Khoảng gần một năm nay, người dân ở ngõ 25 phố Trần Phú (quận Hà Đông, TP.Hà Nội) đã dần quen với hình ảnh một cậu sinh viên cao hơn 1 mét, chân tay khuềnh khoàng, đầu to dị thường, hàng ngày đeo balô tấp tểnh theo học ở Học viện Y Dược học cổ truyền Việt Nam.
Có lẽ ít ai biết rằng, để có được ngày hôm nay, chàng "Sọ Dừa" Ngô Văn Định đã phải có những cố gắng vượt bậc, cùng với những hy sinh không biết mệt mỏi từ người thân của mình.
Đứng thi đỗ cả hai trường Đại học
Chúng tôi tìm đến căn phòng trọ của hai cha con Ngô Văn Bằng - Ngô Văn Định khi ông vừa kết thúc một ca làm việc ở Học viện Y Dược học cổ truyền Việt Nam. Phải mất một lúc lâu vừa hỏi đường, vừa suy luận chúng tôi mới lách được vào một căn phòng nhỏ chừng gần 20m2 song lại đang chứa những hai gia đình sống chung mà không hề có vách ngăn. Mỗi góc phòng kê một chiếc giường cho một gia đình, còn phần không gian giữa là nơi đặt chạn bát, nồi niêu, xoong chảo...
"Sọ dừa" Lê Văn Định, SV Học viện Y Dược học cổ truyền Việt Nam |
Phòng cũng chỉ có duy nhất một chiếc quạt cây của gia đình kia, nên ông Bằng vừa nói chuyện với tôi, tay không rời chiếc mũ vừa quạt phành phạch. Ông cho biết, hai bố con dọn vào đây được gần 6 tháng. Ngày mới lên nhập học, vợ chồng thầy Lê Đình Yên, giáo viên trong trường cho ở miễn phí tại căn phòng nhỏ vốn cho thuê của gia đình phía sau trường. Ít lâu sau, căn hộ được bán cho người khác. Vì vậy, mỗi tháng bố con Định phải thuê ở bên này với giá 600.000 đồng gồm cả tiền điện nước.
Căn phòng ngoài hai cái hòm, một cho con, một cho bố ra thì chẳng còn thứ gì đáng giá nữa. Có một chiếc tủ để đựng quần áo, sách vở cho Định thì lại... không có cửa. "Được các thầy trong trường thương tình cho mấy chiếc bàn ghế gãy, tôi đóng cái tủ cho cháu dùng tạm. Dựng xong bộ khung với ba mặt thì... hết gỗ, đành phải chừa lại cái cánh. Bao giờ xin được tấm ván khác thì ghép vào sau" - Ông Bằng phân trần.
Tuy điều kiện sống ở mức tối thiểu, song ông Bằng vẫn tỏ ra rất vui: "Đối với tôi, được ở cùng hàng ngày chăm lo cho thằng Định đi học đã là một niềm hạnh phúc lớn lao lắm rồi. Vài năm trước đây, khi thằng Định đang học trường phổ thông ở quê (Vĩnh Lộc, Thanh Hóa), có mơ tôi cũng chả dám nghĩ hai bố con lại có ngày hôm nay".
Ông Bằng nói đến đây thì có tiếng loẹt quẹt ngoài ngõ, quay ra tôi thấy một cậu bé có phần... dị dạng đeo túi phăm phăm đi vào khu trọ. Thấy tôi, Định có phần bẽn lẽn, ngượng nghịu: "Em chào anh ạ". Quả thật, từ nhỏ tới giờ tôi mới gặp một người có vóc người lạ như Định, mọi người gọi là “Sọ Dừa” cũng chẳng sai. Định cao đúng 1,12m, nặng gần 40kg. Đôi chân rất ngắn, lại cong hình trăng lưỡi liềm. Cánh tay cũng thế. Bàn tay to bè, các ngón tay như quả chuối mắn. Đặc biệt, đầu em to một cách dị thường. Duy có đôi mắt rất sáng và nụ cười đặc biệt dễ thương.
Cũng chính vì đôi chân ngắn mà cách đây một năm, khi Định cùng bố ra Hà Nội dự thi vào Trường đại học Nông nghiệp I và Học viện Y Dược học cổ truyền đã gặp những tình huống dở khóc dở cười. Số là khi giám thị đọc số báo danh vào phòng thi, Định có mặt từ lâu mà người giám thị cứ mải ngó quanh quất, một lúc sau mới nhìn thấy cậu bé lũn cũn đang chìa giấy báo thi cho mình. Thế rồi khi ngồi lên ghế trong phòng thì mặt Định cũng chạm mặt bàn, đâm ra em không thể ngồi viết nổi. Chẳng còn cách nào khác, Định cứ vừa đứng vừa làm bài suốt ba tiếng đồng hồ. Định thi hai trường, tổng cộng sáu buổi cậu cứ trong tình trạng như vậy. Nhiều giám thị thương lắm nhưng cũng chả biết làm cách nào.
Định cũng là người nhạy cảm với thời tiết. Mùa thi đúng vào những ngày nắng như đổ lửa, trong người cậu lúc nào cũng... ở nhiệt độ cao. Song Định quyết tâm không bỏ một buổi nào. Thi xong, Định bảo với bố: "Năm nay con làm bài hơi kém. Bố cho con ôn lại, năm sau con thi tiếp". Thế nhưng không ngờ, Định lại đỗ cả hai trường.
Nhận được giấy báo nhập học, ông Bằng nghĩ ngay tới việc động viên vợ để mình theo con lên Hà Nội. Mấy chục năm nay sống với nhau, bà Nguyễn Thị Hải còn lạ gì tính chồng, đã quyết là làm. Bà chỉ biết chạy đôn chạy đáo bán thêm chục trứng gà, cắt thêm mấy mớ rau, buồng chuối; lại mò thêm rổ ốc trong ao nhà cố gắng gom góp chút đỉnh để cho "cha con nó giắt lưng, đặng lên đường chân cứng đá mềm".
3 tháng không biết lẫy, 7 tháng chẳng biết bò
Ngô Văn Định là con trai út của ông bà Bằng. Năm nay 55 tuổi, ông Bằng đã có hơn 20 năm lăn lộn trong ngành Giao thông vận tải. Trong đó có gần chục năm ông chiến đấu ở chiến trường nước bạn Lào, tham gia mở đường ở Phong Sa Lỳ, Xiêng Khoảng, Sầm Nưa... Năm 1978, khi đi học tại Trường trung cấp đường sắt Vĩnh Phú, trong một lần ốm sốt liệt giường, ông được các bác sĩ cho biết sức khỏe của ông chỉ ở loại 4 (yếu).
Sau nhiều thăng trầm cuộc đời, năm 1989, ông về công tác tại Công ty Vật tư Nga Sơn (Thanh Hóa). Được hơn một năm thì bà Hải sinh cậu con trai thứ hai - Ngô Văn Định. Ngày vui ngắn chẳng tày gang. Từ khi lọt lòng, chân tay Định cứ co lại chứ không bao giờ duỗi thẳng được. Đã thế lại khuềnh khoàng, ngắn cũn. Cái đầu thì to quá khổ.
Càng buồn hơn, khi mà 3 tháng Định chưa biết lẫy, 7 tháng chẳng biết bò, đến khi 2-3 tuổi cũng chưa ngồi dậy nổi, đừng nói là biết đi. Nhìn cảnh bọn trẻ hàng xóm cũng trạc tuổi Định thi thoảng được bố mẹ đưa sang chơi chạy nhảy nô đùa đuổi bắt nhau khắp làng thì ông Bằng buồn lắm. Định chỉ biết ăn, rồi quẫy quẫy cái tay, cái chân như đang bơi. Miệng cũng bi bô được dăm ba tiếng. Ông đã đưa con đi khám bệnh ở rất nhiều nơi và đều nhận được kết luận là do hệ thống xương của Định có rất nhiều khiếm khuyết nên không phát triển bình thường như người ta là chuyện dễ hiểu.
Ông Bằng xem tivi, thấy người ta nói những người bị liệt có thể luyện tập để cho xương cốt cứng cáp dần, thế là ông không ngại khó, ngại khổ quyết tâm giúp đỡ con. Ban đầu, ông và bà chỉ đỡ con ngồi dậy sao cho vững. Có người đỡ thì không sao, chứ nếu không có bố mẹ ngồi đấy là Định lại nằm quay lơ ra. Hai ông bà cũng chạy vạy khắp nơi, nào thì kiếm trứng gà, các loại hải sản chứa nhiều canxi, rồi các loại bột cóc, bột dinh dưỡng... mua bằng được về bồi bổ cho con. Mặc dù, lương mất sức của ông chả đáng là bao, lại phải chăm lo cho nhà bốn miệng ăn song không thức gì là ông bà từ.
May thay, trời cũng chẳng phụ lòng người. Sự kiên trì của ông Bằng, bà Hải cũng được đền đáp. Định đã dần dần ngồi thẳng dậy được mà không cần ai đỡ. Luyện ngồi đã khó song luyện cho con tập đứng lên, rồi đi lại càng khó khăn gấp bội. Ông Bằng xin về hưu non để có thời gian chăm sóc con. Bà vợ cũng yếu, ốm đau liên miên nên hai vợ chồng đã phải bán bớt 2 sào ruộng cho người ta, chỉ tập trung làm độ 2 sào lấy thóc lúa ăn cho gia đình.
Hai người tập trung thuê ao cấy rau muống, lại vay vốn ngân hàng mua lợn giống về nuôi. Định lên 5 tuổi thì được đưa đến nhà trẻ trong làng. Do bé và yếu nhất nên Định luôn được các cô giáo chăm sóc rất cẩn thận, kỹ lưỡng. Đặc biệt, Định tiếp thu các bài hát, một số kiến thức đơn giản cũng khá nhanh nên được nhiều người quý mến.
Tới tuổi đi học, Định cũng được cha mẹ cho đến trường như ai. Và thế là bắt đầu 12 năm dằng dặc ông Bằng làm nhiệm vụ đưa con đi học rồi đón con về. May là trường cũng gần nhà, nên các năm học tiểu học và trung học cơ sở cũng đỡ vất vả. Tới bậc trung học phổ thông thì ông Bằng phải "cải tạo" lại chiếc xe đạp để chở con đi. Ông lấy hai thanh tre, buộc vắt chéo vào baga, giống như để buộc bao gạo để cho Định ngồi vững hơn và hai tay em có chỗ bám.
Ấy thế mà, một lần hai bố con đèo nhau tới cổng trường rồi. Ông Bằng dừng xe, đang định gạt chân chống thì bỗng nhiên thấy xe mất thăng bằng dữ dội. Ông càng cố giữ thì càng bị lực ấn mạnh hơn, khiến cả hai cha con ngã chổng kềnh ra đường. Hóa ra, hôm ấy Định cảm thấy hâm hấp sốt, mệt lắm nhưng lại không muốn bỏ mất một buổi học. Thế là Định làm ra vẻ khỏe mạnh, để cho bố đỡ lên xe đưa tới trường. Đi được một lúc thì Định thấy đau đầu chóng mặt, ngồi không vững nữa. Cố hết sức bám lấy hai thanh tre, đến đúng cổng trường thì không chịu nổi, ngã nhào ra.
Công cha... hơn núi Thái Sơn
Thực ra, việc đưa đón con đi học tuy có mất thời gian và công sức thật, song nếu ai biết được ông Bằng đã phải lao tâm khổ tứ để chăm nom, chạy chữa đủ thứ bệnh tật cho đứa con bất hạnh của mình thì mới thấy, công cha còn hơn cả núi Thái Sơn.
Có lẽ Định bị ảnh hưởng bởi di chứng chiến tranh từ bố nên từ bé, em đã ốm đau quặt quẹo liên miên. Tháng nào ông Bằng cũng phải đưa con lên trạm xá để bác sĩ thăm khám, điều trị. Sau rồi thấy không có biến chuyển, ông Bằng lại khăn gói vào Nam ra Bắc, cứ nghe người ta mách chỗ nào có ông lang hay là lại mò tới tận nơi xin thuốc. Ngày qua ngày, tháng qua tháng, năm qua năm những chứng bệnh như sốt, cảm, nhức đầu, đau xương... của con vẫn không thuyên giảm, ông Bằng xót con như đứt từng khúc ruột.
Ông nhớ lại, có hôm đang cho đàn lợn ăn sau nhà thì thấy Định gọi, "bố ơi, vào với con một tí". Biết con lại bị cơn bệnh hành hạ, ông Bằng lập tức bỏ công bỏ việc, tắm rửa qua loa rồi vào giường nằm ôm con, mong truyền hơi ấm của mình để con bớt đau. Có những đợt mùa đông tháng giá, ông phải làm vài ly rượu, rồi mới đặt con lên bụng, lấy hơi ấm của mình sưởi cho con. "Hình như nhờ hấp thu dương khí của tôi mà thằng bé cũng cứng cáp dần" - Ông Bằng tâm sự.
Nhiều đêm, khi Định đã ngủ rồi ông Bằng nằm mà thao thức mãi vì biết con đau ốm mà không có cách nào trị dứt điểm. Trong dòng suy tưởng, ông nhớ lại thuở thơ bé, nhiều lần ông cũng có những triệu chứng giống như Định, và được bố mẹ sắc một số loại lá cây cho uống. Nghĩ đến đó, ông vùng dậy ra vườn tìm hái lá. Nhưng trời tối quá, ông đành đợi sáng hôm sau.
Mặt trời vừa lên, ông Định đã ra vườn tìm lá thuốc. Nhà mình chưa có đủ, ông chạy qua hàng xóm xin rồi mang về sắc. Xong, ông thử nếm trước xem có giống vị thuốc ngày xưa mình đã từng được uống không, rồi cho con uống từng ngụm nhỏ. Thấy có hiệu quả ông mới cho uống tiếp. Không ngờ thứ thuốc ấy đã giúp cho Định khỏi bệnh, lại ăn uống được như bình thường.
Từ đó trở đi, cứ mỗi lần con ốm ông Bằng lại mày mò qua sách vở, rồi đi thu thập các bài thuốc dân gian để tìm cách chữa trị cho con. Dần dà, ông có cả một "kho" bài thuốc để mùa nào thức nấy, đối phó với những cơn bệnh bất thường của Định. Ông còn học cả xoa bóp, bấm huyệt, các biện pháp vật lý trị liệu để giúp con cải thiện các cơ xương.
Với sự chăm sóc như trời bể của cha mẹ, thấm thoắt Định lần lượt học xong 12 năm học phổ thông với thành tích tốt. Chàng “Sọ Dừa” cũng mơ ước tới cánh cổng trường đại học và thi đỗ cả hai. Ban đầu Định dự kiến sẽ học Trường đại học Nông nghiệp I Hà Nội. Nhưng sau được các thầy cô góp ý, rằng nên học Học viện Y Dược để trước là "giúp mình", sau giúp người. Định nghe lời.
Học lý thuyết ở lớp, về nhà Định lại nhờ bố để... thực hành (tiêm thuốc). |
Và thế là, khoảng gần một năm trước ông Bằng tay xách nách mang cùng con lên trường nhập học. Thằng con cả của ông, Ngô Văn Bình đang là sinh viên Trường đại học Bách Khoa thương người em thiệt thòi, liền xin bảo lưu kết quả để ra làm thợ sửa ôtô, lấy tiền nuôi em ăn học. "Bao giờ em Định học thành tài thì con lại đi học tiếp cũng chưa muộn" - Bình tâm sự với bố như thế. Ông Bằng cũng may mắn xin được một chân dọn vệ sinh trong trường. Ngày ngày sau giờ làm lại tất tả về phòng lo cơm nước cho con yên tâm học hành.
Lúc chia tay, tôi có nhã ý tặng cho Định một ít tiền vì thấy chiếc áo em đang mặc rách quá. "Thực ra cái áo phông nào của em nó cũng bị rách vùng cổ áo, vì đầu nó to quá. Cứ lọt được đầu thì áo nào cũng rách cả thôi" - ông Bằng phân trần. "Em nó cũng được cái tính cẩn thận, bộ quần áo sơmi tôi may cho từ năm nó học lớp 9 tới giờ vẫn còn như mới, chưa phải thay cậu ạ...".
Theo CAND.