Thông tin mới nhất về tình hình bé trai 10 tuổi rơi xuống trụ bê tông ở Đồng Tháp, chiều 2/1, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Đoàn Tấn Bửu cho báo chí biết: “Bé trai rơi thẳng xuống trụ bê tông hẹp và sâu nên có khả năng bị đa chấn thương.
Thêm vào đó, với tình trạng không khí không đảm bảo, nhiệt độ lạnh và không được ăn uống nên tiên lượng sức khỏe của bé rất xấu. Địa phương đã tính tới phương án xử lý cấp cứu tại hiện trường”.
Hiện trường giải cứu bé trai 10 tuổi rơi xuống trụ bê tông ở Đồng Tháp.
Ông Bửu cho biết thêm, tỉnh cũng đã dự phòng phương án ở mức độ xấu hơn: “Khi kết thúc cứu hộ, chúng tôi sẽ hỗ trợ cho cháu bé và gia đình một cách tốt nhất”.
Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, khoảng 200 người đang tham gia giải cứu bé trai 10 tuổi rơi xuống trụ bê tông sâu 35m. Việc cứu hộ đối với sự cố này chưa có tiền lệ trên địa bàn tỉnh.
Do đó, Quân khu 9 đã cử đến hiện trường lực lượng công binh với những thiết bị chuyên dụng để nội soi, thăm dò dưới lòng đất, thiết bị cưa cắt bê tông đã được chuẩn bị nhằm sớm đưa cọc bê tông lên và sau đó sẽ có bước cứu hộ tiếp theo trên mặt đất.
Ông Đoàn Tấn Bửu cho biết, các đơn vị chuyên môn đang tập trung làm mềm phần đất xung quanh cọc bê tông để làm giảm bám dính, ma sát. Khi thấy đủ điều kiện sẽ đưa cọc đó lên và tiếp tục thăm dò trong lòng ống để cứu hộ cháu bé.
Về tình hình giải cứu bé trai 10 tuổi rơi xuống trụ bê tông ở Đồng Tháp, công tác cứu nạn vẫn đang diễn ra khẩn trương để chạy đua với thời gian. Đến chiều tối 2/1 – hơn 2 ngày kể từ lúc bé Thái Lý Hạo Nam (sinh năm 2012, ở xã Phú Lợi, huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp) bị tụt xuống trụ bê tông, lực lượng cứu hộ vẫn chưa tiếp cận được nạn nhân.
Tình hình sức khỏe bé trai 10 tuổi rơi xuống trụ bê tông đang khiến nhiều người lo lắng do chưa xác định được cụ thể tình trạng hiện tại của bé ra sao.
Nhận định về tình trạng của bé trai 10 tuổi rơi xuống trụ bê tông ở Đồng Tháp, bác sĩ Đinh Tấn Phương – Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Nhi đồng 1 TP HCM – cho biết trên báo Người lao động rằng, về góc độ khoa học, khi rơi vào hố sâu sẽ có nhiều nguyên nhân gây tử vong.
“Tùy theo độ sâu, càng sâu thì mức độ nguy hiểm càng cao. Với độ sâu 35m là rất khó, không chỉ vậy, đường kính 25cm là quá nhỏ nên việc cứu hộ sẽ rất khó khăn. Nếu một trường hợp rơi vào hố sâu, sau 24 giờ thì nguy cơ rất cao, càng lâu chừng nào khả năng nguy hiểm càng cao chừng nấy”, bác sĩ Phương phân tích.
Về cơ chế thở, bác sĩ Phương cho biết, đối với trẻ 10 tuổi cũng giống như người lớn, không khác biệt nhiều. Tuy nhiên, việc trẻ ở dưới hố sâu quá lâu cộng thêm thời gian quá dài thì sự sống sẽ cực kỳ thấp.
Trước đó, như Báo Sức khỏe và Đời sống đã đưa tin, khoảng 11h30 ngày 31/12/2022, bé Thái Lý Hạo Nam cùng 3 người bạn vào công trình cầu Rọc Sen nằm trên đường tỉnh lộ 857, xã Phú Lợi để nhặt sắt. Không may, bé Nam rơi lọt xuống trụ bê tông rỗng ruột bên trong, đã đóng xuống đất sâu khoảng 35m.
Theo cơ quan chức năng, việc giải cứu bé trai 10 tuổi rơi xuống trụ bê tông rất khó khăn do đường kính trụ bê tông quá nhỏ, chỉ 25cm, nhân viên cứu nạn không thể thả dây để leo xuống. Các phương án giải cứu nạn nhân gặp nhiều trở ngại, tiềm ẩn nhiều nguy cơ khác, nhất là trong bối cảnh phải chạy đua với thời gian để hi vọng cứu sống cháu bé.
Thông tin về diễn biến giải cứu bé trai 10 tuổi rơi xuống trụ bê tông sâu 35m ở Đồng Tháp sẽ tiếp tục được cập nhật đến độc giả.
Nguồn: SKDS