Tìm mọi cách để được chết
Bệnh nhân N.T.V (20 tuổi, Ngọc Hồi, Hà Nội) vào Bệnh viện Tâm thần Trung ương I trong tình trạng hoảng loạn, chỉ muốn chết. Bệnh nhân V. được chẩn đoán mắc bệnh trầm cảm khá nặng và được điều trị tại khoa Nữ.
Người nhà bệnh nhân cho hay trước khi mắc bị bệnh V. thường bị rụng tóc. Do tóc tự nhiên rụng quá nhiều làm cho V. lo lắng nghĩ rằng đang mắc bệnh nặng không thể chữa được.
Lo lắng này đã dẫn tới hoang tưởng khiến cho V. đã tìm mọi cách để tự tử. Rất may mắn V. được người nhà phát hiện kịp thời và đưa đi cấp cứu.
Còn trường hợp bệnh nhân T.T.H (51 tuổi, Hậu Lộc, Thanh Hóa) cách đây 4 tháng bệnh nhân đi khám và phát hiện có u xơ tử cung và u nang tuyến giáp.Sau khi đi khám về, bà H luôn suy nghĩ buồn phiền và cảm thấy đau nhiều bộ phận trên cơ thể. Khi thì cảm thấy đau tim, khi thì đau gan… cảm giác thường xuyên bị đau đớn khiến cho tính cách của bệnh nhân thay đổi trở nên dễ cáu và khó gần.
Chị P. (con gái bà H.) cho biết bà H. là một người ít nói, sống cam chịu gần như không thích chia sẻ cảm xúc với ai. Gần đây, khi chị cố gắng để nói chuyện mẹ thì mẹ chị nổi giận và quay ra đánh chị. Ngoài thay đổi về tính cách bà H. còn có những hoang tưởng người lấy tiền của mình. Bà H. không dám ăn bất cứ thứ ăn gì ngoài canh ngao.
Trầm cảm có thể điều trị khỏi được
PGS.TS.Tô Thanh Phương, Trưởng khoa nữ, Phó giám đốc Bệnh viện tâm thần Trung ương cho hay: "80% bệnh nhân trầm cảm nặng sẽ có ý tưởng và hành vi tự sát. Có những trường hợp bệnh nhân cảm thấy buồn chán chỉ muốn chết sớm để giải thoát cho chính mình.
Một số trường hợp khác không muốn sống bằng cách tuyệt thực, không chịu ăn uống. Trường hợp của bệnh nhân V. và H. là hai trường hợp bệnh nhân điển hình trầm cảm nặng muốn chết".
Bệnh nhân V. sau khi nhập viện bệnh nhân đã phối hợp điều trị nên chỉ 2 lần kích từ và dùng thuốc các triệu chứng bệnh đã giảm. Còn trường hợp của bệnh nhân H. hiện vẫn chưa phối hợp điều trị. Bệnh nhân luôn cho rằng mình không có bệnh, bác sĩ phát thuốc cho uống bệnh nhân giấu vào tay áo hoặc ngậm thuốc dưới lưỡi.
Theo bác sĩ Phương có 4 nguyên nhân dễ dẫn tới trầm cảm có thể kể tới: nhóm người có nhân cách thường xuyên lo âu hay buồn phiền ít tâm sự; nhóm gặp những cú sốc lớn trong cuộc đời làm ăn thua lỗ, áp lực học hành, mất việc, thất tình…; nhóm người có bệnh lý nền như tiểu đường, ung thư… khiến bệnh nhân hay suy nghĩ; nhóm yếu tố gia đình, bệnh nhân có bố hoặc mẹ trước đó bị trầm cảm.
Bệnh nhân H. bị trầm cảm nặng đang điều trị tại khoa Nữ, Bệnh viện tâm thần Trung ương I.
Để phòng tránh tự sát khi bị trầm cảm cần phải phát hiện sớm bệnh. Gia đình khi thấy bệnh nhân có những sự bất thường thay đổi thói quen sống ngại giao tiếp, sống thu mình, giảm hứng thú sở thích trong cuộc sống thì cần đưa bệnh nhân đi khám sớm. Trầm cảm là một trong số những bệnh tâm thần có thể điều trị khỏi được.
GS. Cao Tiến Đức - Chủ nhiệm Khoa Tâm thần, Bệnh viện Quân y 103 cho biết thêm trầm cảm có thể mắc ở mọi lứa tuổi. Bệnh nhân bị trầm cảm thường có ý nghĩ tự tử để giải thoát cho bản thân mình. Đáng lo ngại nhất một số bệnh nhân trầm cảm trước khi tự tử, họ còn muốn kéo theo một số người thân chết cùng (tự sát mở rộng).
Hành động tự sát mở rộng của bệnh nhân trầm cảm hiện nay vẫn chưa có nghiên cứu nào lý giải được. Bệnh nhân tự sát mở rộng vì rất nhiều lý do, có thể do hoang tưởng ảo giác hoặc do bệnh nhân nghĩ điều đó sẽ tốt cho người thân của mình.
Điều trị trầm cảm thường phải theo dõi kéo dài, quan trọng nhất bệnh nhất phải tuân thủ uống thuốc để tránh tái bệnh.
Nguồn: Trí Thức Trẻ