Glyphosate là hợp chất có trong các loại thuốc diệt cỏ phổ biến ở cả Việt Nam và thế giới.
Đầu năm 2015, Glyphosate đã được IARC (Tổ chức nghiên cứu ung thư quốc tế) thuộc WHO (Tổ chức y tế thế giới) xếp hạng 2A về mức độ gây ung thư.
Phun thuốc diệt cỏ trên cánh đồng (Ảnh minh họa)
Theo đó, Glyphosate thuộc nhóm 2A - nhóm có khả năng gây ung thư cao.
Ngoài ra, nhiều thông tin từ các quốc gia khác cho thấy, Glyphosate còn có thể gây ra những bệnh khác như bệnh thận, dị tật bẩm sinh ở trẻ sơ sinh, bệnh về đường tiêu hóa, Parkinson, tổn thương thần kinh...
Phản ứng của các nước châu Âu
Một số quốc gia châu Âu như Đức, Pháp, Thụy Sĩ, Hà Lan đã xem xét cấm hoàn toàn hợp chất này trong nông nghiệp.
Ngày 27/02 vừa qua, Hà Lan, Thụy Điển, Pháp đã cùng phản đối mạnh mẽ việc tái cấp phép sử dụng thuốc diệt cỏ có chứa Glyphosate tại châu Âu.
Argentina: Sau khi có kết luận của WHO về Glyphosate, hơn 30 000 chuyên gia y tế đã yêu cầu chính phủ ban hành lệnh cấm sử dụng các sản phẩm có chứa Glyphosate .
Sri Lanka: Nước này đã tuyên bố cấm hoàn toàn việc sử dụng các sản phẩm có chứa Glyphosate.
Colombia: Cấm sử dụng thuốc diệt cỏ có chứa Glyphosate cho cây trồng, đặc biệt là các loại nông sản xuất khẩu.
Tình hình tại Việt Nam
Tại Việt Nam, Glyphosate là loại hóa chất có tên trong danh mục được cấp phép sử dụng, do đó, có rất nhiều loại thuốc diệt cỏ có chứa hóa chất này vẫn được bày bán công khai và tràn lan.
Bên cạnh đó, người dân, đặc biệt là nông dân hầu như không tiếp xúc được với những nguồn tin từ WHO cũng như không hề biết đến Glyphosate là gì. Chính sự mù mờ này đã khiến cho việc sử dụng thuốc diệt cỏ có chứa Glyphosate tràn lan và không biết khi nào mới có điểm dừng.
Ở Việt Nam hầu như cũng không có nghiên cứu khoa học hay đánh giá khách quan nào đối với tác hại của Glyphosate với sức khỏe con người, không có một thống kê đáng tin nào về số lượng bệnh nhân và các căn bệnh bị gây ra bởi loại hóa chất này.
Thông tin tham khảo thêm:
Mỗi năm, Việt Nam có 150.000 người mắc ung thư mới, 75.000 người chết vì ung thư. Có lẽ chưa bao giờ ung thư lại trở thành vấn nạn như hiện nay, khi mà người mắc bệnh không chỉ ở độ tuổi trung niên nữa mà ngay cả trẻ em cũng không còn là con số hiếm.
Mỗi năm ở Việt Nam có thêm 4.200 trường hợp trẻ dưới 19 tuổi mắc ung thư, theo thống kê của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF).
Nguồn: Kiến thức ung thư cho mọi người