộng và được đặt tên;

– Các tuyến giao thông chưa có nhà xây liên tục và đoạn đường mới xây dựng kéo dài tuyến giao thông đã đánh số nhà (Điều 6 của Thông tư) này được UBND cấp tỉnh quyết định đánh lại số và gắn mới biển số nhà;

– Trường hợp một đường, phố cũ phân chia thành nhiều đường, phố mới hoặc nhiều đường, phố cũ được nhập thành đường phố mới;

– Các nhà chung cư sử dụng số căn hộ trái nguyên tắc đánh số quy định tại thông tư này.

Cách đánh số khi chèn hoặc nhập số nhà

Những nhà xây mới, xen vào khu vực đã đánh số nhà thì nguyên tắc chèn số nhà và nhập số nhà như sau:

Trường hợp nhà xây mới xen trên đất của khuôn viên nhà cũ thì đánh số nhà đó bằng tên ghép của số nhà cũ và chữ số phụ là chữ cái in hoa tiếng Việt. Nếu hình thành nhiều nhà mới thì chữ số phụ lấy theo thứ tự A, B, C và chữ cái tiếp theo, chiều xác định theo chiều tăng số nhà của tuyến giao thông;

Trường hợp nhà được xây gộp từ nhiều nhà cũ đã có các số nhà thì số nhà xây gộp là số nhà cũ có số nhỏ hơn.

Trường hợp cải tạo từ nhà thấp tầng thành nhà nhiều tầng nhiều căn hộ, có nhiều chủ sở hữu hoặc sử dụng thì số nhà cũ được sử dụng làm tên của ngôi nhà và thực hiện đánh số cho các căn hộ trong nhà.

Trường hợp một đường, phố cũ phân chia thành nhiều đường, phố mới hoặc nhiều đường, phố được nhập thành đường phố mới thì các nhà mặt đường phải được đánh số và gắn biển số nhà theo quy định tại thông tư này nhưng biển số nhà cũ vẫn được giữ lại trong thời hạn 2 năm và được gắn phía dưới biển số nhà mới…

Theo quy định từ năm 2006, Bộ Xây dựng định nguyên tắc đánh số nhà mặt đường và trong ngõ theo thứ tự 1, 2, 3… Nhà bên trái lấy số lẻ 1, 3, 5… Nhà bên phải lấy số chẵn 2, 4, 6… Chiều ghi số nhà từ nhỏ đến lớn theo hướng bắc xuống nam, đông sang tây, đông bắc sang tây nam, đông nam sang tây bắc.

Nếu ngõ chỉ có một đầu thông ra đường hoặc phố thì lấy chiều ghi số từ phía sát đường đến cuối ngõ. Ngách chỉ có một đầu thông ra ngõ áp dụng tương tự.

Căn hộ chung cư cũng được đánh theo dãy số tự nhiên, trong đó hai chữ số hàng chục và đơn vị ghi số căn hộ, hai chữ số hàng nghìn và trăm chỉ số tầng.

Chung cư có một cầu thang giữa, hành lang giữa hoặc không có hành lang, thì đánh số căn hộ theo chiều quay kim đồng hồ, từ căn đầu tiên phía bên trái của người bước lên tầng nhà đó.

Chung cư có nhiều cầu thang, bố trí hành lang giữa thì chọn cầu thang có vị trí gần nhất tiếp giáp với lối đi vào. Chiều đánh số cũng theo chiều quay kim đồng hồ.

Chung cư có hành lang bên thì chiều đánh số từ trái sang phải của người đứng quay mặt vào dãy căn hộ, từ căn đầu tiên bên trái.

Nguyễn Quân




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC