Hành vi dùng bột màu đen trong pin pha vào cà phê là cực kỳ nguy hiểm với sức khỏe, cần phải lên án mạnh mẽ.
Theo đó, trong ruột pin chủ yếu là mangan dioxit, chất này có tính oxy hóa khử cao. Trong quá trình sử dụng chất này sẽ chuyển hóa thành ion là Mn2+.
Người tiêu dùng uống phải nếu vượt quá lượng mangan cho phép thì khả năng bị ngộ độc sẽ rất cao. Biểu hiện của người ngộ độc mangan nhẹ là đau đầu, mất ngủ nặng hơn là mất trí nhớ, run chân tay, đi lại khó khăn và cuối cùng nặng hơn nữa có thể giống như biểu hiện của bệnh Parkinson.
Để tiết kiệm chi phí sản xuất, một cơ sở sản xuất cà phê ở Đắk Nông là trộn pin với vỏ cà phê đưa ra thị trường. Ảnh: Dương Phong
Đối với thai nhi, đặc biệt là phụ nữ có thai và trẻ em thì sẽ hấp thụ mangan cao hơn là đàn ông và người trưởng thành. Trong đó, thai nhi khi bị ngộ độc mangan sẽ rất dễ bị các dị tật bẩm sinh, khi sinh ra nhẹ cân và có nguy cơ tử vong cao.
Ngoài ra, việc thường xuyên hấp thụ mangan vào cơ thể có thể còn ảnh hưởng đến hệ tuần hoàn, cơ tim, động mạch vành, động mạch chủ, gây tổn thương gan, thận... Đặc biệt, người nhiễm độc mangan rất khó hồi phục.
Chuyên gia này cũng cho biết, bằng mắt thường rất khó để nhận biết thực phẩm chứa mangan mà phải thực hiện các xét nghiệm cụ thể. “Người tiêu dùng nên lựa chọn các thực phẩm ở các cơ sở sản xuất uy tín, có chứng nhận VSATTP, không nên mua hàng trôi nổi, không rõ nguồn gốc tránh ảnh hưởng đến sức khỏe”, PGS. TS Trần Hồng Côn nói.
Nước pin đen xì dùng để nhuộm màu "cà phê". Ảnh: Dương Phong
Trong khi đó, PGS. TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm - Đại học Bách Khoa Hà Nội cũng bức xúc cho rằng, chúng ta đừng đặt vấn đề là thực phẩm nhuộm bột pin có nguy hiểm hay không mà đây là chất độc hại, cấm sử dụng trong thực phẩm.
“Chắc chắn người bình thường không ai ăn pin cả, pin là thứ vứt bỏ tiêu hủy cũng không đơn giản huống hồ để ăn, pha chế lẫn trong thực phẩm. Đây là hành vi không thể chấp nhận được, cần phải lên án mạnh mẽ và xử lý nghiêm”, PGS. TS Nguyễn Duy Thịnh nói.
Cũng theo chuyên gia này, người sử dụng cà phê trộn pin dễ bị nhiễm độc than chì có trong pin gây viêm thận, viêm cơ tim.
Trước đó, gia đình bà Nguyễn Thị Loan (ở thôn 13, xã Đắk Wer, huyện Đắk R’lấp, Đắk Nông) đã bị phòng Cảnh sát môi trường (PC49) Công an tỉnh Đắk Nông bắt quả tang hành vi trên vào chiều 16.4.
Bà Loan khai nhận, nguồn nguyên liệu là các loại cà phê thải, phế phẩm vỏ cà phê, cà phê vụn vỡ… được bà Loan thu mua tại các đại lý.
Sau đó bà Loan dùng chất bột màu đen trong viên pin hòa với nước rồi đem nhuộm với các nguyên liệu thu mua về. Trong hơn ba tháng đầu năm nay, cơ sở này đã bán ra thị trường hơn 3 tấn cà phê trộn pin.
Hà Trang - Dân Trí