Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, đã đến lúc phải có "tuyên ngôn về nước" khi thế giới đang ở kỷ nguyên khô hạn toàn cầu và Việt Nam vẫn chưa coi nước là tài nguyên.

Tham gia trả lời tại phiên chất vấn Bộ trưởng Tài nguyên Môi trường Đặng Quốc Khánh sáng 4/6, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho biết Việt Nam là một trong 6 nước bị tổn thương nhất trong "kỷ nguyên khô hạn".

"Ai cũng nghĩ nước là vô hạn nhưng bây giờ đứng trước thách thức về biến đổi khí hậu toàn cầu thì mới thấy nước là tài nguyên hữu hạn. Đã là hữu hạn thì lại phải khai thác với một nền nông nghiệp khan hiếm nước", Bộ trưởng Hoan nói.

Theo Bộ trưởng, ở Israel - một nước sa mạc nhưng nền nông nghiệp của họ vượt trội. Họ giáo dục người dân từ khi còn là trẻ nhỏ rằng phải biết tiết kiệm nước trong tiêu dùng, sinh hoạt và kể cả trong nông nghiệp. Trong khi đó, Việt Nam luôn gọi là tài nguyên nước, nhưng chưa bao giờ thực sự coi nước là tài nguyên.

1 Can Co Tuyen Ngon Ve Khan Hiem Nuoc O Viet Nam

Bộ trưởng Lê Minh Hoan trả lời chất vấn về khan hiếm nguồn nước tại Quốc hội, sáng 4/6. Video: VTV

Từ thực trạng đáng báo động này, ông Hoan đề nghị phải có ngay một tuyên ngôn với người dân đồng bằng sông Cửu Long - nơi đang chịu hậu quả nặng nề của hạn hán, xâm nhập mặn, sụt lún. Tuyên ngôn cần nhấn mạnh rằng "Việt Nam không phải quốc gia dư thừa nước mà ngược lại, nước ngày càng khan hiếm". Từ đó, người dân phải thay đổi cách sử dụng nước như nguồn không mất chi phí.

"Khi nước đã hữu hạn, chúng ta tưới xả tràn lan, trong khi các nước họ tưới nhỏ giọt. Trạng thái nền nông nghiệp tiết kiệm nước sẽ giúp hiệu chỉnh từng đơn vị nước một cho cây trồng, vật nuôi, thủy sản", ông Hoan nói.

Việc tiết kiệm nước theo Bộ trưởng phải tiếp cận ở ba vấn đề cụ thể là số lượng nước, chất lượng nước và cách thức sử dụng nguồn nước. Trong đó, cách thức sử dụng quan trọng nhất, sẽ tác động đến số lượng và chất lượng nước. Nếu dùng hết nước mặt (tự nhiên) để rồi phải khai thác nước ngầm thì Việt Nam sẽ lại vướng vào một vòng luẩn quẩn, "để lại nhiều hệ lụy, không có đường thoát".

Theo người đứng đầu ngành nông nghiệp, nguồn nước là vấn đề lớn, cần nguồn lực lớn, thậm chí đầu tư dài hơi. Nghị quyết 120 của Chính phủ về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long cũng xác định phải chuyển đổi không gian sống, sản xuất hợp lý hơn trong bối cảnh biến đổi khí hậu. Mỗi địa phương phải xem xét thận trọng hồ chứa, trữ nước. Đồng bằng sông Cửu Long "không thể lấy một diện tích đủ rộng để làm hồ phục vụ cho một địa phương, nên cần cách tiếp cận tổng thể".

Ông ví dụ bài học ở tỉnh Trà Vinh, mùa hạn vừa qua tỉnh này không bị ảnh hưởng xâm nhập mặn do đã khơi thông nhiều luồng lạch, kênh mương. Đây cũng là bài học các địa phương cần nghiên cứu.

Hạn mặn năm nay dự báo sẽ khiến 30.000 hộ dân ở Đồng bằng sông Cửu Long thiếu nước sinh hoạt, 20.000 ha lúa đông xuân gieo sạ ngoài lịch khuyến cáo bị thiếu nước.

Đợt hạn mặn lịch sử năm 2016 (100 năm mới lặp lại), 10 trong số 13 tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long phải công bố thiên tai. Khô hạn đã khiến 160.000 ha đất bị nhiễm mặn, thiệt hại hơn 5.500 tỷ đồng. Năm 2020, hạn mặn làm 43.000 ha lúa bị thiệt hại, 80.000 hộ thiếu nước sinh hoạt, 6 tỉnh phải công bố tình huống khẩn cấp. Chính phủ đã chi 530 tỷ đồng cho 8 tỉnh ở đây ứng phó.

Phạm Dự

Nguồn: VNEXPRESS.NET




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC