Những năm gần đây, làn sóng du học của học sinh Việt Nam có phần nở rộ. Theo đó, không ít phụ huynh đã bỏ số tiền lớn cho con em đi du học, tiếp cận nền giáo dục tiên tiến.

Thống kê cho thấy, có khoảng 3-4 tỉ USD mà phụ huynh Việt Nam bỏ ra hằng năm để con em mình đi du học. Xung quanh câu chuyện này cũng có nhiều mối bận tâm.

Mới đây, nhà hoạt động giáo dục Giản Tư Trung – viện trưởng Viện giáo dục IRED đã có những chia sẻ về làn sóng du học của học sinh Việt Nam những năm gần đây trên báo Tuổi trẻ.

Chi 3-4 tỉ USD đi du học: Người Việt đang có cuộc tháo chạy khỏi giáo dục trong nước - 0

Nói về điều này, ông Trung cho biết, con số trên có thể cho thấy rằng, người dân rất quan tâm đầu tư giáo dục cho con cái, nhưng từ đây cũng có nhiều nỗi lo…

Theo ông Trung, khoản 3-4 tỉ USD dành cho du học là số tiền khôn ngoan nhất và đáng để tiêu nhất. Vì trên đời này không có đầu tư nào đáng giá hơn đầu tư cho giáo dục. Việc cho con em đi du học không chỉ là hưởng thụ nền giáo dục tốt mà còn trải nghiệm nền văn minh mới.

Nhưng số tiền nói trên và làn sóng du học có phần nở rộ cũng cho thấy rõ một thực tế hiện nay là đang có một cuộc tháo chạy khỏi giáo dục trong nước, ai cũng muốn cho con mình ra nước ngoài học, chẳng qua không có điều kiện mà thôi.

“Cho nên tôi nghĩ con số 3-4 tỉ USD cũng còn ít, nếu người ta có tiền, chắc chắn nó sẽ lên tới 30 tỉ hoặc hơn”, ông Trung nói.

Nói về nỗi lo và mừng của việc đi du học, ông Trung chia sẻ, cần phải làm rõ rằng nỗi buồn không nằm ở hiện tượng (đầu tư tiền của cho con đi học rồi con không quay về) mà nằm ở bản chất, ở chính cái nguyên nhân vì sao phải du học và vì sao học xong không về nước. Đây có lẽ là chuyện đáng bàn nhất xoay quanh con số 3-4 tỉ USD.

Chi 3-4 tỉ USD đi du học: Người Việt đang có cuộc tháo chạy khỏi giáo dục trong nước - 1

Nhà hoạt động giáo dục Giản Tư Trung

Nguyên nhân của việc này theo nhà hoạt động giáo dục Giản Tư Trung đó là vì người ta mất niềm tin vào giáo dục trong nước. Theo đó, hiện nay chiếm số lượng đông đảo nhất vẫn là đi du học đại học và sau đại học. Vì họ ít tìm được trường đại học đúng nghĩa ở trong nước. Mà không tìm được ở trong nước thì phải tìm ở ngoài nước.

Trước những tình trạng đi học và không về nước nói trên, ông Trung cho rằng để thay đổi cần phải có một triết lý giáo dục rõ ràng.

Theo đó, cần phải tạo ra những nhà trường mà phụ huynh không phải cất công ra nước ngoài tìm kiếm, vừa tốn kém, đắt đỏ, lại vừa không hẳn là lựa chọn tối ưu trong giáo dục.

“Tôi cho rằng người Việt đã được khai phóng có thể giúp người Việt biết cách “tự lực khai phóng” tốt hơn cả người bên ngoài. Muốn vậy thì giáo dục phải ra giáo dục, trường phải ra trường và thầy phải ra thầy”, ông Trung nói.

Bàn đến triết lý giáo dục cho giáo dục hiện nay, ông Giản Tư Trung chỉ ra ” Sau nhiều năm làm giáo dục, tôi nghiệm ra rằng con người với “nhân tính, quốc tính và cá tính” (con người “tam tính”) là đích đến của giáo dục”.

Nhưng để làm được điều đó, một mình ngành giáo dục thì chắc chắn không thể giải quyết được, mà cần phải có sự tham gia của Nhà nước và “nhà mình” (gia đình).

 

Nguồn: Báo Tuổi trẻ




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC