Trong cáo trạng truy tố bà Trương Mỹ Lan (68 tuổi, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) vừa ban hành, VKSND Tối cao xác định bà này rửa tiền 445.747 tỷ đồng; vận chuyển trái phép 4,5 tỷ USD qua biên giới; và lừa đảo 30.081 tỷ đồng thông qua việc phát hành khống hơn 308 triệu cổ phiếu.
Bán trái phiếu khống để 'cứu vãn tình trạng bê bết của SCB'
Tháng 8/2018, Ngân hàng SCB bị các cơ quan quản lý thanh tra, kiểm tra; việc xin cấp tín dụng từ SCB của các công ty thuộc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát gặp khó khăn, kèm theo tình hình nợ xấu kéo dài, nên bà Lan ra chủ trương và họp với 5 nhân sự chủ chốt của Vạn Thịnh Phát và SCB, bàn cách "cứu vãn tình hình".
Những người này là Hồ Bửu Phương, Phó tổng Giám đốc Vạn Thịnh Phát; Nguyễn Tiến Thành, Chủ tịch HĐQT Công ty chứng khoán TVSI và 3 lãnh đạo SCB: Chủ tịch HĐQT Đinh Văn Thành; Tổng giám đốc Võ Tấn Hoàng Văn và Phó tổng giám đốc Nguyễn Phương Hồng.
Họ bàn nhau chọn các công ty thuộc hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát để phát hành, tư vấn, chào bán trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ bất hợp pháp, huy động tiền từ người dân để trả nợ ngân hàng, đầu tư dự án và các mục đích cá nhân khác.
Sau khi bàn bạc, 4 công ty được chọn để thực hiện kế hoạch phát hành trái phiếu khống, gồm: Công ty An Đông; Công ty Quang Thuận; Công ty Sunny World và Công ty Setra.
"KPI" mà bà Lan và 5 thuộc cấp đề ra là dùng 4 công ty trên để huy động tổng cộng 30.800 tỷ đồng từ việc bán trái phiếu khống, qua đó tạo dòng tiền khống để hợp thức nhà đầu tư sơ cấp cho 8 công ty cùng "hệ sinh thái". 8 công ty sau đó sẽ mua lại số trái phiếu này của 4 công ty, phát hành dưới dạng trái phiếu riêng lẻ "nhằm mục đích bán trái phiếu rộng rãi cho hàng chục nghìn người dân", cáo trạng nêu.
Cách làm này tương tự phương thức mà cha con cựu chủ tịch Tân Hoàng Minh Đỗ Anh Dũng áp dụng để phát hành 90 triệu trái phiếu khống thu lợi 14.000 tỷ đồng, vừa được xét xử hồi tháng 3.
Bà Trương Mỹ Lan tại phiên tòa sơ thẩm giai đoạn một của vụ án, hồi tháng 3.
Việc hợp thức nhà đầu tư cho 8 công ty trên do Nguyễn Ngọc Dương, Tổng giám đốc; Nguyễn Phương Anh, Phó tổng giám đốc Công ty SPG; Bùi Đức Khoa, Phó tổng Giám đốc Công ty Natural Land sử dụng các công ty "ma" và các cá nhân được thuê đứng tên làm Giám đốc, Tổng giám đốc, sở hữu cổ phần, đứng tên các khoản vay.
Các "lãnh đạo" này chỉ ký khống chứng từ, tài liệu, phối hợp với SCB thực hiện các giao dịch (nộp, rút, chuyển tiền tại nhà băng), tạo ra dòng tiền khống hơn 30.869 tỷ đồng để cân đối sổ quỹ tiền mặt hàng ngày, qua đó hoàn tất dòng tiền "khống".
Các gói trái phiếu của Công ty An Đông, Quang Thuận và Setra đã thông qua Công ty chứng khoán TVSI - đại diện Tổ chức phát hành, trực tiếp ký kết hợp đồng bán trái phiếu; gói trái phiếu Sunny World được chuyển nhượng cho Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) để đầu tư, bán ra thị trường.
Võ Tấn Hoàng Văn đại diện SCB, Nguyễn Tiến Thành đại diện Công ty chứng khoán TVSI phối hợp xây dựng chương trình đào tạo, sau đó SCB đã tổ chức đào tạo cho các nhân viên trong toàn hệ thống (2.479 nhân viên tại 239 chi nhánh, phòng giao dịch) tư vấn, giới thiệu các nhà đầu tư thứ cấp (người dân) ký kết hợp đồng mua trái phiếu với Công ty Chứng khoán TVSI và Ngân hàng SHB.
Theo chỉ đạo của bà Trương Mỹ Lan, sau khi thu được tiền từ việc bán trái phiếu, các đồng phạm đã thực hiện giao dịch chuyển tiền cho cá nhân được thuê để rút tiền tại SCB nhằm che giấu, "cắt đứt dòng tiền" và sử dụng toàn bộ tiền bán trái phiếu vào mục đích: trả nợ vay ngân hàng; trả gốc, lãi trái phiếu; chi dự án; chuyển tiền ra nước ngoài và mục đích cá nhân khác của bà Lan, dẫn đến mất khả năng chi trả cho người mua trái phiếu.
Tại Công ty An Đông, 4 tháng cuối năm 2018, gần 250 triệu trái phiếu khống, thời hạn 5 năm được phát hành trót lọt và bán cho 5 công ty cùng hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát gồm VIPD, VN GROUP, WMC, Tập đoàn Đầu tư VTP và DUC, nhằm hợp thức mục đích của việc phát hành trái phiếu.
5 công ty đã thực hiện các giao dịch mua bán, chuyển nhượng trái phiếu qua lại với nhau và với các công ty khác thuộc hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát rồi chuyển nhượng toàn bộ cho Công ty Chứng khoán TVSI để bán ra thị trường cho 30.738 nhà đầu tư, thu về hơn 25.300 tỷ đồng.
Tính đến ngày khởi tố vụ án, 7/10/2022, Công ty An Đông còn dư nợ 24.969 tỷ đồng không có khả năng thanh toán.
Công ty Sunny World phát hành 24 triệu trái phiếu, tổng giá trị 2.400 tỷ đồng, còn dư nợ 1.600 tỷ đồng của 6 nhà đầu tư, không có khả năng thanh toán cho họ.
Công ty Quang Thuận phát hành 15 triệu trái phiếu, tổng giá trị 1.500 tỷ đồng, hiện còn nợ 1.500 tỷ đồng của 2.649 bị hại.
Công ty Setra phát hành 20 triệu trái phiếu, tháng 8/2020, tổng giá trị 2.000 tỷ đồng, còn dư nợ 2.000 tỷ đồng của 2.431 bị hại.
Riêng tại Setra, VKSND Tối cao còn cáo buộc công ty này không đủ điều kiện phát hành trái phiếu nhưng Chủ tịch Trần Văn Tuấn và Trần Thị Lan Chi (Kế toán trưởng) đã làm các tài liệu khống, sửa báo cáo tài chính từ "lỗ" sang "lãi", rồi cung cấp cho Công ty kiểm toán A&C.
Biết việc này nhưng Phó tổng giám đốc A&C Lý Quốc Trung vẫn chỉ đạo kiểm toán viên Phạm Hoa Đăng phát hành báo cáo kiểm toán "chấp nhận toàn phần" với báo cáo tài chính của Setra, gián tiếp giúp Setra phát hành trái phiếu trót lọt, dù công ty không đủ điều kiện. Trong vụ án này, Trung và Đăng cũng bị truy tố tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Trong "thương vụ" lừa đảo 30.081 tỷ đồng qua trái phiếu khống, bà Trương Mỹ Lan bị VKSND Tối cao cáo buộc là người "chi phối, điều hành, chỉ đạo, quyết định" mọi hoạt động của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và các đường đi nước bước. Như vậy, chỉ trong 2 năm, các bị can đã lừa đảo chiếm đoạt hơn 30.0000 tỷ đồng của hơn 35.000 nhà đầu tư - tức trung bình mỗi nhà đầu tư bị thiệt hại 860 triệu đồng.
Bị cáo Võ Tấn Hoàng Văn tại phiên xét xử giai đoạn một đại án Vạn Thịnh Phát, hồi tháng 3.
Ở giai đoạn đầu của vụ án, bà Trương Mỹ Lan bị xác định trong 10 năm thâu tóm SCB đã chỉ đạo đồng phạm giải ngân cho nhóm công ty trong hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát tổng cộng hơn 2.500 khoản vay. Đến tháng 10/2022, nhóm bà Lan và Vạn Thịnh Phát còn gần 1.300 khoản vay dư nợ 677.000 tỷ đồng gốc và lãi.
Hôm 11/4, TAND TP HCM tuyên phạt bà Lan 20 năm tù về tội Đưa hối lộ; 20 năm tù về tội Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng và tử hình về tội Tham ô tài sản. Tổng hợp hình phạt, bị cáo phải chấp hành án tử hình.
Thanh Lam
Nguồn: VNEXPRESS.NET